/ 19
331

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định Lão pháp sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Từ ngày 6/3 đến 13/3/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia.

Tập 8

 

Các vị pháp sư tôn kính, các vị đồng học, xin chúc mọi người buổi sáng tốt lành! A Di Đà Phật!

Hôm qua chúng ta nói đến:

 “Ở ổn định, nghề không đổi”.

Chữ nghề này gồm có học nghiệp, đạo nghiệp và gia nghiệp. Muốn duy trì tốt gia đình thì vợ chồng có nhận thức chung, vợ chồng cùng biết vun đắp là điều vô cùng quan trọng. Trong gia đình có hai trách nhiệm quan trọng nhất, một là trách nhiệm kinh tế, hai là trách nhiệm giáo dục. Hôm qua chúng tôi cũng nhắc đến thời xưa “nam lo việc bên ngoài, nữ quản việc gia đình”. Do vậy công việc giáo dục này là của người mẹ ở nhà giúp chồng dạy con, nhưng xã hội hiện nay rất nhiều vợ chồng đều ra ngoài làm việc cho nên xuất hiện một danh từ mới gọi là người thay thế cha mẹ.

Hiện nay người thay thế cha mẹ do ai làm vậy? Người giúp việc làm. Người giúp việc sẽ làm thành hình dáng như thế nào? Đưa trẻ đi mua rau à? Vậy rất tốt, đó cũng là một sự học tập. Người giúp việc đối với trẻ có thái độ như thế nào? Xem trẻ là ai? Xem trẻ là tiểu hoàng đế còn họ là người giúp việc. Cho nên đứa trẻ do người giúp việc nuôi dạy thì năng lực sinh hoạt vô cùng kém. Có thể khi chúng muốn ra ngoài thì ngồi trên một chiếc ghế nhỏ hai chân duỗi ra đợi người ta mang vớ, mang giầy cho chúng. Ở nhà có lẽ việc gì cũng không biết làm, đến trường thầy cô giao cho chúng công việc quét dọn nói là “em hãy quét dọn sạch sẽ khu vực này nhé”. Chúng có thể nói với thầy cô là “thưa thầy, em cho thầy tiền thầy làm giúp em nhé”. Đây là thật không phải là giả. Do vậy năng lực sinh hoạt của chúng rất kém. Khi năng lực sinh hoạt của chúng kém như vậy thì sau này ra xã hội liệu có thể thuận buồm xuôi gió được không? Sẽ rất khó khăn đây, có thể còn trở thành gánh nặng cho đoàn thể, bởi vì thói quen sinh hoạt không tốt. Đây là trên phương diện làm việc của chúng.

Tiếp theo, như rất nhiều khu vực còn mời người lao động nước ngoài. Năng lực ngôn ngữ của lao động nước ngoài không tốt. Họ nói ngôn ngữ của nước mình cũng không rõ ràng. Nên sau khi được lao động nước ngoài nuôi dạy thì năng lực ngôn ngữ của những đứa trẻ đó bị giảm sút nhanh chóng. Cho nên đời sau không bằng đời trước. Mà năng lực ngôn ngữ là nền tảng của tất cả các môn học, điều này rất quan trọng. Bởi vì trong quá trình tôi dạy học rất nhiều trẻ học môn xã hội, môn tự nhiên, môn toán học rất kém, là do ngay đến đề thi chúng cũng xem không hiểu, nên toàn bộ sự học tập bị kéo xuống. Cho nên chúng ta nhìn thấy nếu muốn dạy ra đứa trẻ tốt mà giao con cho người giúp việc thì rất khó. Khi đời sau dạy không tốt, dù chúng ta có nhiều tiền của, địa vị có cao hơn, thì thực tế mỗi ngày bạn vẫn vô cùng lo lắng, không biết con mình có gây ra chuyện gì nữa không? Thứ nhất là người giúp việc.

Thứ hai là ông bà nội, giáo dục cách thời đại. Bởi vì có sự giúp đỡ của ông bà nội nên người trẻ chúng ta hiện nay sau khi sanh con thì lập tức bỏ cho ông bà. Kỳ thực làm như vậy đối với người làm cha mẹ có tốt không? Đó là không có lòng trách nhiệm. Sanh con rồi thì nên cố gắng nuôi dạy chứ không phải đẩy cho cha mẹ, như vậy thì cha mẹ sẽ vô cùng mệt mỏi. Rất nhiều cặp vợ chồng trẻ vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật cũng dẫn con về nhà ông bà nội. Vừa vào nhà thì hai vợ chồng ngồi trên ghế sô pha mà đọc báo, con cái thì để chúng ở đó chạy tới chạy lui, ông bà nội thì vô cùng bận rộn ở trong bếp. Có thể sáng sớm đã phải đi mua đồ ăn, mua về rồi lại nhanh chóng đi nấu, kết quả đến trưa thì gọi họ ra ăn cơm. hai vợ chồng liền nói “Ồ! ăn cơm thôi”. Sau khi cùng nhau ăn cơm, ăn xong lại nói “cha mẹ à, chúng con phải đi rồi”, liền phủi mông đứng dậy. Cho nên Cha mẹ đợi họ đi xong ngồi trên ghế sô pha cảm thấy rất mệt, sau đó lại nghĩ thà không về còn hơn, về nhà cũng không giúp được việc gì, chỉ về để bàn giao công việc. Như vậy có xem là “sáng phải thăm, tối phải viếng” không? Đó là “sáng phải thăm, tối phải viếng” trên hình thức, làm tăng thêm gánh nặng cho cha mẹ. Khi về nhà hai vợ chồng nên chủ động giúp đỡ, cùng nhau nấu bữa cơm đó, chứ không phải để ông bà bận rộn như vậy. Vậy nên cha mẹ đã qua tuổi trung niên, bước vào những năm cuối đời rồi, thì chúng ta đừng tăng thêm gánh nặng cho họ nữa.

/ 19