/ 19
496

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định Lão pháp sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến 13/3/2005 tại Tịnh Tông Học hội Australia.

Tập 5

 

Sư phụ thượng nhân tôn kính, các vị pháp sư, các vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người!

A Di Đà Phật!

Chúng ta vừa nhắc đến phải trưởng dưỡng tâm thiện của trẻ, mà quan trọng nhất là phải trưởng dưỡng tâm hiếu, gọi là “trăm thiện hiếu đứng đầu”. Câu nói này có 2 tầng ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là hiếu đứng đầu trong trăm điều thiện. Ý nghĩa thứ hai là tâm hiếu khai mở thì trăm điều thiện cũng khai mở. Nếu tâm hiếu không mở thì sẽ có kết quả gì? Chúng ta phải suy nghĩ đến việc: nếu tâm hiếu của một đứa trẻ không khai mở thì cuộc đời nó sẽ không cách nào hình thành một thái độ. Thái độ gì vậy? Thái độ tình nghĩa, ân nghĩa sẽ không cách nào hình thành. Bởi vì không có ân đức nào lớn hơn ân cha mẹ. Nếu không có chút cảm niệm nào đối với ân đức của cha mẹ thì làm sao có thể cảm ơn người khác được chứ? Khi ân nghĩa, tình nghĩa không được trưởng dưỡng thì sẽ trưởng dưỡng điều gì? Bởi vì “học như bơi thuyền ngược dòng, không tiến ắt sẽ lùi”. Điều đúng đắn không dạy thì trẻ nhất định sẽ học cái gì? Học cái sai trái. Do vậy rất nhiều người nói “hôm nay tôi không tiến bộ nhưng cũng không thoái lui”, có khả năng này không? Không tiến ắt lùi. Bởi vì trẻ hiện nay tiếp xúc với rất nhiều thứ, nếu bạn không dạy những điều đúng đắn thì chúng nhất định sẽ tiếp nhận những điều sai trái.

Cho nên thái độ tình nghĩa, ân nghĩa này không hình thành mà hình thành lợi và hại. Cho nên có lợi cho chúng thì chúng sẽ rất tích cực. Không có lợi cho chúng thì có thể chúng sẽ trở mặt không nhận người quen. Hôm qua chúng tôi cũng nhắc đến việc tìm đối tượng, phải tìm người có tâm hiếu. Bởi vì nếu họ không có tâm hiếu, họ theo đuổi một người phụ nữ, trên thực tế đó là dùng tâm lợi hại. Bởi vì có thể đối phương trẻ đẹp, có thể công việc ổn định nên họ sẽ dốc hết sức để đạt được mục đích này. Đến khi họ đạt được mục đích rồi, sau 3 năm lại giúp họ sanh một đứa con, rất là mập mạp bụ bẫm, nhưng do sau khi làm mẹ tương đối vất vả, khổ cực nên có vài nếp nhăn, không trẻ đẹp như trước đây nữa. Khi chồng cô ấy ra bên ngoài lại gặp một người xinh đẹp hơn, trẻ trung hơn thì họ có thể từ lợi sẽ biến thành cái gì? Từ lợi biến thành hại. Bởi vì khi một người có tâm lợi hại, chỉ cần họ muốn đạt được thứ gì đó, thì bất kể giá nào họ cũng đi làm. Do vậy người vợ có thể từ lợi biến thành hại. Hại thì phải làm sao? Phải làm sao? Rất nhiều người sẽ loại bỏ những chướng ngại vật ở phía trước. Động tác loại bỏ này rất là đáng sợ, vấn đề sẽ xảy ra là gì? Tỷ lệ ly hôn sẽ xảy ra, một khi tỷ lệ ly hôn xảy ra sẽ ảnh hưởng liên đới đến toàn xã hội, cho nên tỷ lệ phạm tội cũng tăng cao.

Các vị đồng học, hai điều này có quan hệ liên đới hay không? Có. Ở Hải Khẩu chúng tôi từng tiếp xúc với những người lãnh đạo trong nhà tù. Chúng tôi hỏi họ về tình hình gia đình của những phạm nhân bị giam trong tù như thế nào? Họ nói trên 60-70% tình hình gia đình đều không toàn vẹn. Bởi vì không có giáo dục gia đình tốt nên đức hạnh của họ không có gốc. Ngày nay xã hội bên ngoài lại ô nhiễm như vậy nên vừa gặp những nhân duyên không tốt thì lập tức bật gốc trốc rễ rồi. Do vậy tỷ lệ ly hôn sẽ kéo theo tỷ lệ phạm tội. Khi tỷ lệ phạm tội của toàn xã hội càng cao thì cho dù chúng ta có nhiều tiền hơn, có địa vị cao hơn nhưng chúng ta có cảm giác an toàn không? Không có. Nếu hôm nay phạm nhân muốn cướp túi da của bạn liệu họ có quan tâm bạn có phải là thị trưởng, bạn có phải là lãnh đạo cấp cao hay không? Tất cả đều không cần biết, cướp hết. Do vậy tỷ lệ phạm tội đã khiến tâm chúng ta không yên. Chúng ta phải tìm ra căn nguyên tỷ lệ ly hôn và tỷ lệ phạm tội cao như vậy là do đâu? Do đâu? Là do không trưởng dưỡng được thái độ ân nghĩa, tình nghĩa mà thái độ ân nghĩa, tình nghĩa nhất định phải bắt tay làm từ đâu? Bắt tay làm từ hiếu đạo, hiếu đạo lại nhất định phải bắt tay làm từ "Đệ Tử Quy".

Các vị đồng học, dạy hiếu như thế nào? Chúng ta đã biết tầm quan trọng của hiếu, tiếp theo là phải thực hành, phải dạy hiếu thì tâm hiếu mới có thể cắm gốc được. Dạy hiếu quan trọng bậc nhất là “lấy mình làm gương”, tiếp theo là “cha mẹ và thầy cô phải hợp tác”, ở nhà thì “vợ chồng phải phối hợp”. Có một cô giáo, vào dịp tháng 3 năm ngoái cô ấy đến nghe chúng tôi giảng bài. Cô tu học Phật Pháp cũng được một thời gian rồi. Trong quá trình tu học Phật Pháp cô cảm thấy mình có thiện căn rất sâu dày. Bởi vì trên kinh nói “nếu xa xưa không tu phước huệ thì chánh pháp này không thể nghe, đã từng cúng dường các Như Lai nên hay vui mừng tin pháp này”. Do vậy cô cảm thấy mình có thiện căn sâu dày. Vốn dĩ muốn mời thầy có thể đến giảng “Luận Ngữ”, “Mạnh Tử”, “Đại Học”, “Trung Dung”, kết quả vừa nghe thấy muốn giảng "Đệ Tử Quy" nên họ nói thôi thì cũng được. Kết quả sau khi chúng tôi lên giảng mấy tiết thì cô ấy đến nói với chúng tôi là “trước đây vốn cho rằng mình thiện căn sâu dày, kết quả sau khi học "Đệ Tử Quy" tôi cảm thấy mình chưa làm được việc gì tốt.”

/ 19