/ 22
45

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 24 Tháng 12 Năm 2009

Tập 6

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng học. Xin mời ngồi. Xin xem tiếp phần Tinh Hoa, tiết Bốn Mươi Ba “thế gian nhân dân, bất thuận pháp độ”, hôm qua chúng tôi đã giảng đến “phá gia vong thân, bất cố tiền hậu”.

Hôm nay chúng ta tiếp tục xem hai câu: “Phú hữu xan tích, bất khẳng thí dữ”, Phú Hữu là phước báo, phước báo của người thế gian từ đâu mà có? Là từ trong đời quá khứ tu Tài Bố Thí mà có, thông minh trí tuệ là tu Pháp Bố Thí mà có, khỏe mạnh sống lâu là tu Vô Úy Bố Thí mà có. Được phước báo lớn hay nhỏ, có liên quan đến trong đời quá khứ tu nhân, chúng ta trong đời quá khứ tu nhân nhiều, tâm lượng lớn thì trong đời này được rất giàu có, nếu trong đời quá khứ tu nhân ít, tâm lượng nhỏ thì trong đời này chỉ được phước báo rất có hạng. Cho nên nói tóm lại, phước báo là có lúc hưởng hết, lại huống chi là từ vô thỉ kiếp đến nay, tìm không ra một người chỉ có tu phước mà chẳng có tạo ác, tìm không ra một người như vậy. Ngược lại, muốn tìm một người chỉ có tạo ác, chẳng có tu thiện, cũng tìm không ra. Cho nên thiện và ác, trong lục đạo chúng sanh, xen lẫn nhau mà sanh ra. Hoàn cảnh mà chúng ta hiện nay đang gặp phải, và chúng ta thấy được những tình hình của chung quanh hoàn cảnh, quả báo cũng khác nhau. Quý vị chú tâm mà quan sát thì thấy được, trong kinh Phật có nói, cái nhân của đời trước và cái quả của đời sau, nhân duyên quả báo không sai chút nào.

Làm thế nào có thể duy trì được phước báo của chúng ta, mãi mãi không mất đi? Có phương pháp hay không? Có, quý vị không ngừng mà tu nhân, dù đời này có được quả báo tốt lành, nhưng cũng phải tu cái nhân cho đời sau. Trong kinh Phật có nói: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị”, nghĩa là hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta trong đời này, chính là cái nhân của đời trước, “Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”, nghĩa là hành vi tạo tác của chúng ta trong đời này, là cái nhân của quả báo ở đời sau. Khi hiểu rõ đạo lý này, mới biết đời này quan trọng, đời sau càng quan trọng hơn, tại vì sao? Vì đời này được thân người không dễ, trong kinh Phật có nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Phật tại trong kinh có nói vài thí dụ, đức Thế Tôn có một ngày ở vườn Cấp Cô Độc, và có rất nhiều đệ tử đi theo Phật.

Lúc đó Phật hốt một nắm đất, sau đó Ngài lại bỏ xuống, rải trên mặt đất, các đệ tử nhìn thấy, bèn thỉnh giáo với Ngài: “Thế Tôn làm như vậy là ý nghĩa gì?” Phật trả lời: “Nắm đất này trên tay ta, bây giờ ta rải trên mặt đất, đất rải trên mặt đất nhiều, hay là đất còn dính lại trên móng tay ta nhiều? Không thể hoàn toàn đều rải xuống hết! Cái nào nhiều hơn?” Các đệ tử đều nói: “Đương nhiên là đất rải trên mặt đất rất nhiều, mà đất còn dính lại trong móng tay rất ít”. Phật lại nói: “Con người trong thế gian này, sau khi đã mất thân người, đời sau không được lại thân người, như ta rải nắm đất trên mặt đất vậy, đời sau được lại thân người, như trong móng ta còn dính lại một ít đất”. Đây là thí dụ, sau khi đã mất thân người, muốn được lại thân người rất khó, chẳng dễ.

Hay nói cách khác, muốn được lại thân người, nhất định sẽ được lại thân người, thế nhưng không biết đến kiếp nào, không phải dùng năm tháng để tính đếm, tại vì sao? Vì nếu mất thân người, chẳng dễ gì được lại thân người. Vào xã hội thời xưa, mất thân người, được lại thân người thì nhiều, còn xã hội ngày nay, nếu mất thân người, được lại thân người thì rất ít, đúng như Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, như đất dính trong móng tay vậy. Đây là từ trên ước lượng mà nói, còn từ trên cơ duyên mà nói, Phật tại trong kinh này, có nói một thí dụ là “manh quy phù mộc”, có nghĩa là một con rùa mù ở trong biển lớn, con rùa mù đó gặp được khúc gỗ trôi trên mặt biển, giữa khúc gỗ có một cái lỗ, con rùa đó từ dưới biển nhô đầu lên, đúng lúc đó cái đầu của nó nhô lên lọt vào trong cái lỗ, quý vị hãy nghĩ xem, cơ hội này rất là hiếm có. Không cần nói chi trong biển lớn, chúng ta chỉ nói trong một cái hồ nhỏ, cũng chẳng dễ, đừng nói chi trong biển lớn, cho nên mới nói rất khó gặp được cơ duyên.

Cái thí dụ thứ ba là Phật nói: “Tu Di xuyên tâm”, có nghĩa là từ trên đỉnh núi Tu Di treo một sợi chỉ, ở phía dưới chân núi có một cây kim, sợi chỉ đó từ trên đỉnh núi rơi xuống mà xỏ qua lỗ kim. Tôi nói quý vị không cần ở trên núi Tu Di, quý vị ở trên nhà lầu bảy tầng, từ trên nhà lầu bảy tầng dùng một sợi chỉ, ở dưới đất để một cây kim để cho quý vị xỏ một tuần lễ, xem sợi chỉ này có xỏ được lỗ kim hay không? Đây cũng là thí dụ, một khi đã mất thân người, muốn được lại thân người, chẳng phải là chuyện dễ. Chúng ta biết Phật không bao giờ nói loạn ngữ, trong kinh Kim Cang có nói, Như Lai là bậc nói lời chân thật, nói lời sự thật, không nói lời lừa gạt, không nói lời giả dối. Ngài nói mỗi một câu đều là chân thật, Ngài khuyên chúng ta trong đời này phải biết trân quý thân người, vì chẳng dễ gì có được thân người. Sau khi có được thân người trong đời này, phải cố gắng tu hành cho được thành tựu, nhất định phải nắm lấy cơ hội này. Được thân người mà lại được nghe Phật pháp, cơ duyên nghe được Phật pháp cũng không dễ.

/ 22