/ 51
172

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 38

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore


Mời mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang 17, lần trước đã nói qua đoạn kinh này, chúng ta đọc lại một lần:

Phục thứ Địa Tạng! Nhược vị lai thế trung, hữu chư quốc vương cập Bà-la-môn đẳng, năng tác như thị bố thí, hoạch phước vô lượng, cánh năng hồi hướng bất vấn đa thiểu, tất cánh thành Phật. Hà huống Thích Phạm Chuyển Luân chi báo.

Phía trước đã báo cáo tường tận rồi, trong đoạn này quan trọng nhất là tâm lượng, ngạn ngữ Trung Quốc nói “lượng lớn phước lớn”. Tại sao trồng phước nhỏ, bố thí rất ít có thể được phước báo lớn như vậy? Đây là điều người mới học Phật như chúng ta nghe lời dạy trong kinh sẽ không khỏi hoài nghi. Sự hoài nghi này đều là [vì chúng ta] dùng nhân tình thế gian để đo lường, mà chẳng biết việc này không phải nhân tình có thể tưởng tượng được. Lý luận trong đó là vì xứng tánh, chỉ cần xứng tánh thì dù bố thí rất ít, thật sự như sợi lông, mảy trần, nhỏ nhặt không đáng kể, công đức đó cũng là tận hư không, khắp pháp giới. Sự thù thắng trong Phật pháp chính ở chỗ này, chỗ khó trong Phật pháp cũng ở chỗ này, khó ở chỗ phàm phu vĩnh viễn không thể mở rộng tâm lượng, luôn là tâm lượng nhỏ, tâm lượng nhỏ thì dù tu bố thí có nhiều hơn nữa thì phước báo cũng có hạn; nếu như là tâm lượng lớn, tu bố thí cực nhỏ nhưng phước báo đều không thể nghĩ bàn, chúng ta phải lắng lòng thể hội đạo lý này. Trong chú giải có mấy câu, trang 17, hàng thứ 3 từ dưới lên, xem từ chính giữa, tôi đọc cho mọi người nghe: “Nếu không cầu phước báo trời người cho bản thân”, nếu là giả thiết, giả sử chúng ta nhất định không phải vì cầu phước báo trời người cho mình, mục đích của sự bố thí ở đâu? “Thảy đều hồi hướng cho chúng sanh trong pháp giới”, chỉ hy vọng hết thảy chúng sanh được phước, hết thảy chúng sanh được lợi ích, tuyệt đối không nghĩ đến bản thân, vậy thì phước báo của sự bố thí này sẽ rất lớn. Do đó, “không hỏi bố thí bao nhiêu, rốt cuộc thành Phật”. Dùng bốn chữ “rốt cuộc thành Phật” để hình dung phước báo đó bao lớn, bởi vì phước báo thế gian và xuất thế gian không có gì lớn hơn việc thành Phật, nói đến thành Phật thì phước báo đó đạt tới mức cứu cánh viên mãn. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, sau đó chúng ta sẽ không còn hoài nghi. Sau cùng, đức Phật ở chỗ này làm một tổng kết:

Thị cố Địa Tạng phổ khuyến chúng sanh đương như thị học.

Câu này là tổng kết đoạn trước, vì đoạn trên nói về duyên cố, trồng thiện nhân được thiện quả, quả báo thù thắng như vậy thì ai mà không mong cầu? Tại sao chúng sanh cầu không được? Những gì chúng sanh tu không như lý, không như pháp, cho nên được phước có hạn, nếu tu học như lý, như pháp thì sẽ được phước vô lượng vô biên. Nhưng [muốn biết] lý luận và phương pháp thì nhất định phải đi sâu vào kinh tạng, nếu không đọc kinh, không nghiên cứu giáo lý thì làm sao bạn hiểu được lý luận này? Làm sao biết được phương pháp này? Cho nên chư Phật, Bồ-tát, tổ sư đại đức xưa nay thường khuyến khích chúng ta “kinh điển không thể không đọc”, đạo lý là ở chỗ này. Xem tiếp đoạn sau, thứ hai là “nam nữ thí phước”, mời xem kinh văn:

Phục thứ Địa Tạng!

Lại gọi Địa Tạng Bồ-tát thêm một lần nữa.

Vị lai thế trung nhược thiện nam tử thiện nữ nhân, ư Phật pháp trung chủng thiểu thiện căn, mao phát sa trần đẳng hứa, sở thọ phước lợi bất khả vi dụ.

Đoạn kinh này cũng thường làm cho đại chúng khởi lên nghi hoặc, có rất nhiều người bản thân cho rằng mình ở trong nhà Phật trồng phước tu thiện rất lớn, nhưng tại sao không được phước? Trong lịch sử Trung Quốc nổi tiếng nhất là Lương Võ Đế, cả đời Lương Võ Đế tu bố thí ai có thể sánh bằng? Lúc đó ông dùng quyền lực, dùng uy quyền của vua để hộ trì Phật pháp, xây dựng chùa chiền, trong lịch sử ghi chép là 480 ngôi chùa. Thông thường nhà Phật chúng ta hay nói, xây một ngôi tháp, đúc một tượng Phật thì được phước báo không thể nghĩ bàn, huống hồ ông đã xây 480 ngôi chùa! Bạn nghĩ thử số tượng Phật ông đã tạo là bao nhiêu. Không thể nói mỗi chùa chỉ cúng một tượng Phật thôi đâu, vậy ông đã tạo bao nhiêu tượng Phật, tượng Bồ-tát. Bố thí cúng dường người xuất gia, ông rất thích giúp người ta xuất gia, khi có người xuất gia thì ông nhất định sẽ bố thí cúng dường, trong sách ghi chép là mấy trăm ngàn người, phước báo đó bao lớn! Tại sao cuối đời vẫn gặp phải nhiều việc bất hạnh, hình như so với trong kinh nói là không giống nhau. Phước báo thì nhất định là có, nghiệp lực của ông không thể chuyển đổi trở lại, đây là do nguyên nhân gì? Tâm lượng không lớn, không có trí tuệ, đây là việc mà nhà Phật thường nói “chỉ tu phước không tu tuệ”, ông chỉ tu bố thí tài, hình như bố thí pháp cũng có, nhưng vẫn thiếu trí tuệ, vì tâm lượng không đủ lớn.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51