ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP
Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc
Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia
TẬP 15
Các vị pháp sư tôn kính, các vị đồng tu, xin chào mọi người!
A Di Đà Phật!
Chúng ta vừa nhắc đến: “Tiền của nhẹ, oán nào sanh. Lời nhường nhịn, tức giận mất”
Hôm qua từ trên văn tự chúng ta cũng đã hiểu được làm thế nào để hóa giải sân hận, oán giận. Dùng phương pháp gì? Dùng phương pháp khoan dung. Trong “Cách Ngôn Liên Bích” có câu nói rằng “Quẻ khiêm sáu hào đều cát tường”. Khiêm tốn đi đến đâu cũng đều đạt được lợi ích rất lớn, mọi việc đều thuận lợi, cho nên sáu hào đều cát tường mà “chữ THỨ là phẩm đức nên hành trì suốt đời”. Từng có học trò hỏi Khổng Tử rằng có chữ nào có thể phụng hành cả đời không? Chính là chữ “THỨ” này. Bạn có thể đứng ở góc độ của đối phương để thấu hiểu chỗ khó của họ, thậm chí thể hội được nguyên nhân tại sao họ lại gây ra những hành vi không tốt đó. Đừng tức giận trên quả mà chúng ta phải tìm hiểu trên nhân. Thường khi bạn hiểu được nguyên nhân của họ thì cơn giận của bạn đã giảm hơn một nửa rồi, gọi là “người đáng ghét nhất định có chỗ đáng thương”.
Hôm qua cũng có nhắc đến chuyện một em học trò của tôi thường đánh người, mắng người, cho nên quan hệ với mọi người không tốt, rất nhiều thầy cô nhìn thấy cũng cảm thấy em rất khó quản giáo. Chúng tôi hiểu được hoàn cảnh gia đình của em nên cơn giận liền tiêu tan hết. Cha em căn bản là không trở về nhà, mẹ em cũng không biết đã đi đâu, sau đó cha em lại lấy vợ người Thái Lan. Cô ấy căn bản không cách nào dạy dỗ con trẻ. Quả thực chúng ta phải dùng một tấm lòng khoan thứ, bao dung, thậm chí là dùng tâm giúp đỡ, tâm thành tựu thì liền có thể chuyển tức giận thành tha thứ. Đương nhiên, trong quá trình này trước tiên phải từ giới được định, từ định khai huệ thì tâm từ bi của chúng ta sẽ không khó hiển lộ, nhưng trong quá trình này trước tiên cũng phải điều phục được cảm xúc, tức giận.
Hôm qua, chúng ta cũng đã hiểu, một câu vạn đức hồng danh là phương pháp hay nhất, nhưng tuyệt đối không phải lúc xảy ra xung đột lời nói với người thì mới lấy câu vạn đức hồng danh này ra niệm. Phải niệm khi nào? Chúng ta nên nghe theo lời dạy bảo của Đại Sư Ấn Quang là đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng một câu Phật hiệu không cho gián đoạn. Đây là phương pháp rất tuyệt diệu, rất quan trọng. Rất nhiều bạn nói rằng “thầy Thái à! tại sao thầy giảng bài không căng thẳng vậy?”. Tôi nói là do niệm Phật, khi căng thẳng thì như thế nào? Nhanh chóng niệm A Di Đà Phật giúp cảm xúc của mình ổn định lại.
Tháng một năm kia, lần đầu tiên tôi diễn giảng ở Hải Khẩu. Kết quả là đối diện với hơn ba trăm thầy cô giáo, tôi cũng rất căng thẳng, lại sợ đến không ngủ được. Bởi vì tôi thi đại học đã uống hai viên thuốc an thần cũng không ngủ được, kết quả hôm sau thuốc phát huy tác dụng nên thi một cách mơ mơ hồ hồ, “một miếng ăn, một ngụm nước…”. Tôi sợ tình huống này sẽ tái diễn nên tôi đến trước Khổng Lão Phu Tử lễ ngài ba lạy: “Không Phu Tử à, xin ngài phù hộ cho con hôm nay ngủ thật ngon”. Kết quả thực sự là ngủ một mạch đến sáng. Ngồi ở phía dưới bục giảng thì niệm Phật suốt, lên bục giảng có hơn 300 gương mặt xa lạ tôi cũng luôn nghĩ đây đều là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai nên vô cùng thân thiết, cho nên cũng rất tự nhiên mới có thể diễn giảng thoải mái. Do vậy trì câu Phật hiệu có lợi ích rất lớn. Trong buổi diễn giảng lần đầu tiên đó cũng là nhân duyên rất quan trọng, sau này các thầy cô trong trung tâm của chúng tôi phần lớn đều là những người bạn kết giao trong buổi diễn giảng đó.
Cho nên giảng bài có thể dùng cách niệm Phật. Khi cơn tức giận sắp bộc phát cũng có thể dùng cách niệm Phật để chế phục nó, nhưng công phu này nhất định phải rèn luyện trong những lúc bình thường. Rất nhiều bạn bè đều hỏi tôi rằng “thầy niệm Phật vào lúc nào vậy?”. Chúng tôi thường phải đi diễn giảng, một ngày phải dành một, hai giờ cố định để niệm Phật là điều rất khó, đều tranh thủ lúc nào vậy? Lúc nấu cơm thì A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, lúc giặt quần áo thì A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, đều có thể có nhịp điệu. Lúc đi bộ thông thường là hai tiếng một bước, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, chia thành những phần nhỏ như vậy. Cho nên đã là công việc thì phải tìm mọi cách để thành công chứ không phải tìm lý do để thất bại. Có người thường nói việc này tôi không có thời gian, việc kia tôi không có thời gian, kỳ thực thời gian là do con người tìm ra. Khi chúng ta ngồi xuống, người khác nói chuyện thị phi nhân ngã mà không quấy rầy đến bạn thì bạn hãy nhanh chóng tu hành, niệm Phật. Khi đi đứng nằm ngồi thường niệm Phật thì tâm của chúng ta sẽ rất bình tĩnh, cũng giống như một hồ nước vậy, khi bạn có tâm được mất, có tâm sân giận, ý niệm vừa khởi lên thì cũng giống như mặt hồ nổi sóng vậy. Bạn vừa nhìn liền biết được, đột nhiên vọng tâm của mình vừa khởi lên thì lập tức phải cảnh giác, lúc này không sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm, hãy nhanh chóng đè phục nó xuống. Năng lực giác chiếu này có được là nhờ công phu dụng công lúc bình thường, cho nên một câu Phật hiệu cũng có thể làm được “lời nhường nhịn, tức giận mất”.