/ 51
230

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 39

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore.


Mời mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang 23, chúng ta hãy đọc kinh văn một lần:

Phục thứ Địa Tạng! Nhược vị lai thế trung, hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, ngộ Phật tháp tự Đại thừa kinh điển. Tân giả bố thí cúng dường, chiêm lễ tán thán, cung kính hiệp chưởng. Nhược ngộ cố giả, hoặc huỷ hoại giả, tu bổ doanh lý, hoặc độc phát tâm, hoặc khuyến đa nhân đồng cộng phát tâm.

Trong đoạn kinh này, nửa đoạn trước đã giới thiệu qua, nửa đoạn sau này dạy [cách chúng ta xử lý] những đồ cũ. Quy mô của chùa tháp cũ tương đối lớn, không phải đơn độc một hai người thông thường có thể làm, có thể tu sửa, do đó ở đây đức Phật nói cho chúng ta biết, nếu bạn có khả năng thì một người phát tâm, rất tốt! Công đức vô cùng thù thắng, nếu một mình không có khả năng thì nên khuyên mọi người cùng phát tâm, đều là vô lượng công đức. Còn sau khi tu bổ kinh điển, nhất định phải có nơi chốn thích hợp để cất giữ; thời xưa có một số gia đình cất của báu trong nhà, đời đời tương truyền, khuôn phép của gia đình lớn có thể truyền được lâu dài. Gia đình hiện nay là khuôn phép của gia đình nhỏ, hơn nữa phải thường dời chỗ ở. Không giống như thời xưa ở Trung Quốc, chọn một nơi xây dựng nhà ở, thật sự là ở mãi một nơi hơn mấy trăm năm, nhà rất cổ. Con người hiện nay thường dọn nhà, ở ngoại quốc chỉ cần cắm một cái bảng thì có thể dễ dàng bán nhà, do đó bảo tồn những điển tịch cổ này rất khó khăn. Khi gặp trường hợp như vậy chúng ta phải có trí tuệ, tốt nhất là đem cất giữ ở trường học, hoặc là cất giữ ở thư viện chính phủ. Chùa chiền, tòng lâm lớn ở Trung Quốc, chúng ta biết những chỗ đó có thể giữ được lâu dài, nơi này có thể bảo quản, như Tứ Đại Danh sơn ở Trung Quốc, những đạo tràng này bất luận có thay đổi như thế nào thì những đạo tràng này vẫn được duy trì. Ở nơi đó có tàng kinh các, có thể giữ ở những chỗ đó. Đây là giữ những cuốn kinh cũ, sau khi đã tu bổ xong đem cất giữ ở những chỗ nói trên. Còn những cuốn cũ quan trọng thì chúng ta có thể in lại. In lại, bản in lại có thể lưu thông rộng rãi, còn bản gốc thì giữ gìn cẩn thận, bản in lại cần lưu thông rộng rãi. Thậm chí có thể đem lưu vào máy tính, lưu giữ trong máy tính có hai cách, một là lưu lại nguyên bản, hiện nay dùng máy ảnh kĩ thuật số để chụp, có thể nhìn thấy trang kinh sách bản gốc trên máy tính, nhìn thấy chữ của bản gốc, làm vậy rất có giá trị nghệ thuật. Còn một cách nữa là làm bản in mới để lưu thông trên mạng, cách này cũng tốt.

Tóm lại mà nói, Phật pháp coi trọng ở chỗ lưu thông chứ không coi trọng ở chỗ cất giữ, vì bạn cất giữ thì có ích lợi cho ai? Do đó, nhất định phải lưu thông, công đức của lưu thông vô cùng thù thắng. Ngày nay chúng ta thấy rất nhiều chỗ in kinh, ở ngoài thị trường người đời in kinh phía sau có ghi câu “sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu”, như vậy còn có thể được. Nếu như là tứ chúng đệ tử trong nhà Phật, hoặc là đạo tràng, nếu trong trang bản quyền lại in mấy chữ này thì phiền phức lớn lắm, cả đời bạn tu hành có tốt tới đâu, công đức có làm lớn hơn nữa, bạn sẽ không tránh khỏi đọa lạc. Nguyên nhân là gì? Bạn chướng ngại việc lưu thông Phật pháp, tội này nặng hơn bất cứ tội gì khác, bạn có làm bao nhiêu chuyện tốt đi nữa cũng không bù đắp nổi tội lỗi này; bạn đã khiến cho Pháp thân huệ mạng của bao nhiêu người bị đoạn dứt bởi mấy chữ này, do đó cái lợi hại, được mất này chúng ta nhất định phải rõ ràng, phải tường tận. Phàm là có thể lợi ích cho xã hội, lợi ích đại chúng, lưu thông là bố thí. Phía trước đã nói qua với chư vị, bố thí tài thì được giàu sang, bố thí pháp thì được trí tuệ, nếu bạn không chịu bố thí, chướng ngại bố thí, không những bạn chịu quả báo nghèo hèn mà còn phải bị quả báo ngu si. Ngu si rất đáng sợ, người tạo tội nghiệp cực nặng, nguyên nhân căn bản đều là ngu si. Thời gian thọ báo trong tam ác đạo, như trong kinh đã nói đều là “vô số kiếp”, người ta phải chịu nạn to lớn này đều vì họ không hiểu đạo lý. Một niệm chuyển trở lại, phát tâm bố thí, phát tâm cúng dường thì được phước vô lượng.

Mời xem đoạn kinh tiếp theo. Trong phần chú thích có một đoạn, chúng ta hãy đọc xem, trang 24, hàng thứ nhất, bắt đầu từ câu thứ hai. “Nếu gặp những thứ bị hư rách, bị hỏng thì phải nên tu sửa, tu sửa xong phải tiến hành sắp xếp”, câu này nói về kinh Đại thừa, kinh luận Đại thừa. “Tích Hiền vân” nghĩa là người xưa nói, đại đức xưa nói: “Nếu mở rương tráp ra, thấy kinh sách bị mối mọt làm mục nát, hoặc bị bong bìa gáy, giấy bị thủng rách, mà chính mình không tu bổ, không chịu lưu truyền, chẳng tránh khỏi mắc tội với Pháp bảo, trái nghịch pháp chế của Phật”. Đây là giáo huấn của đại đức thời xưa, sách vở để lâu sẽ sanh mối mọt, do đó trách nhiệm của người giữ kinh sách rất lớn, nhất định phải thường đem sách mở ra, không đọc cũng phải lật ra để khỏi bị mối mọt. Bởi vì giấy Trung Quốc khác giấy nước ngoài, mỗi năm phải phơi sách để khỏi bị ẩm thấp, hiện nay kỹ thuật phát triển có thể không cần phải phơi, mang phơi rất phiền phức, có thể dùng máy hút ẩm, dùng bột hút ẩm thay thế, cho nên không cần phải phơi sách. Ở thư viện nước ngoài, chúng ta thấy họ điều tiết không khí, điều chỉnh nhiệt độ vô cùng nghiêm ngặt, cho nên sách vở có thể giữ được lâu mà vẫn tốt, những điểm này chúng ta đều cần phải học tập. Đặc biệt là những tàng kinh các ở Trung Quốc, người phụ trách quản lý điển tịch, kinh tạng phải nên đi đến các thư viện đại học trong nước và ngoài nước để tham quan, để học hỏi; hiện đại hóa những thiết bị này. Chúng ta nhất định phải cần tới, làm vậy là hy vọng điển tịch có thể bảo tồn được tốt đẹp, có thể cất giữ lâu dài, phí tổn cho việc này trong đạo tràng tuyệt đối không thể tiết kiệm. 

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51