231

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định Lão pháp sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến 13/3/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia.

Tập 6

 

Sư trưởng thượng nhân tôn kính, các vị pháp sư, các vị đồng tu xin chào mọi người.

A Di Đà Phật!

Chúng ta vừa mới nhắc đến:

Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng. Cha mẹ dạy, phải kính nghe”.

Vừa rồi có đồng tu nào đi mua dao cạo râu chưa?

“Cha mẹ trách, phải thừa nhận”.

Khi cha mẹ trách phạt chúng ta thì chúng ta nên khiêm tốn tiếp nhận, nghiêm túc kiểm điểm, nghiêm túc phản tỉnh, sửa đổi. Bởi vì suy cho cùng cha mẹ đều là dùng tâm yêu thương chúng ta, hy vọng đức hạnh của chúng ta có thể tăng trưởng nên mới giáo dục chúng ta, trách phạt chúng ta. Tôi từng hỏi các bạn nhỏ là: nếu con bị cha mẹ trách phạt thì trong tâm con nghĩ như thế nào? Các vị đồng học, con của bạn bị bạn xử phạt xong chúng sẽ nghĩ như thế nào? Các vị đã từng nghĩ đến vấn đề này chưa? Đáp án nhiều nhất của trẻ là: thật xui xẻo! Chúng nói bị cha mẹ mắng thật là xui xẻo, lần sau làm việc sai đừng để cha mẹ nhìn thấy thì sẽ không bị mắng nữa. Như vậy có tốt không? Không tốt. Đúng vậy, cho nên chúng ta phải nhạy bén để quan sát trạng thái tâm lý của chúng thì bạn mới có thể hướng dẫn chúng có thái độ chính xác. Cho nên chúng ta làm thầy phải nói giúp cha mẹ, phải để trẻ hiểu cha mẹ dạy dỗ chúng ta cũng là tâm yêu thương đối với chúng ta. Tôi đã nói với học trò là một người sau khi nổi giận liệu họ có cảm thấy tinh thần thật sảng khoái, rất có tinh thần không? Bạn đã bao giờ thấy một người nổi giận xong nói rằng: Wa! Tôi tràn đầy năng lượng, có không? Chưa từng thấy qua. Sau khi nổi giận phần lớn thân thể sẽ cảm thấy như thế nào? Rất mệt, vì sao vậy? Bởi vì vừa nổi giận thì thân thể sẽ sanh ra một lượng độc tố lớn. Cho nên một lần nổi giận phải mất mấy ngày mới có thể hồi phục lại? Ba ngày, cho nên nổi giận tổn hại rất lớn đối với thân thể.

Vì sao cha mẹ biết nổi giận sẽ không tốt cho thân thể của mình nhưng họ vẫn phải dạy dỗ bạn? Bởi vì sợ bạn không học tốt, sợ cuộc đời của bạn không xây dựng được nhân cách, thái độ đúng đắn. Vì muốn tốt cho bạn nên dù thân thể mình có bị tổn thương thì cũng phải dạy dỗ bạn, cho nên bạn phải hiểu dụng tâm của cha mẹ. Chúng ta phải xứng đáng với sự dạy dỗ của cha mẹ, tuyệt đối không được nói thật xui xẻo mà thông qua sự giáo huấn này sau đó phải hiểu được mình sai phạm ở đâu, sau này tuyệt đối như thế nào? Không được tái phạm. Như vậy mới xứng đáng với sự dạy dỗ của cha mẹ. Phải học tập đức hạnh của Nhan Uyên. Nhan Uyên có thể làm được “không phạm lỗi lần hai”, cho nên lần sau không được tái phạm. Chúng ta nên giữ thái độ bị mắng để đổi lấy sự tiến bộ. Mỗi lần được dạy bảo xong nhất định mình có thể tiến bộ hơn, nhanh chóng sửa đổi lỗi lầm. Khi trẻ được dạy bảo xong mà chúng có tâm thái như vậy thì chúng cũng có thể trân quý cơ hội này để nâng cao bản thân. Chúng không bị tình cảm làm chủ mà có thể dùng lí trí để đối diện với sự việc, cho nên “cha mẹ trách, phải thừa nhận”.

Thời Xuân Thu có một hiếu tử tên là Tăng Sâm. Có một lần cha ông rất tức giận, xử phạt ông. Thuận tay lấy cây gậy ở bên cạnh, rất to, kết quả vừa đánh, ông rất ngoan không bỏ chạy. Cha mẹ trách thì như thế nào? Phải thừa nhận nên ông ngoan ngoãn ở đó cho cha đánh. Kết quả vì cơn giận của cha tương đối lớn cho nên mất kiểm soát đã đánh ông ngất đi. Tin này truyền đến tai Khổng phu tử, phu tử liền nói: “con làm như vậy là bất hiếu”. Tăng Sâm cảm thấy: con rất ngoan mà, “cha mẹ trách, phải thừa nhận”, ngay đến chạy con cũng không chạy, làm sao bất hiếu được chứ?”. Phu tử nói: “nếu cha lỡ tay đánh chết con thì ai là người đau lòng nhất? Là cha mẹ, như vậy là đẩy cha mẹ vào chỗ bất nghĩa rồi”. Cho nên học đạo lý thì nên linh hoạt một chút. Phu tử nói với Tăng Sâm là “gậy nhỏ thì chịu phạt”, gậy nhỏ có thể chịu đánh, gậy lớn thì nên bỏ chạy thật nhanh, gậy to nên bỏ chạy, nhanh chóng chạy đi. Do vậy, chúng ta cầu học vấn thì nên học linh hoạt, hiểu được tùy cơ ứng biến. Sau khi chúng ta học xong, ví dụ hôm nay đúng lúc phạm phải lỗi lầm, cha mắng bạn, lúc này bạn phải “cha mẹ dạy, phải kính nghe”, nhưng nếu cha bạn bị bệnh tim, càng nhìn bạn càng tức giận thì lúc này bạn không được đứng ở đó nữa mà phải nhanh chóng như thế nào? Nhanh chóng rời đi. Do vậy việc này chúng ta phải biết quan sát tình hình, mọi nơi nghĩ thay cho cha mẹ.