/ 19
543

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 2

 

Kính thưa Sư phụ, chư vị pháp sư, chư vị đồng tư, xin chào mọi người!

A Di Đà Phật.

Sáng nay chúng ta có nhắc tới, thực hành mười nguyện Phổ Hiền hoàn toàn tương ưng với Đệ Tử Quy, đương nhiên hết thảy lời dạy bảo mà chúng ta học đều phải thông qua học tập cùng thực hành thì chúng ta mới có được lợi ích thật sự. Tôi còn nhớ năm kia tới học viện học tập, cũng tham gia học lớp Đệ Tử Quy. Khi đó đang học đến chương “Xuất tắc đễ”, trong đó có câu “Việc chú bác - như việc cha - việc anh họ - như anh ruột”, đối với cha mẹ, anh em của mọi người cũng phải lễ kính. Sau khi học xong phải áp dụng ngay, tôi quay trở về phòng của mình thì bắt đầu đi hỏi thăm các bác các chú trong phòng năm nay bao nhiêu tuổi, bác ấy lớn tuổi hơn cha tôi, tôi liền cúi đầu nói con chào bác Đàm! Một chú khác thì nhỏ hơn cha tôi, tôi nói con chào chú Trần!

Đột nhiên trong lúc tôi đang hành lễ với các bác, các chú thì có một chú chạy tới nói với tôi, chú nói “chú cũng muốn”, ý là chú cũng muốn được gọi là chú, chú ấy họ Lư. Bởi vì hôm đó trở về phòng tôi hành lễ với từng vị trưởng bối, cho nên đã kết duyên với chú Lư. Hôm sau chú Lư tìm tôi đến phòng khách ngồi nói chuyện với tôi hơn hai tiếng đồng hồ, chú chia sẻ về kinh nghiệm cuộc đời và lãnh hội của chú khi học Phật, dạy bảo tôi từng chút một. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, trong lòng tôi vô cùng cảm kích, cũng nhận được rất nhiều lời nhắc nhở. Khi đó tôi chỉ cảm thấy rằng, chú ấy giúp đỡ vãn bối chúng tôi mà hoàn toàn không mong cầu chút báo đáp nào. Trong lòng tôi đang nghĩ, nghĩ điều gì? Bởi vì rất cảm kích nên muốn quỳ ngay xuống. Lúc đó tôi có thể hiểu được vì sao chúng ta lại coi trong Sư Đạo như vậy, bởi vì thầy cô đích thực là hoàn toàn suy nghĩ cho chúng tôi mà không mong cầu chút báo đáp nào. Tôi vừa quỳ xuống, bởi vì thời trẻ chú Lư từng học Nhu Đạo, động tác của chú rất nhanh nhẹn, đầu gối của tôi còn chưa chạm đất thì chú đã kéo tôi lên, chú nói không làm như vậy được. Cho nên bậc cha chú thật sự có trí tuệ đều vô cùng khiêm tốn.

Bởi vì chúng ta có thái độ cung kính, lễ phép cho nên mới nhận được sự chỉ bảo của các vị thiện tri thức. “Gần người hiền - tốt vô hạn - đức tiến dần - lỗi ngày giảm”, “Lễ kính chư Phật” cũng có thể nhận được quả báo “thường tùy Phật học”. Trong hơn hai tháng, chú Lư thường ăn cơm xong sẽ tìm tôi đi dạo, nhờ đó mà đường đi ở trong học viện tôi khá là quen thuộc. Chú Lư dắt tôi đi, vừa đi vừa hỏi, hôm nay con nghe giảng xong có thu hoạch gì? Tôi chia sẻ với chú cảm nhận của tôi. Chú nghe xong nói: “con nhìn vẫn chưa đủ xa, chưa đủ rộng”, chú dạy bảo tôi từng ly từng tý như vậy.

Tôi nhớ chú có nói một câu khiến tôi rất xúc động, chú nói “tu hành là phải đuổi cùng giết tận chính mình, đối với người khác phải nhân hậu ba phần”. Đối với tập khí của chính mình phải có thái độ đuổi cùng giết tận, không được phép lơi lỏng; còn đối với người khác phải khoan dung, thông cảm cho họ. Có một lần tôi vừa bước ra từ nhà tắm, chú Lư đi vào rửa mặt, đột nhiên chú chạy ra nói với tôi, “lại đây, chúng ta cùng xem, sau khi con vào nhà tắm thì nền gạch ướt như vậy, con lại rụng tóc nữa, nếu như có người đi vào không cẩn thận bị trượt chân thì phải làm sao? Hoặc là người đó có bệnh sạch sẽ, nhìn thấy tóc rụng thì trong lòng phiền não. Chúng ta hành trì Thập thiện nghiệp, trong đó có giới không sát sinh, không sát sinh quan trọng nhất là không làm chúng sinh phiền não. Khi chúng ta chung sống với mọi người phải có một thái độ rất quan trọng, tuyệt đối không được khiến cho người ở cùng với bạn phiền não. Tôi nghe xong rất cảm động, lời dạy bảo này rất thiết thực khi áp dụng vào trong cuộc sống. Tôi cũng rất vui, ngay lập tức đi dọn dẹp sạch sẽ.

Hôm sau lúc sắp ra khỏi cửa tôi nói với chú Lư, “tật xấu của con rất nhiều, lúc nhỏ không được dạy bảo, mong rằng sau này nếu còn có bất kỳ khuyết điểm nào thì mong chú hãy chỉ ra giúp con”. Tôi quen chú Lư hơn hai năm, chỉ cần có cơ hội là tôi gọi điện thoại cho chú xin chỉ bảo. Mà trong khoảng thời gian ở cùng chú, chỉ cần tôi có vấn đề thì chú đều thẳng thắn không e ngại mà nói với tôi. Chúng ta có tâm cung kính, chúng ta biết được phải thực hành “Nghe khen sợ - nghe lỗi vui - người hiền lương - dần gần gũi”. Nhờ vào thái độ này mà thực sự khiến cho cuộc đời của chính mình có được lợi ích vô cùng lớn. “Học quý ở chỗ thực hành”, chỉ có thực hành mới có được lợi ích thật sự.

/ 19