/ 19
357

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định Lão pháp sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3 đến 13/3/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia.

Tập 7

 

Sư phụ thượng nhân tôn kính, các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người!

A Di Đà Phật!

Vừa rồi ở bên ngoài nhìn thấy các vị đồng tu vô cùng dũng mãnh tinh tấn, đã đánh tan cơn buồn ngủ rồi, buổi trưa cũng không nghỉ ngơi mà đều ở đó đọc tụng "Đệ Tử Quy". Chúng tôi xin tùy hỷ công đức. Tục ngữ nói “sơ phát tâm thành Phật có thừa”. Chúng ta dũng mãnh tinh tấn như vậy nhất định phải kiên trì bền bỉ. Buổi sáng chúng ta nhắc đến “Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Lời giáo huấn này quan trọng nhất là phải trưởng dưỡng tâm hiếu và tâm cung kính của trẻ. Mà tâm chí thành cung kính tương ưng với tự tánh, cho nên làm tất cả mọi việc đều từ tâm chân thành. Trong quá trình chúng ta thực hành lời giáo huấn này, trên thực tế cũng là đang thực hành tam phước, lục hòa, tam học, lục độ, thập nguyện Phổ Hiền. Chúng ta xem lời giáo huấn này có phải là thực hành “hiếu dưỡng cha mẹ”, cũng thực hành “phụng sự sư trưởng” hay không? Bởi vì sư trưởng cũng dạy chúng ta phải hiếu thuận cha mẹ. Tiếp theo là “từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Khi chúng ta dùng tâm cung kính như vậy đối với cha mẹ thì cha mẹ sẽ vui vẻ. Khi chúng ta dùng tâm khó chịu, dùng tâm sân hận đối với cha mẹ thì chúng ta không làm được từ tâm bất sát rồi. Cho nên khi chúng ta dùng tâm cung kính thì đã làm được lời giáo huấn không sát sanh và không sân hận rồi.

Tiếp theo “Lục Độ”, chúng ta đối với cha mẹ đều có thể một mực cung kính như vậy kỳ thực là đang bố thí nội tài rồi, bởi vì chúng ta biết phụng dưỡng cha mẹ. Tiếp theo, vì hành vi chúng ta biểu hiện ra là tùy thuận lời dạy bảo của Phật Bồ Tát nên cũng là đang bố thí pháp. Chúng ta khiến người khác nhìn thấy sanh tâm hoan hỷ thì cũng là đang bố thí vô úy, bởi vì cha mẹ hoan hỷ, người thân cũng hoan hỷ. Đó cũng là đang trì giới, vì đây là lời dạy bảo của Phật. Tiếp theo có cần nhẫn nhục không? Khi cha mẹ hiểu lầm chúng ta mà chúng ta có thể tâm bình khí hòa để đối diện thì đã làm được nhẫn nhục rồi. Các vị đồng học sau khi học xong câu này chúng ta trở về nhà từ nay về sau có phải sẽ đối xử với cha mẹ ôn hòa nhã nhặn hay không? Đương nhiên cũng cần một quá trình trải sự luyện tâm, cho nên cũng cần làm được tinh tấn. Khi thái độ của cha mẹ tương đối mâu thuẫn với chúng ta mà chúng ta có thể tạm thời nhẫn được, có thể lùi một bước thì đây cũng là công phu thiền định. Quá trình chúng ta thực hành "Đệ Tử Quy", đều hiểu rõ ràng mình đang tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, sống rất tường tận thì chính là trí huệ bát nhã.

Chúng ta cũng đang thực hành “Lục Hòa Kính”, gọi là kiến hòa đồng giải. Chúng ta lấy "Đệ Tử Quy" làm gia quy, gia đình chính là một Tăng đoàn. Tiếp theo là khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt. Chúng ta dùng thái độ như vậy đối với cha mẹ thì lúc nào cha mẹ cũng vô cùng là vui vẻ. Chúng ta cũng làm được nguyện đầu tiên trong thập nguyện Phổ Hiền là lễ kính chư Phật, cũng làm được nguyện quảng tu cúng dường. Cho nên mỗi giây mỗi phút chúng ta nên quán chiếu tâm của mình, quán tâm là trọng yếu. Khi tâm của chúng ta luôn tương ưng với cung kính, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì đã đầy đủ lời giáo huấn của Phật rồi. Buổi sáng chúng ta nhắc đến:

“Đi phải thưa, về phải trình”

Một điểm rất quan trọng chính là khiến cha mẹ bớt lo lắng về chúng ta. Tiếp theo mở rộng ra là khiến người nhà bớt lo lắng về chúng ta. Thí dụ như chúng ta là một gia đình nhỏ, “đi phải thưa”, vậy khi ra ngoài phải nói với ai? Phải thông báo cho ai trước? Gia đình nhỏ là không ở cùng cha mẹ. Phải thông báo cho vợ biết, phải nói với vợ chúng ta đi đâu để vợ an tâm. Khi có việc gấp cô ấy cũng biết làm sao để liên lạc với chúng ta.

Thí dụ như hôm nay chúng ta ở bên ngoài đúng lúc quyết định không về nhà ăn cơm thì quan trọng là trước tiên nhất định phải gọi điện về nhà. Bạn thấy đã hơn 12 giờ rồi mới gọi điện cho vợ nói là mình không về nhà ăn cơm trưa được. Có thể làm như vậy được không? Như vậy thì bạn đã cô phụ tấm lòng của vợ đã nấu xong đồ ăn cho chúng ta từ lâu, chúng ta đã phụ tâm ý của vợ rồi. Mọi lúc mọi nơi chúng ta nên nghĩ thay cho đối phương, biết là mình không về ăn cơm thì 10 giờ hơn đã phải nhanh chóng gọi điện thoại về dặn dò rồi. Mọi lúc mọi nơi bạn đều nghĩ thay cho đối phương thì có thể chung sống vui vẻ hòa thuận, gọi là “mình tôn kính người thì người sẽ thường tôn kính mình”. Mà sự tôn kính này bất luận là người thân như thế nào cũng nên phải tôn kính, thí dụ người với người quá thân thiết mà không có sự tôn kính và lễ phép như vậy thì sớm muộn cũng sẽ có va chạm, sẽ có xung đột.

/ 19