/ 19
492

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 13


Kính thưa sư phụ, kính thưa các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Chúng ta bắt đầu học phần thứ hai của Đệ Tử Quy, đó là “Xuất tắc đễ”. Câu đầu tiên nói rằng “Anh thương em - em kính anh”, chúng ta cùng nhau đọc:

“Anh thương em - em kính anh - anh em thuận - hiếu trong đó; Tiền của nhẹ - oán nào sanh - lời nhường nhịn - tức giận mất”

Chúng tôi hay hỏi học sinh, đời này người sống cùng chúng em lâu nhất là ai? Là anh chị em. Bởi vì cha mẹ lớn hơn chúng ta mấy mươi tuổi, mà tuổi tác của anh chị em xuýt xoát nhau, cho nên trong số người thân thì chúng ta sống chung với anh chị em lâu nhất, tình nghĩa giữa anh chị em cũng rất đáng quý. Cho nên Thiền sư Pháp Chiêu từng viết một bài thơ tự thuật về tình anh em, trong đó có câu “cùng cây liền cành tự tươi tốt, lời nói thốt ra chớ tổn thương, mỗi lần gặp nhau mỗi lần già, anh em với nhau được mấy hồi; sống chung nhường nhịn ắt an ổn, chớ vì chút lợi mà sanh sự, con cái sanh ra là anh em, để lại tấm gương cho chúng xem”. Chúng ta xem câu đầu tiên, “cùng cây liền cành tự tươi tốt”, cha mẹ giống như thân cây, anh chị em con cháu giống như cành lá mọc từ thân mà ra, cho nên đều là cùng một gốc rễ. Cho nên khi giữa anh chị em có xung đột, cha mẹ chắc chắn sẽ rất đau lòng, cho nên “lời nói thốt ra chớ tổn thương”.

Đến tuổi trung niên thì “mỗi lần gặp nhau mỗi lần già”. Tôi tin là mọi người khi tới tuổi trung niên, có thể là mấy tuần, thậm chí là mấy tháng mới gặp anh chị em của mình, vừa gặp liền nói: sao anh lại nhiều nếp nhăn vậy? Em lại có thêm không ít tóc bạc, “anh em với nhau được mấy hồi”. Lúc anh chị em sống cùng nhau chỉ cần luôn nhường nhịn, nhẫn nhịn thì sẽ “ắt an ổn”, không được vì chút lợi ích nhỏ, chút xung đột nhỏ mà làm lớn chuyện, “chớ vì chút lợi mà sanh chuyện”. “Con cái sanh ra là anh em”, chúng ta cũng có con cái, chúng cũng có anh chị em, cho nên chúng ta phải làm tấm gương tốt cho con cái noi theo, “để lại tấm gương cho chúng xem”. Nếu như anh chị em trong nhà kiện cáo ra tòa, vậy thì con cháu đời sau có thể hưng thịnh hay không? Chắc chắn là “Trong nhà chớ nên tranh kiện, kiện ắt kết cục chẳng lành”, cho nên gia hòa thì vạn sự hưng.

Người thời xưa rất trân trọng, xem trọng tình cảm giữa anh chị em. Vào thời nhà Tấn, có đứa trẻ tên là Dữu Cổn. Đúng lúc nơi Dữu Cổn sinh sống có một trận dịch bệnh, người anh cả qua đời do dịch bệnh, còn một người anh khác đang bị bệnh. Mọi người trong làng đều bỏ đi lánh nạn, cha mẹ em cùng với chú bác cũng định bỏ đi và còn muốn mang em theo. Dữu Cổn liền nói: “Không được! Anh con vẫn đang bị bệnh, con không thể rời bỏ anh được. Em ấy còn nói thêm: “Con không dễ mắc bệnh nên mọi người đừng lo, con muốn ở lại”. Chúng ta thấy rằng các vị Thánh Nhân thời xưa, tấm lòng của họ thực sự đã làm được “Dù có hy sinh bản thân, cũng phải giữ trọn đạo nghĩa”. Thực ra, thái độ như vậy tương ứng với chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Khi em dùng thái độ như vậy để đối mặt với cuộc đời, cho dù là phải mất mạng, em cũng sẽ đi đến nơi tốt đẹp hơn. Nhưng nếu làm trái đạo nghĩa, cho dù là sống sót được, kiếp sau liệu có được nơi tốt đẹp để đi không? Không thể nào! Mà càng quan trọng hơn đó là đời này em sẽ cảm thấy dễ chịu không? Mặc dù sống thêm được mấy mươi năm nhưng cũng thấy có lỗi với lương tâm. Mà chỉ có các vị Thánh Nhân có tấm lòng hi sinh bản thân giữ trọn đạo nghĩa mới có thể biểu diễn vở kịch hay của cuộc đời, mới có thể biến chiến tranh thành hòa bình, mới có thể gặp hung mà hóa kiết.

Những câu chuyện mà chúng ta nghe trước đây, còn có những câu chuyện sau này đều đang ấn chứng một điều, chân thành có thể cảm thông, bậc chí thành giống như thần linh. Sau đó Dữu Cổn ở lại chăm sóc anh trai, buổi tối còn đi cúng bái trước mộ của người anh đã mất, vừa cúng bái vừa khóc lóc một mình. Qua mấy mươi ngày thì bệnh của anh trai liền khỏi. Mọi người cảm thấy vì sao lại khỏi? Khi anh em có tình nghĩa như vậy, mỗi bát thuốc bưng đến đều được gia trì, sự gia trì của đạo nghĩa, ân nghĩa trong đó nên uống vào rất hiệu quả. Cho nên anh trai mới khỏi bệnh, mà Dữu Cổn cũng không bị bệnh. Cha mẹ trở về nhìn thấy hai đứa con vẫn còn sống, vui mừng khôn xiết. Dữu Cổn đã thể hiện tình anh em vào thời nhà Tấn.

/ 19