/ 22
36

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 14 Tháng 1 Năm 2010

Tập 21

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Hôm nay chúng ta bắt đầu xem từ nguyện thứ tám trong Phổ Hiền Thập Nguyện “Thường tùy Phật học”.

Là nói: “Phật từ khi mới phát tâm, tinh tấn không thoái chuyển, không tiếc thân mạng. Lột da làm giấy, chẻ xương làm viết, chích máu làm mực để biên chép kinh điển, chất cao như núi Tu Di, cho đến thành đạo, thuyết pháp độ chúng sanh. Tất cả pháp tu hành thảy đều thuận theo tu học, gọi là Thường tùy Phật học”. Một nguyện này rất là quan trọng, đời sau, các đệ tử của Phật, bất luận là người xuất gia hay tại gia, mà y theo một nguyện này tu hành, thì trong đời này nhất định có thành tựu, nếu không y theo một nguyện này, bất luận tu hành như thế nào, cũng sẽ chẳng có thành tựu. Năm xưa đức Phật còn tại thế, Ngài rất là từ bi, Ngài đem pháp tu hành chứng quả, toàn bộ nói ra hết, trong sách cổ nhân thường nói “thân hành ngôn giáo”. Trước tiên đức Phật tự mình đã thực hiện được, sau đó mới dạy người, điều quan trọng nhất dạy người là phải làm tấm gương tốt. Ngài đã làm tấm gương tốt nhất cho đệ tử tứ chúng tại gia và xuất gia.

Đoạn kinh văn mở đầu nói, Phật từ khi mới phát tâm, tinh tấn không thoái chuyển, kế tiếp là nói Ngài tinh tấn không thoái chuyển như thế nào, Ngài vì cầu pháp mà không tiếc thân mạng. Chúng ta thấy cuộc đời hành đạo của đức Phật, từ khi Ngài mới phát tâm, là lúc Ngài còn làm thái tử, Ngài nhìn thấy sự thống khổ của chúng sanh trong thế gian. Trong kinh điển ghi chép có nói, Ngài xuất hành ra ngoài đi tham quan khảo sát, Ngài nhìn thấy sự sanh, già, bệnh, chết, thì Ngài đã giác ngộ được rất sâu, lúc đó Ngài mới mười mấy tuổi. Đến năm mười chín tuổi thì Ngài rời khỏi hoàng cung, xả bỏ ngôi vua, xả bỏ cuộc sống giàu sang, đây là Ngài thị hiện cho chúng ta thấy, tức là nói cho chúng ta biết, vinh hoa phú quý của thế gian chẳng phải thật, không thể lâu dài, phàm là chẳng thể lâu dài, nhất định phải buông xả. Học cái gì? Đi tìm chân thường, chân thường thì lâu dài, vĩnh hằng không thay đổi, chúng ta phải cầu chân thường. Tuy mới phát tâm, không có nói ra hết, nhưng ý nghĩa bên trong thảy đều có đủ, biểu hiện ra rất đầy đủ.

Trước tiên nói cho chúng ta biết, con người sống trong thế gian này chẳng thể không già, chẳng thể không bệnh, chẳng thể không chết. Không nói sanh khổ, bởi vì chúng ta sớm đã quên cái sanh khổ rồi, thế nhưng Phật trong kinh nói về sanh khổ, Ngài nói rất tỉ mỉ, nếu chẳng phải là Bồ Tát, là A La Hán thì không dễ gì thể hội được. Phật nói sanh khổ, Phật nói, khi một người đầu thai vào trong bào thai của mẹ, cứ mỗi bảy ngày thì thay đổi một lần, mà trong thời đại đó chẳng có kính hiển vi, cũng chẳng có quang tuyến X. Mà Phật làm sao biết được? Ngài nói còn tỉ mỉ hơn các nhà khoa học hiện nay dùng máy quan sát, dùng khoa học hiện nay chỉ có thể quan sát nó thay đổi trong bào thai, tức là sự thay đổi của thân thể, mà Phật có thể nói ra tinh thần của nó nhận chịu những cảm giác, đây là khoa học kỹ thuật ngày nay vẫn chưa thực hiện được. Cho nên có thể nói, kinh Phật là khoa học cao đẳng, khi chúng tôi đọc trong kinh Phật thì cảm thấy vô cùng kinh ngạc, chẳng có thứ nào mà Phật không biết. Cho nên vì sao con người đến thế gian này? Phật tại trong kinh có nói rõ một câu, con người đến thế gian này là để trả nghiệp. Trả là trả nợ, Nghiệp là nghiệp báo, quý vị đến để làm cái gì? Trong đời quá khứ quý vị có tu thiện thì quý vị đến hưởng phước, nếu trong đời quá khứ quý vị tạo tôi nghiệp thì quý vị đến chịu tội.

Mối quan hệ giữa người với người, đây là nói mối quan hệ thông thường, còn như lục đạo chúng sanh mê muội điên đảo; sau khi mê mất tự tánh thì mối quan hệ này là gì? Là mối quan hệ trở thành báo ân, báo oán, đòi nợi, trả nợ, là bốn thứ mối quan hệ này. Không có bốn thứ mối quan hệ này thì chẳng bao giờ gặp nhau, mối quan hệ mà thân nhất thì trở thành người một nhà, sơ một chút thì trở thành bà con, bạn bè. Còn người chẳng có mối quan hệ gì, dù có gặp mặt, quý vị cũng không bao giờ chào hỏi, như người xa lạ, không quen biết. Chúng ta đi trên đường, gặp người không quen biết, họ nhìn chúng ta cười hay gật đầu, đó cũng là thiện duyên trong đời quá khứ. Chúng ta gặp họ, có lẽ một đời chỉ gặp nhau được một lần mà thôi, cũng có lúc quý vị gặp được những người xa lạ, họ chán ghét quý vị, họ trừng mắt nhìn quý vị, hình như họ không ưa quý vị, đó cũng là nghiệp báo; đó là nhẹ nhất, trong một đời chỉ gặp được một lần mà thôi, thì đã báo hết rồi. Quý vị từ những chỗ nhỏ nhặt mà quan sát, Phật nói: “Nghiệp nhân quả báo, không sai chút nào”, bên trong bao hàm ý nghĩa rất sâu, chính là dạy cho chúng ta. Trong đời sau này khi người thật sự mà hiểu rõ, mà biết giác ngộ, họ phải làm những gì? Điều đầu tiên họ phải làm là tiêu trừ nghiệp chướng của mình, điều thứ hai là phải hóa giải oan kết. Chẳng những không kết oán với người, trong đời quá khứ cho đến đời này đã kết oán, đó là không biết, vì đã mê muội nên đã kết oán, bây giờ phải hóa giải nó. Đạt được hai điều này thì mới nói đến tinh tấn, không thoái chuyển.

/ 22