ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Tập 40
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore
Mời mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang 32, mời xem kinh văn:
Thị Địa Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát, ư chư Bồ-tát thệ nguyện thâm trọng. Thế Tôn! Thị Địa Tạng Bồ-tát ư Diêm-phù-đề hữu đại nhân duyên, như Văn-thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di-lặc, diệc hóa bách thiên thân hình độ ư lục đạo, kỳ nguyện thượng hữu tất cánh.
Đoạn kinh này làm một so sánh cho chúng ta, chỉ rõ Địa Tạng Bồ-tát có duyên phần đặc biệt với thế gian này của chúng ta; Văn-thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di-lặc cũng có duyên phần rất sâu với thế gian chúng ta, không thua gì Địa Tạng Bồ-tát. Ở chỗ này so sánh thệ nguyện, nói nguyện của các Bồ-tát khác độ hóa chúng sanh trong lục đạo, nguyện đó còn có lúc kết thúc, chỉ có nguyện của Địa Tạng Bồ-tát không có kết thúc, “địa ngục chẳng không, thề chẳng thành Phật”. Nguyện này so với nguyện của các Bồ-tát khác đích thực sâu nặng hơn. Chúng ta biết như Văn-thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di-lặc đều là cổ Phật tái lai, thị hiện thân Bồ-tát trong lục đạo để độ hóa chúng sanh. Trong kinh đức Phật có nói, Văn-thù Bồ-tát trước kia đã từng làm Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật, đây là nói rõ trong kiếp lâu xa về trước các ngài đã thành Phật, hiện nay ở thế gian này giúp đức Phật Thích-ca Mâu-ni giáo hóa chúng sanh, đúng như câu “một Phật ra đời, ngàn Phật ủng hộ”, là ý nghĩa như vậy, chúng ta phải hiểu. Xem tiếp kinh văn bên dưới:
Thị Địa Tạng Bồ-tát, giáo hóa lục đạo nhất thiết chúng sanh, sở phát thệ nguyện kiếp số như thiên bách ức Hằng hà sa”.
Câu này nói rõ Địa Tạng Bồ-tát dùng thân phận Bồ-tát để giúp đỡ hết thảy chúng sanh, thời gian dài không có cách gì tính đếm, Bồ-tát đời đời kiếp kiếp đều đã phát lời trọng nguyện này. Ở trong hội này chúng ta xem thấy, trong phẩm Tựa đại chúng tham dự pháp hội là mười phương chư Phật Như Lai. Phía trước đã báo cáo với chư vị, những chư Phật Như Lai này đều là học trò của Địa Tạng Bồ-tát, số học trò thành Phật đã không thể nghĩ bàn, vậy mà thầy giáo vẫn còn dùng thân phận Bồ-tát để giúp đỡ hết thảy chúng sanh, đây là điều chúng ta cần phải học tập. Tích lũy công đức, giáo hóa chúng sanh, không màng đến địa vị của mình, không màng đến lợi ích cá nhân, Địa Tạng Bồ-tát gần như là lấy việc này để hoàn toàn làm hiển thị rõ ràng cho chúng ta, dạy chúng ta phải học tập như thế nào. Có lẽ sẽ có đồng tu muốn hỏi trong Phẩm Phổ Môn nói: “Nên dùng thân Phật để độ được, thì Quán Thế Âm Bồ-tát liền hiện thân Phật để thuyết pháp”. Địa Tạng Bồ-tát có thể hiện thân Phật để thuyết pháp hay không? Đương nhiên có thể, nếu như Địa Tạng Bồ-tát gặp hạng chúng sanh này, nên dùng thân Phật để độ được, đương nhiên ngài sẽ hiện thân Phật để thuyết pháp, chúng ta đều phải viên dung cả lý lẫn sự, không thể nghiêng về một bên. Do đó có thể biết, chư Phật Bồ-tát giáo hóa chúng sanh không gì là không hoạt bát linh động, tùy cơ ứng biến, tuyệt đối không phải cứng nhắc, vô cùng linh hoạt, cho nên mới giúp cho hết thảy chúng sanh khai ngộ, giúp hết thảy chúng sanh được lợi ích chân thật. Mời xem đoạn kinh văn tiếp theo:
Thế Tôn! Ngã quán vị lai cập hiện tại chúng sanh, ư sở trú xứ ư Nam phương thanh khiết chi địa, dĩ thổ thạch trúc mộc, tác kỳ khám thất, thị trung năng tố họa nãi chí kim ngân đồng thiết. Tác Địa Tạng hình tượng, thiêu hương cúng dường, chiêm lễ tán thán.
Đoạn này nói người có thể cúng dường tu phước, đặc biệt là chữ “vị lai”, vị lai chính là chỉ cho thời đại ngày nay của chúng ta. Câu “hiện tại chúng sanh” có hai cách giải thích, một là nói lúc Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp ở cung trời Đao-lợi, đại chúng tham gia lúc đó chính là “hiện tại chúng sanh”. Còn một ý nghĩa nữa là vị lai hiện tại, thời gian vị lai quá dài, quá dài, hãy dùng sự tích Địa Tạng Bồ-tát giáo hóa chúng sanh để nói, từ sau khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni diệt độ mãi cho đến trước khi Di-lặc Bồ-tát hạ sanh đều thuộc về đời vị lai. Vị lai, hiện tại chúng sanh, đó là chỉ cho các thời đại, các khu vực, chỉ cần chúng ta gặp bộ “kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện” này, chỉ cần nghe đến pháp môn này, thì chúng ta thuộc về những gì nói trong câu này. Hay nói cách khác, câu này chính là nói về chúng ta.
Phải nên tu như thế nào? Ở nơi mình cư trú, ở “chỗ đất sạch sẽ hướng Nam”, có nhất định phải chọn lựa hướng Nam trong bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc hay không? Chúng ta phải hiểu, nếu như kiến trúc nhà người đó hướng về hướng Bắc thì rất tốt, hướng đó là chính xác. Nếu như căn nhà của họ hướng về hướng Nam, vậy thì hướng Nam là hướng ngay cửa nhà họ, bạn nghĩ xem có cúng Địa Tạng Bồ-tát ngay cửa nhà mình hay không? Chắc chắn là không. Nhất định phải như biểu pháp trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử 53 lần tham vấn đều hướng về phương Nam, Nam không phải chỉ cho hướng Nam, Nam là chỉ cho hướng trí tuệ, phàm là những nơi có thiện tri thức ở thì đều gọi là hướng Nam; nếu chúng ta hiểu ý nghĩa này thì sẽ nói được thông, phàm là nơi thờ cúng Địa Tạng Bồ-tát đều gọi là hướng Nam, chư vị nhất định phải hiểu đạo lý này.