/ 19
276

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 16

 

Kính thưa sư trưởng, kính thưa các vị pháp sư, các vị đồng tu, A Di Đà Phật!

Chúng ta mới nhắc tới, hiện nay người biết cúi đầu chào người khác khi gặp mặt lại là người Hàn Quốc, người Nhật Bản, họ làm rất tốt. Chúng ta xem bộ phim “Thương gia Im Sang Ok” của Hàn Quốc, mặc dù quan hệ với người khác không tốt nhưng nếu đã gặp mặt thì vẫn sẽ cung kính cúi đầu chào nhau, không được thất lễ. Trong lịch sử thì người Hàn Quốc và Nhật Bản đều rất tích cực học tập văn hóa truyền thống, mà dân tộc chúng ta trong hơn một trăm năm nay lại đánh mất sự tự tin dân tộc. Chúng ta học tập lại, thâm nhập lại, khẳng định lại, đề khởi lại cảm giác sứ mệnh, nếu không thì tôi sẽ rất lo lắng, nếu như chúng ta không học, năm mươi năm nữa tòa án quốc tế sẽ xảy ra một vụ kiện, đó là Khổng Lão Phu Tử là tổ tiên của người Hàn Quốc hay là của người Trung Quốc? Thẩm phán của tòa án quốc tế có thể là người học Phật, ông nói chúng ta phải chú trọng thực chất chứ không trọng hình thức, xem bây giờ ai thực sự làm được lời dạy bảo của Khổng Lão Phu Tử thì người đó thắng kiện. Lúc đó nếu như người Hàn Quốc thắng kiện thì chúng ta sẽ khóc không ra nước mắt. Cho nên “biết hổ thẹn là gần với dũng vậy”, chúng ta phải nhanh chóng phấn chấn thẳng tiến, tu sửa lỗi lầm của chính mình, để văn hóa của tổ tiên đơm hoa kết trái trong tay chúng ta.

Đương nhiên văn hóa muốn đơm hoa kết trái, trước tiên chính chúng ta phải bắt đầu có lễ nghĩa, có tâm hiếu thảo, có đức hạnh, thể hiện ra cho tất cả mọi người xem. Lễ xưa là phải cúi đầu chào, hiện nay gặp nhau thì dùng lễ như thế nào? Đa phần là bắt tay. Bây giờ chúng ta thử bắt tay xem, mời một vị sư huynh lên trên này. Đời người có rất nhiều biến hóa, bữa khác mọi người đứng lên trên này cũng phải thật tự nhiên đó. Trước tiên khi gặp bạn bè, cúi đầu chào họ trước: “xin chào”, sau đó bước tới bắt tay, lúc bắt tay phải chú ý đến những chuyện gì? Thứ nhất, mắt phải nhìn vào đối phương. Có một số người bắt tay như thế này, “xin chào, xin chào”, mắt vẫn nhìn người bên cạnh rồi bước tới nắm tay , “xin chào, xin chào”, không để tâm tới, chỉ muốn nhanh chóng làm xong. Có tình huống như vậy không? Không nhìn đối phương nên đối phương cảm thấy không được tôn trọng, ấn tượng đối với chúng ta không tốt. Cho nên nhất định phải nhìn thẳng vào đối phương: “xin chào, sư huynh!”

Bắt tay rất quan trọng, có khi bạn được bầu làm lãnh đạo. Bạn không thấy hiện nay bầu cử họ luôn miệng nói “xin chào, xin chào”, nếu như ánh mắt của chúng ta rất chân thành thì số người bầu cử sẽ dần dần tăng lên. Trong lúc bắt tay cũng phải chú ý đến dùng sức, ví dụ như “xin chào anh!”, có một số người bắt tay như thế này, “xin chào”, hình như chỉ chạm người khác một chút. Mọi người có từng thấy qua? Như vậy người khác bắt tay rất không thoải mái, rốt cuộc là có muốn bắt tay hay không? Cho nên phải dùng sức vừa phải, chỗ nắm cũng không được quá cao, vừa phải là được, nếu như nắm quá mạnh có khi người ta trở về lại phải băng bó bàn tay thì không tốt, cho nên dùng sức vừa phải. Tiếp đó thời gian cũng phải phù hợp, bạn không thể bắt quá lâu mà không thả ra, đối phương cũng không biết khi nào bạn thả tay ra. Đặc biệt là khi gặp phải phụ nữ xinh đẹp, không thể quên thời gian, cứ đứng ở đó nói “xin chào”, người khác không rút về được. Nắm tay phải chú ý ánh mắt, chú ý dùng sức, chú ý thời gian, nếu như đều phù hợp thì sẽ để lại ấn tượng tốt cho nhau. Chúng ta vỗ tay cảm ơn vị sư huynh này.

Đây là cách thức bắt tay, tôi vẫn thích cúi đầu chào hơn, bởi vì nếu như tay bị dơ thì thật ngại. Hoặc là chúng ta gặp bạn bè hay trưởng bối đang cầm đồ trên tay thì có thể bước tới bắt tay không? Phải tùy cơ ứng biến, lúc này cúi đầu chào hỏi là được. Nhưng mà chúng ta cũng phải tùy thuận theo tình hình xã hội, hiện nay xem trọng việc bắt tay, chúng ta cũng nên thuận theo. Bắt tay còn phải chú ý đến thứ tự, đó là ai đưa tay ra trước, việc này cũng có quy tắc. Là lãnh đạo đưa tay ra trước hay là nhân viên đưa tay ra trước? Là trưởng bối đưa tay ra trước hay là vãn bối đưa tay ra trước? Là người nam đưa tay ra trước hay là người nữ đưa tay ra trước? Thực ra đạo lý này bạn không cần nói học thì mới biết, bạn nghĩ mà xem, cảm nhận một chút liền biết. Người nam đưa tay ra trước, nếu như người nữ không muốn bắt tay, vậy thì sẽ khá ngượng ngùng, đúng không? Đúng vậy! Cho nên người nữ chủ động đưa tay ra trước, người nam chúng ta mới tùy thuận theo lễ nghi mà bắt tay lại. Lãnh đạo tiếp xúc với rất nhiều người, mỗi ngày nếu như gặp ai cũng bắt tay thì sẽ rất mệt. Lúc bạn đưa tay ra, họ cũng không biết bạn là ai, bạn đưa tay ra mà họ không bắt thì khá ngượng ngùng. Cho nên phải đợi lãnh đạo đưa tay ra trước rồi chúng ta hãy bắt. Trưởng bối cũng như vậy, trưởng bối đưa tay ra trước rồi chúng ta mới đưa tay, nếu không thì cung kính đứng ở bên cạnh là được, cũng không thất lễ.

/ 19