/ 19
495

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng: thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 3

 

Kính thưa sư phụ, các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người!

A Di Đà Phật!

Tiết học trước chúng ta có nhắc tới “học quý ở chỗ lập chí, học quý ở chỗ thực hành”, học tập quý ở chỗ có thể nắm vững cương lĩnh. Kinh điển mà Phật Thích Ca Mâu Ni giảng trong bốn mươi chín năm đều hội tập trong Đại Tạng Kinh, nếu như chúng ta trực tiếp xem Đại Tạng Kinh thì rất khó mà nắm vững được cương lĩnh, kinh Phật mênh mông rộng lớn. Đại sư Thiện Đạo cũng từng nói một người có thành tựu hay không, “ở chỗ nhân duyên khác biệt”, chúng ta vô cùng may mắn gặp được sự dạy bảo của sư phụ. Còn nhớ khi tôi mở cuốn Nhận Thức Phật Giáo ra, trang đầu tiên có một đoạn nói về sự thể hội của sư phụ trong quá trình tu học Phật pháp, đem sự thể hội đó đúc kết thành một đoạn khai thị ngắn, các bạn chắc là đều có chút ấn tượng. Câu đầu tiên nói rằng: Phật giáo là giáo dục chí thiện viên mãn của đức Phật dành cho chúng sanh trong chín pháp giới. Câu đầu tiên đã chỉ ra rằng: bản chất của Phật giáo là giáo dục chứ không phải là tôn giáo. Tất cả kinh điển mà Phật Thích Ca Mâu Ni giảng trong bốn mươi chín năm đều nói rõ chân tướng vũ trụ nhân sanh; vũ trụ là hoàn cảnh nơi chúng ta sinh sống, nhân sanh chính là bản thân chúng ta. Trong đoạn khai thị này cũng chỉ ra cương lĩnh tu học cho chúng ta. Cương lĩnh tu hành là Giác, Chánh, Tịnh: giác mà không mê, chánh mà không tà, thanh tịnh mà không ô nhiễm, đồng thời dựa vào Giới Định Huệ mà đạt được mục đích này. Sau cùng, nền tảng tu học là "Tam Phước", đối nhân thì dựa vào "Lục Hòa", xử thế dựa vào "Lục Độ", "tuân theo hạnh nguyện của đức Phổ Hiền thì giáo hóa của đức Phật ắt viên mãn".

Sư phụ trong Đại Tạng Kinh chọn ra năm cương lĩnh tu học quan trọng nhất, Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Phổ Hiền thập nguyện, để chúng ta nắm vững được cương lĩnh ngay lập tức, tìm ra chỗ bắt đầu hạ thủ. Tục ngữ có câu “đứng trên vai người khổng lồ thì tầm nhìn càng xa”. Các bạn làm cha mẹ, bạn hi vọng thành tựu đời này của con cái mình thua kém bạn hay là vượt xa bạn? Chư vị đồng tu, bạn làm trưởng bối, làm cha mẹ, nhất định toàn tâm toàn ý đem kinh nghiệm cả đời mình truyền thụ cho con cái, hi vọng con cái bạn đỡ phải đi đường vòng, có thể đạt được thành tựu tốt hơn. Tôi tin rằng bậc làm cha mẹ, trưởng bối đều có cái tâm như vậy. Sư phụ dốc hết kinh nghiệm mấy chục năm của người ra dạy bảo chúng ta, cho nên “một ngày làm thầy, suốt đời làm cha”. Sư phụ chắc chắn không muốn chúng ta học tập theo người mà lại có suy nghĩ chúng ta nhất định không thể giỏi hơn người. Chúng ta nên trân trọng duyên phận này, trân trọng kinh nghiệm mấy mươi năm quý báu của sư phụ, phải dũng mãnh tinh tấn, thì mới có thể báo đáp ân đức của sư phụ dành cho chúng ta. Hành cũng phải có căn bản, chúng ta tìm thấy năm cương lĩnh. Tâm có căn bản, sư phụ nói với chúng ta, căn bản của tâm là tâm Bồ Đề. Sư phụ dùng năm cái tâm để chúng ta có thể khế nhập vào cảnh giới của tâm Bồ Đề, chúng ta khá dễ dàng lãnh hội được năm cái tâm này. Đó là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. “Tâm hành nhất như”, tâm của chúng ta nhất định thể hiện ra ở trên hành vi.

Chúng ta xem thế nào là chân thành? Khi chúng ta nghe cha mẹ nói chuyện, “Cha mẹ gọi - trả lời ngay - cha mẹ bảo - chớ làm biếng”, phải dùng tâm chí thành để phụng dưỡng cha mẹ. Trong Đệ Tử Quy có câu “cha mẹ ghét - hiếu mới tốt”, khi cha mẹ đối xử vô lý với chúng ta, có thể là do cảm xúc lúc đó không tốt, chúng ta cũng không được phép quên tâm hiếu thảo chân thành này. Bởi vì ân đức của cha mẹ không thể nào báo đáp, ân đức này chúng ta lúc nào cũng phải để ở trong lòng. Mà thái độ làm người là không quan tâm người khác đúng hay không, chúng ta phải làm đúng trước. Nếu như thái độ của cha mẹ không tốt, chúng ta cũng hành động theo cảm tính thì đó không phải là thái độ nên có của phận làm con.

Thời Xuân Thu có một người con hiếu thảo tên là Mẫn Tử Khiên, mẹ của ông mất sớm, cha ông lấy vợ khác, mẹ kế đối xử với ông không tốt, thường ngược đãi ông. Vào một năm mùa đông, mẹ kế làm quần áo cho ông, mẹ kế cũng sanh được hai người em trai, dùng bông gòn để làm áo khoác cho hai đứa con trai, nhưng lại lấy cỏ lau để làm áo khoác cho ông. Áo khoác nhồi bằng cỏ lau nhìn rất dày nhưng lại không giữ ấm. Đúng lúc người cha kêu ông đánh xe ngựa đưa cha ra ngoài, thời tiết quá lạnh mà áo khoác lại không đủ ấm nên chỉ chốc lát người ông bắt đầu run cầm cập. Người cha thấy vậy thì vô cùng tức giận, áo khoác dày như vậy mà còn rét run, có phải cố ý bôi nhọ mẹ kế hay không? Trong lúc tức giận liền lấy roi quất Mẫn Tử Khiên. Roi vừa đánh xuống thì áo khoác bị rách, cỏ lau bay ra, người cha lúc này mới biết hóa ra mẹ kế ngược đãi con mình. Cha ông rất tức giận, trở về nhà dự định bỏ người vợ này.

/ 19