/ 22
108

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 12 Tháng 1 Năm 2010

Tập 19

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Xin xem đoạn thứ nhất trong kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa.

Kinh văn: “Tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức, cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung”.

Phổ Hiền Hạnh Nguyện chính là cương lĩnh chung của vô lượng hạnh nguyện, trong kinh Hoa Nghiêm có nói mười điều hạnh nguyện gọi là Phổ Hiền Bồ Tát Thập Đại Nguyện Vương. Xưa kia, chư tổ sư đại đức đã nói “Bồ Tát không tu hạnh Phổ Hiền thì chẳng thể viên thành Phật đạo”, Phổ Hiền Bồ Tát cùng với chư Bồ Tát thông thường khác biệt ở chỗ nào? Chính là ở tại câu danh hiệu. Tâm lượng của Bồ Tát rộng lớn, trong giáo pháp Đại Thừa thường nói “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, đích thật Bồ Tát phát tâm bao trùm khắp pháp giới, hư không giới, đây là nền tảng viên thành Phật quả. Theo trên hình tướng mà nói, thì có mười điều hạnh nguyện, từ Lễ Kính đến Xưng Tán, Cúng Dường, Sám Hối, chúng ta đã học rồi.

Hôm nay chúng ta xem đoạn thứ năm: “Tùy hỷ công đức”, là nói Phật lúc “mới phát tâm không tiếc thân mạng, xả bỏ đầu, mắt, tủy, óc, tu các khổ hạnh, đến khi thành đạo và diệt độ, hết thảy công đức cho đến lục thú, tứ sanh, Thanh Văn, Bích Chi Phật, tất cả chư Bồ Tát, hết thảy tất cả chư thiện công đức, con đều tùy thuận hoan hỷ, gọi là tùy hỷ công đức”. Trong phần trước, chúng ta đã học qua, “tùy hỷ công đức” là đối trị cái tâm ganh ghét và tâm ngạo mạn của chúng ta, đây đều là những lỗi lầm và phiền não rất nghiêm trọng. Trong quá trình tu học, đây chính là một việc lớn, mỗi ngày chúng ta có đọc Thập Đại Nguyện Vương, cũng thường đọc trong hai khóa tụng niệm sáng và tối, thế nhưng cái tâm ganh ghét, cản trở rất khó tránh khỏi. Chúng ta nhìn thấy người ta tu được giỏi, chúng ta có hoan hỷ hay không? Người ta làm được tốt, chúng ta có tâm ganh ghét hay không? Tôi học Phật đã có năm mươi chín năm, thật sự mà nhìn thấy người tùy hỷ không nhiều, còn nhìn thấy người ganh ghét, cản trở thì quá nhiều quá nhiều. Cho nên vì sao Phật pháp lại suy, vì sao Phật pháp không có nhân tài! Theo tôi nghĩ, chẳng phải không có nhân tài, vì nhân tài chẳng thể ra mặt, hễ vừa ra mặt thì bị người đập xuống, đây là sự thật. Nếu là từ trên quả báo mà nói, thì quả thật đáng sợ. Nên biết ganh ghét, cản trở là diệt Phật pháp, quả báo của diệt Phật pháp, chư vị đều biết, là đọa địa ngục A Tỳ. Phật tại trong kinh có nói rất rõ ràng, nhưng vì chúng ta đã sơ suất đọc tụng, cũng đã sơ suất diễn giảng, chẳng có thật sự chú tâm mà tư duy, xem xét kỹ.

Đoạn kinh văn này nói được rất rõ ràng, lúc mới phát tâm mãi cho đến nhập Bát Niết Bàn, đây là nói chư Phật Như Lai thị hiện bát tướng thành đạo, đích thật khó hành mà hành được, khó tu mà tu được; đệ tử Phật thật sự phát tâm học Phật, bất luận tại gia hay xuất gia, nhất định phải biết tùy hỷ công đức, chẳng khác gì với công đức tu học và công đức giáo hóa chúng sanh của chư Bồ Tát vậy. Các Ngài phát tâm tu hành gian nan, có được công đức không dễ, nhưng chúng ta tùy hỷ thì dễ; chỉ cần biết tùy hỷ, có được công đức cùng với các Ngài là bình đẳng. Ví như một cây đèn cầy được đốt sáng, chúng ta cũng là một cây đèn cầy nhưng chưa được đốt sáng, chúng ta có thể mượn ánh sáng của các Ngài để đốt sáng lên đèn cầy của chúng ta thì ánh sáng của chúng ta không khác gì ánh sáng của các Ngài. Nay chúng ta chẳng những không mượn ánh sáng mà còn thổi tắt ánh sáng của họ, đây là tâm ganh ghét, là làm trở ngại. Chẳng những tự mình chẳng được thành tựu, cũng hại người khác không được thành tựu, chúng ta thử hỏi xem, xin đưa một ví dụ dễ hiểu, quý vị thổi tắt ngọn đèn của người ta thì trở thành bóng tối, xin hỏi, có thổi tắt được ngọn đèn của người ta hay không? Những người nếu ít thiện căn thì bị quý vị làm cản trở, họ sẽ thoái tâm, cho nên rất khó hành Bồ Tát đạo. Thế nhưng, người thật sự phát đại nguyện, thật sự tu hành Nhẫn Nhục Ba La Mật, thì khác hẳn, dù quý vị có làm cản trở họ như thế nào, họ cũng chịu đựng nổi; con đường này bị chận không thông, hãy còn con đường khác.

Ngài Lão Tử có nói “thượng thiện nhược thủy”, làm sao chận được nước? Chận bên này thì nó chảy bên kia, chận bên kia thì nó chảy bên này, nó là xuôi dòng chảy xuống. Chúng ta mà hiểu rõ cái đạo lý này thì mới biết tu tùy hỷ công đức, khi nhìn thấy người khác phát tâm tu hành thì trong tâm chúng ta hoan hỷ, tùy theo khả năng của mình khích lệ họ, giúp cho họ được thành tựu, thì cái công đức này rất lớn, cái công đức này lớn bằng công đức của họ tu hành. Tạo sao chúng ta không tùy hỷ công đức? Đặc biệt là trong xã hội ngày nay, xã hội ngày nay đối với những hành vi bất thiện, họ xem như là chuyện thường, đã trở thành thói quen rồi, mà họ chẳng cảm thấy đó là tội lỗi, họ cũng chẳng biết những hành vi đó là tội nghiệp, họ chẳng thấy là tội nghiệp, họ đều nghĩ là làm như vậy là đúng, người khác không thể giỏi hơn ta; đích thật khác với cách giáo dục xưa kia.

/ 22