/ 22
33

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 13 Tháng 1 Năm 2010

Tập 20

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Hôm nay chúng ta xem từ nguyện thứ sáu trong Phổ Hiền Thập Nguyện; nguyện thứ sáu Thỉnh Chuyển Pháp Luân. “Trong mười phương cõi nước chư Phật, thành bậc Chánh Giác, con dùng thân, khẩu, ý nghiệp, ân cần khuyến thỉnh, chuyển diệu pháp luân, mưa pháp thắm nhuần, tự tha được lợi ích, gọi là thỉnh chuyển pháp luân”, một nguyện này đây rất là quan trọng.

Phật pháp là sư đạo, trong sách, cổ nhân thường nói, tôn sư trọng đạo, chúng ta đối với thầy phải thỉnh pháp, phải thỉnh giáo với thầy. Nếu không có người thỉnh pháp thì thầy chẳng nói, cũng chẳng giảng dạy, cho nên công đức thỉnh pháp rất là lớn. Đặc biệt là Bồ Tát thị hiện thành Phật, như năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài ngồi dưới cội Bồ Đề, Ngài thị hiện cho chúng ta thấy đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, tức là thành Phật. Nếu không có người thỉnh Ngài giảng kinh thuyết pháp, không có người thỉnh Ngài thường trụ thế gian thì Ngài sẽ thế nào? Thì Ngài sẽ ra đi, tức là Ngài sẽ viên tịch. Hạng phàm phu mắt thịt chúng ta chỉ nhìn thấy Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi ở dưới cội Bồ Đề, Ngài ngồi trên cái gì? Ngài ngồi trên cỏ tranh, Ngài dùng cỏ tranh trải trên mặt đất, Ngài ngồi trên cỏ nệm đó; lúc đó chẳng có người thỉnh Ngài, thì được người cõi trời Tịnh Cư trong Tứ Thiền Thiên nhìn thấy. Người cõi trời Tịnh Cư nhìn thấy thì biết đây là bậc Bồ Tát thị hiện thành Phật, nhìn thấy chẳng có người thỉnh Phật thì họ rất là sốt ruột, liền từ trên cõi Tứ Thiền Thiên hiện xuống, họ biến thành những người thông thường.

Đương nhiên Phật cũng biết họ biến thành người thông thường, họ mấy người cùng nhau đến thỉnh Phật thuyết pháp, thỉnh Phật trụ thế; Thích Ca Mâu Ni Phật đã nhận lời. Những người cõi trời Tịnh Cư đó đã thỉnh Phật thuyết pháp, để cho Thích Ca Mâu Ni Phật ở thời đại đó giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm, di giáo lưu truyền, cho đến ngày nay vẫn phải tiếp tục lưu truyền, lưu truyền bao lâu? Phật tại trong kinh có nói, lưu truyền mười hai ngàn năm. Mà pháp vận của Phật chia làm ba thời kỳ, thời kỳ Chánh Pháp là sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ trong một ngàn năm thứ nhất, đây là thời kỳ Chánh Pháp, tức là Phật pháp rất hùng chánh. Y theo trong kinh dạy Giới Luật tu hành, thì có thể chứng quả Tiểu Thừa, tức là từ Sơ Quả đến Tứ Quả A La Hán, lúc đó vẫn có người chứng quả. Một ngàn năm thứ hai là thời kỳ Tượng Pháp, căn tánh của người thời kỳ Tượng Pháp thì không sánh bằng với người thời kỳ Chánh Pháp; không có thành thật, không có thanh tịnh như người thời kỳ Chánh Pháp, cũng tức là nói, họ có nhiều phiền não và nhiều vọng niệm, lúc này họ y theo giới luật tu học không thể chứng quả. Vậy phải tu pháp nào? Tu Thiền Định, cho nên thời Tượng Pháp là Thiền Định thành tựu. Phật pháp truyền đến Trung Hoa là lúc thời kỳ Chánh Pháp đã qua, thời kỳ Tượng Pháp bắt đầu, cho nên thời kỳ Tượng Pháp một ngàn năm thì chúng ta thấy ở Trung Hoa, lúc đó phong trào tu Thiền ở Trung Hoa rất thịnh hành, đúng trong thời kỳ Tượng Pháp. Vào Công Nguyên năm sáu mươi bảy, Hán Minh Đế phái đặc sứ đến Tây Vực, tức là Tân Cương hiện nay, gặp được hai ngài Ma Đằng và Trúc Pháp La, hai vị pháp sư này từ Ấn Độ đến, họ liền thỉnh hai Ngài đến Trung Hoa. Sau khi đến Trung Hoa thì Trung Hoa có đủ Tam Bảo; hai Ngài có mang theo tượng Phật và kinh Phật, và hai Ngài là người xuất gia, cho nên đã đầy đủ Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, lúc đó Hán Minh Đế rất là vui mừng. Phật giáo được truyền đến Trung Hoa, có đến ngày nay khoảng gần hai ngàn năm, từng đời từng đời có người tu hành chứng quả, khai ngộ thành Phật, thật có người thành Phật.

Quý vị nghĩ xem, đây là công đức rất lớn, chúng ta phải nên cảm kích người cõi trời Tịnh Cư, nếu họ không đến khuyến thỉnh đức Phật, thì Thích Ca Mâu Ni Phật vừa thị hiện thì liền ra đi như hoa Ưu Đàm, thoáng nở, thoáng tàn, chẳng ai biết. Còn Bồ Tát thì chẳng phải vậy, Bồ Tát thì không câu nệ nơi hình thức, Phật thì nhất định phải có hình thức, tại vì sao? Vì Phật là đại biểu sư đạo. Bồ Tát cùng với chúng ta là có mối quan hệ bạn học, thế nhưng họ không thể hiện thân Phật; nếu họ hiện thân Phật thì chúng ta nhất định phải y theo quy củ khuyến thỉnh, phải chân thành mà khuyến thỉnh. Thông thường Bồ Tát thị hiện thân người thường, như Quán Thế Âm Bồ Tát ứng hiện ba mươi hai thân, nên dùng thân gì để được độ thoát thì hiện thân đó. Như lão hòa thượng Hư Vân, khi Ngài còn tại thế, có một lần Ngài đi triều bái núi Ngũ Đài, có lẽ Ngài phát tâm từ phương Nam triều bái đến núi Ngũ Đài; ba bước một lạy. Chư vị nghĩ xem, cứ ba bước thì lạy một lạy, phải trải qua mấy tỉnh, phải lạy hai, ba năm mới đến núi Ngũ Đài, trên hành trình không tránh khỏi bị bệnh. Lúc Ngài bị bệnh trong vùng hoang vu không một bóng người, bệnh rất nặng, đúng lúc Ngài gặp phải khó khăn đó thì gặp được một người ăn mày.

/ 22