353

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 12

 

Kính thưa sư phụ, các vị pháp sư, các vị đồng học, xin chào mọi người!

A Di Đà Phật!

Năm đầu tiên tôi dạy học cũng để cho học sinh đọc Đệ Tử Quy, khi tôi nghe được âm thanh đọc sách lanh lảnh của chúng, trong lòng vô cùng cảm động, bởi vì học sinh có thể tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền sớm hơn tôi mười mấy năm. Tôi còn nhớ khi tôi hiểu được tầm quan trọng của Đệ Tử Quy, tôi cầm theo sách rồi lái xe mấy giờ đồng hồ đến nhà anh trai kết nghĩa của tôi, bởi vì hai đứa con gái của anh ấy, một đứa học lớp hai, một đứa học lớp bốn. Đi đến Đài Trung, tôi hẹn anh ở một quán cơm, còn chưa kịp ăn tôi đã bắt đầu đọc từng câu cho anh nghe, giảng cho anh nghe. Ví dụ như “Cha mẹ gọi - trả lời ngay”, việc nuôi dưỡng tâm cung kính cho con trẻ vô cùng quan trọng đối với một đời của chúng, nếu như không nuôi dưỡng tâm cung kính thì hậu hoạn vô cùng. Cứ như vậy tôi giải thích tầm quan trọng, tầm ảnh hưởng của từng câu một cho anh kết nghĩa của tôi nghe.

Mới nói được một nửa, đột nhiên trong lòng tôi cảm thấy thương cảm nên bật khóc. Anh trai tôi bị dọa sợ, anh cũng không nói gì, đợi tôi bình tĩnh lại anh mới nói: anh nghe giáo sư đại học giảng bài, cũng không ai giảng thành bộ dáng giống như em. Tôi giải thích cho anh nghe, mới được một nửa thì cảm thấy đời này của tôi, tại sao lúc học tiểu học không có thầy cô nào dạy tôi điều này? Nếu như từ nhỏ có thầy cô dạy đạo lý làm người làm việc cho tôi, cuộc đời của tôi sẽ bớt phải đi đường vòng một cách oan uổng. Thực ra một người đi đường vòng, chỉ lãng phí thời gian và sức lực của chính mình, nhưng mà trong quá trình đi đường vòng, không biết là lời nói, hành vi lại phạm biết bao nhiêu lỗi lầm, lại làm tổn thương biết bao người yêu thương quan tâm mình. Mà làm tổn thương trái tim của những người yêu thương mình thì có thể lấy lại lại được không? Rất khó! Cho nên cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Bởi vì cuộc đời có sự nuối tiếc như vậy, nên tuyệt đối không muốn đời sau của chúng ta, học sinh của chúng ta lại phải nuối tiếc như vậy nữa. Mỗi khi tôi nghe học sinh đang đọc tụng đều cảm thấy rất cảm động. Mọi người hãy để cho sự nuối tiếc chỉ dừng lại ở chúng ta, đừng để cho đời sau cũng tiếc nuối như vậy nữa.

“Cha mẹ lỗi - khuyên thay đổi”, chúng ta vừa nói tới quan hệ cha con phải khuyên can như thế nào, quân thần, còn có vợ chồng, tiếp theo là quan hệ thứ tư, khuyên can giữa anh chị em. Anh chị em cũng khá thân thiết, thân mật, cho nên khi anh chị em có lỗi lầm, chúng ta cũng phải tận lực mà khuyên can, đương nhiên thái độ và phương pháp khuyên can cũng rất quan trọng. Lúc nãy chúng ta có nói tới ví dụ thời xưa thời nay, quan trọng nhất là từ những gì họ thể hiện mà học được bản lãnh trong đó.

Thời nhà Minh có một người đọc sách tên là Trần Thế Ân, em trai của ông ngày ngày chơi bời lêu lổng, rất muộn mới trở về nhà. Anh trai cả của ông mỗi khi nhìn thấy em trai về nhà muộn đều nghiêm khắc trách mắng. Mọi người cảm thấy có hiệu quả không? Đã lớn như vậy rồi mà mắng như vậy thì khó mà tiếp nhận được. Cho nên Trần Thế Ân nói với anh trai của mình, để em khuyên thử xem! Hôm đó Trần Thế Ân đợi ở ngoài cửa, em trai rất trễ mới trở về, vừa nhìn thấy em trai lập tức bước đến nắm tay nói với em là: Thời tiết lạnh như vậy, em mặc có đủ ấm không? Sau đó đưa em vào nhà, tự mình đóng cửa rồi nói tiếp với em: chắc em đói lắm rồi phải không, để anh nói chị dâu nấu cho em một bát mì. Một ngày trôi qua như vậy, những ngày sau đó Trần Thế Ân đều đứng ở cửa đợi em trai về, vừa nhìn thấy em trai trở về liền quan tâm yêu thương một cách rất chân thành. Khoảng một tuần sau, em trai của ông không ra ngoài trễ như vậy nữa mà về nhà rất sớm. Đương nhiên nếu em trai không còn chơi bời lêu lổng, nhất định phải mau chóng dạy em kinh điển Thánh Hiền, như vậy mới là kế sách lâu dài. Trong Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn có câu “con cháu tuy ngu dốt, kinh điển không thể không đọc”, con người không có chí hướng là bởi vì không được học giáo dục Thánh Hiền. Cho nên dùng tâm yêu thương chân thành mà xoay chuyển em trai, cho nên làm anh trai phải từ ái.

Còn câu chuyện khuyên em trai, thời nhà Hán có một người đọc sách tên là Trịnh Quân. Ông thấy anh trai mình làm quan nhận hối lộ của người khác, trong lòng ông rất buồn, nhưng mà ông là em trai thì có thể mắng anh trai không? Anh trai sẽ không thể tiếp nhận. Ông dùng thời gian một năm đi làm công việc quét dọn cho người khác, đi làm nô bộc cho người khác, số tiền kiếm được trong một năm đưa cho anh trai. Ông nói: chúng ta không có tiền thì có thể kiếm, nhưng mà danh dự của một người nếu mất đi thì cả đời này sẽ bị hủy hoại. Anh trai thấy ông kiếm tiền vì mình, lại chấp nhận hạ mình làm nô bộc cho người khác, có thể kiếm tiền hợp pháp như vậy, không lười biếng, cái tâm khuyên anh trai của ông đã khiến anh ông cảm động, từ đó anh trai ông trở nên vô cùng liêm khiết. Cho nên giữa anh em với nhau chúng ta cũng phải phương tiện thiện xảo mà khuyên can, mà quan trọng nhất là đức hạnh của chúng ta, tâm yêu thương của chúng ta. Cho nên trong Liễu Phàm Tứ Huấn có câu, nếu như chúng ta không cách nào làm người khác cảm động, thì phải nhớ đến “Đức hạnh chưa tu”, nên “Cảm động chưa tới”.