220

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 9

 

Kính thưa sư phụ, kính thưa các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người! A Di Đà Phật!

Chúng ta khi nãy có nói thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau ở một niệm. Có một người có cơ duyên gặp được thiên sứ, thiên sứ nói với anh là, để tôi dắt anh đi xem địa ngục và thiên đường, vậy anh muốn xem nơi nào trước? Anh nói cho tôi xem địa ngục trước. Tới địa ngục, đúng lúc dùng bữa trưa, có một dãy bàn dài, mọi người ngồi đối diện hai bên bàn, những đôi đũa đều dài cả mét, trên bàn bày rất nhiều món ăn. Vừa xướng lên bắt đầu ăn thì tất cả mọi người cầm lấy đôi đũa dài một mét tranh nhau gắp đồ ăn, vừa gắp được thì vội vàng muốn bỏ vào miệng mình. Nhưng mà đũa quá dài, còn chưa gắp bỏ vô miệng thì đã tranh giành nhau ở giữa chừng, đũa va phải nhau, đồ ăn thì vương đầy đất. Đồ ăn bị rơi xong còn mắng chửi lẫn nhau: Đều là do anh hại tôi! Đều là do anh hại tôi! Làm cho bầu không khí vô cùng không tốt, anh này không muốn xem tiếp nữa: Thôi bỏ đi, tôi muốn đến thiên đường.

Thiên sứ liền đưa anh đến thiên đường, vừa nhìn thì thấy cũng là những dãy bàn dài đó, mọi người cũng ngồi hai bên bàn, cũng là những món ăn đó, đến thì đũa cũng dài một mét, anh cảm thấy rất khó hiểu. Vừa xướng lên bắt đầu ăn thì tất cả mọi người đều gắp đồ ăn đút cho đối phương ăn trước, vừa gắp vừa nói: Nào, cho anh nè! Cho anh! Có một người nhân duyên khá tốt, có ba người cũng gắp cho người đó ăn, người đó nói: Đợi một chút, tôi sắp bị nghẹn rồi! Cho nên nhân duyên rất quan trọng. Từ chỗ này cũng có thể thấy ra, khi chúng ta luôn suy nghĩ cho người khác thì chúng ta đang sống trên thiên đường; khi chúng ta tự tư tự lợi, tranh giành lẫn nhau, tính toán với nhau thì là đang sống dưới địa ngục rồi.

Có một lần tôi đến vùng quê Hải Khẩu thuyết giảng, cũng kể câu chuyện này cho mọi người nghe, sau đó buổi tối vẫn còn một buổi học cho các giáo viên địa phương. Lúc ăn cơm tối, trưởng thôn và phó trưởng thôn mời chúng tôi cùng ăn cơm, trong lúc ăn cơm trưởng thôn và phó trưởng thôn cứ gắp đồ ăn liên tục cho mấy giáo viên chúng tôi. Giáo viên của trung tâm chúng tôi liền nói: Chúng ta tới thiên đường rồi! Cũng là một hồi ức đẹp. Cho nên chúng ta phải biến gia đình trở thành thiên đường, thì mọi người trong nhà mới có thể sống lâu trăm tuổi; nếu như bầu không khí trong gia đình giống như địa ngục thì sẽ như thế nào? Vậy thì trở thành nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư. Cho nên bầu không khí trong gia đình là nhờ vào mỗi một thành viên đóng góp, cống hiến.

Tôi sống ở nhà cô Dương bảy tháng, trong khoảng thời gian này, mặc dù tôi chưa kết hôn, nhưng cũng học được một số kinh nghiệm hay từ vợ chồng cô. Cô Dương vừa bước vào cửa hoặc là chồng cô vừa bước vào cửa, nhất định sẽ lên tiếng với mọi người ở trong nhà trước: Em trở về rồi! Người trong nhà cho dù là bận việc gì đi nữa cũng phải bỏ dở công việc, bước ra đón người: Chào mừng em về nhà! Gia đình vị nào có làm như vậy xin mời giơ tay? Hôm nay bạn trở về nói: Ồ, em về nhà rồi! Chồng bạn đang xem báo, nhìn bạn một chút, bạn không được nản lòng, bởi vì băng đóng ba thước không phải do cái lạnh một ngày. Chúng ta bây giờ muốn xoay chuyển bầu không khí của gia đình thì phải tiến hành từ từ, bạn nói như vậy lần thứ nhất, lần thứ hai, đến lần thứ mười, nhất định sẽ có phản ứng. Phải kiên trì làm chuyện đúng.

Khi cô Dương bước ra cửa, nhìn thấy chồng mình đi vào, xách túi lớn túi nhỏ trong tay, cô Dương nhất định sẽ đón lấy, sau đó nói với chồng mình: Về là được rồi, khách sáo làm gì, mang về túi lớn túi nhỏ chứ. Sau đó cô mang vào nhà, cho dù là chồng cô muốn mua cái gì cô cũng đều vui vẻ đón nhận, dù sao cũng là tấm lòng của chồng. Bạn không thể đứng ở cửa, chồng còn chưa bước vào đã nói: Anh lại mua đồ linh tinh gì vậy? Sự nhiệt tình của chồng đã bị bạn tạt cho một gáo nước lạnh rồi! Bạn có nghe thấy âm thanh lòng nhiệt tình của chồng bị chúng ta dập tắt không? Cho nên bầu không khí nhà cô Dương rất hài hòa.

Chồng cô rất biết pha trà, mỗi lần pha trà xong, cô Dương nhận ly trà đều đưa lên ngang chân mày, cô ấy thực hành tương kính như tân. Lúc uống trà cô ấy sẽ nói: Sao lại có người pha trà thơm như vậy chứ, uống ngon như vậy! Chồng cô sẽ nói: Được, để anh pha tiếp. Nhìn nhiều một chút vào ưu điểm của đối phương, đối phương sẽ rất hoan hỉ, tục ngữ có câu: “Một lời nói hay, làm trâu làm ngựa cũng bằng lòng”, cho nên chúng ta không nên keo kiệt, hãy chân thành khen ngợi, xưng tán, như vậy sẽ khiến cho ưu điểm của đối phương càng ngày càng phát huy. Đột nhiên hôm nay chồng bạn nhiệt huyết dâng trào, giúp bạn rửa chén, sau khi rửa xong, bạn bước lại xem thì thấy còn rất nhiều bọt nước rửa chén bám trên đĩa, làm thế nào đây? Sao lại rửa chén như vậy? Lần sau chồng bạn sẽ không rửa nữa rồi. Bạn nhất định phải chọn ra cái chén nào được rửa sạch nhất rồi nói: Cái chén này rửa sạch quá đi! Lần đầu tiên em rửa chén cũng không thể nào rửa sạch được như anh! Chồng bạn sẽ có cảm giác rất thành tựu, lần sau lại giúp bạn rửa chén tiếp. Không chỉ khen ngợi con trẻ, bất kỳ ai cũng cần được khích lệ, cần được khen ngợi, như vậy thì tiềm năng của họ sẽ từ từ được phát huy.