/ 19
340

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 19

 

Kính thưa sư trưởng, kính chào chư vị pháp sư, các vị đồng tu, A Di Đà Phật!

Khi nãy chúng ta có nói “đứng như tùng”, tư thế đứng ngoài việc giúp con người có oai nghi, còn có một điểm rất quan trọng, đó là có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của họ. Cho nên chúng tôi phát hiện ra rằng hiện nay có một loại bệnh khá thường gặp, gọi là gai xương, đều là do đứng không thẳng trong một thời gian dài, nên xương bị ép trong một thời gian dài nên mọc gai, cho nên tư thế đứng rất quan trọng đối với sức khỏe. Chúng ta thấy thanh niên bây giờ đều đứng như thế nào? Nghiêng nghiêng, có chỗ dựa thì sẽ dựa vào, trông như sắp ngã, lười biếng. Khi tư thế của họ như vậy, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến trạng thái nội tại của họ, càng ngày càng tán loạn, không tập trung. Tại vì sao mấy mươi năm trước cha mẹ dạy con cái, đứng không đàng hoàng sẽ bị trừng mắt, hoặc bị cha mẹ lấy roi đánh? Đều vì có ảnh hưởng rất lớn đến oai nghi của đứa trẻ, đến sức khỏe của đứa trẻ này.

Nếu như bây giờ đứng không thẳng, có thể tranh thủ thời gian, đứng sát vào tường hai mươi phút. Hai mươi phút cũng không được lãng phí, trong lòng niệm Phật, nhất định có thể sửa được dáng đứng. Đương nhiên là phải đứng tự nhiên một chút, thoải mái một chút, nếu không thì rất khó chịu. Lúc nãy tôi có làm mẫu cho phái nữ phải đặt tay như thế nào, tự nhiên là được rồi, không nên quá căng thẳng, nếu không đứng lâu sẽ bị chuột rút, thoải mái một chút là được. Thực ra khi chúng ta đứng thoải mái, ngược lại khiến người khác cảm thấy tự nhiên thân thiết.

“Đi như gió”, bước đi cũng rất quan trọng, chúng ta thấy con trẻ hiện nay bước đi không có tư thế gì cả, có lúc vai bên này thấp hơn vai bên kia. Những hành vi, động tác trong cuộc sống này, chúng ta là trưởng bối phải chú ý đến chúng nhiều hơn, huấn luyện chúng đi đứng. Khi gọi những em nhỏ này lên trên bục giảng nói chuyện, lúc đi lên cũng phải đi như gió, phải để chúng đi cho hẳn hoi. Nhưng mà con trẻ gặp trường hợp như vậy thường hay tay chân lóng ngóng, cho nên phải rèn luyện chúng nhiều hơn thì chúng mới có kiến thức, có can đảm.Chúng ta một hai ngày nay chúng ta tự mình quan sát cử chỉ đi đứng nằm ngồi của mình, bình thường không chú ý tới, có khi thân thể cũng bị nghiêng lệch đi, chúng ta phải quan sát mình cho kỹ, cũng có thể nhờ bạn đồng tu chú ý giúp. Lúc đi đứng không được gấp gáp, phải nhẹ nhàng mềm mại giống như gió vậy, không thể bước chân quá lớn tiếng. Chúng ta suy ngẫm xem, một người leo cầu thang, lúc lên lầu bước chân rất nặng, điều này cho thấy tâm của người này như thế nào? Đúng vậy, hành vi mà họ thể hiện ra đều đang phản ánh tâm cảnh của họ. Khi tâm bạn tự tại, thanh tịnh, bước đi của bạn sẽ rất nhẹ nhàng.

Thứ ba là “ngồi như chuông”, lúc ngồi phải vững vàng như chiếc chuông. Hiện tại con trẻ biết cách ngồi không? Phải dạy chúng. Câu kinh này phải làm mẫu thì con trẻ mới biết cách làm theo, học theo. Bây giờ tôi làm mẫu tư thế ngồi cho mọi người xem nhé. Sau cùng là “nằm như cây cung”. Nằm ngủ phải giống như tư thế lúc đức Phật diệt độ, nằm lên tay phải ngủ, tư thế này tốt cho sức khỏe nhất. Nếu như nằm nghiêng sang trái sẽ chèn ép tim, chèn ép dạ dày, như vậy không tốt. Nhưng mà tư thế ngủ nhất định phải dạy từ khi còn nhỏ, ngủ quen rồi thì rất khó sửa. Thế nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho việc vãng sanh, bây giờ phải từ từ quen với ngủ nghiêng sang phải.

“Ngồi như chuông” thông thường phái nam ngồi hai chân mở rộng bằng vai, ngẩng đầu ưỡn ngực, hai tay tự nhiên đặt trên đầu gối. Mọi người có cảm thấy tư thế này rất quen không? Có cảm giác đã từng gặp qua không? Có! Từng gặp qua ở đâu? Mấy tấm ảnh từ ba mươi bốn mươi năm trước trong bảo tàng đều ngồi như vậy, còn có một người phụ nữ ngồi bên cạnh, phía sau là có mấy đứa trẻ đứng. Cha mẹ trước đây đều ngồi như vậy, rất uy nghiêm, đây là cách ngồi của phái nam. Tôi tới Sơn Đầu diễn giảng, tôi ngồi như vậy, kết quả là bị anh thợ chụp ảnh kêu tôi “khép chân lại một chút”, tôi không biết phải làm sao! Bạn xem nếu như đàn ông mà ngồi như vậy hình như không được phóng khoáng cho lắm, tôi thấy ngồi như vầy mới có khí thế, nói chuyện với người khác cũng có cảm giác rất phong độ.

/ 19