281

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

Lão pháp sư Tịnh Không giám định

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Từ ngày 6/3 đến 13/3/2005 tại Học Viện Tịnh Tông Úc Châu.

Tập 11

 

Sư phụ thượng nhân tôn kính, các vị pháp sư, các vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người!

A Di Đà Phật!

Buổi trưa hôm nay mọi người biểu hiện vô cùng tốt, cũng là thực hành câu “cha mẹ thích, dốc lòng làm” trong "Đệ Tử Quy". Sư trưởng dặn dò chúng ta phải cố gắng học tập, chúng ta thật sự cũng làm được rồi. “Cha mẹ thích” là trong tâm cha mẹ rốt cuộc muốn chúng ta quan tâm như thế nào trên phương diện thân và tâm thì chúng ta cũng cần phải nhạy cảm. Các vị đồng học có biết cha mẹ thích ăn món nào nhất không? Dường như những người tương đối lớn tuổi đều luôn gật đầu, còn những người trẻ tuổi thì có thể không biết. Tôi cũng từng hỏi học trò như vậy “các em có biết cha mẹ thích ăn gì không?”. Các bạn nhỏ đều ngồi suy nghĩ mãi. Chúng tôi lại đổi sang vấn đề khác hỏi chúng “mẹ có biết các em muốn ăn món gì không?”. Chúng không cần suy nghĩ liền nói mẹ biết em thích ăn món này, em thích ăn món kia. Tiếp theo chúng tôi nói với học sinh rằng “các em xem, mẹ lúc nào cũng biết các em thích ăn món này món kia còn các em lại không biết mẹ thích ăn món gì. Chúng ta thật sự không công bằng, không quan tâm tới cha mẹ rồi”.

Thời nhà Hán có một người đọc sách tên là Thái Thuận. Một hôm ông ra ngoài hái quả dâu. Mẹ ông thích ăn quả dâu. Ông liền lấy hai chiếc giỏ, một giỏ đựng dâu màu đen, màu tím, còn một giỏ thì đựng những trái màu đỏ. Các vị đồng học vì sao phải chia thành hai giỏ? Kết quả tôi kể câu chuyện này ở Hải Khẩu nhưng Hải Khẩu không có quả dâu, học sinh chưa từng nhìn thấy quả dâu, cho nên trong khi dạy học chúng ta cũng phải tìm hiểu hoàn cảnh sinh sống của học trò xem chúng có biết những thứ này không? Bởi vì quả dâu tương đối chín thì có màu đen, màu tím, còn tương đối đỏ là vẫn chưa chín. Đúng lúc trên đường trở về nhà thì Thái Thuận gặp phải bọn cướp. Bọn cướp thấy rất khó hiểu liền bắt ông lại rồi hỏi ông “ngươi hái dâu vì sao phải chia thành hai giỏ?”. Ông liền nói “bởi vì quả chín sẽ tương đối ngọt, cho nên tôi muốn giữ lại cho mẹ tôi ăn, còn giỏ bên này chưa chín lắm thì tôi giữ lại để mình ăn”. Cho nên Thái Thuận đã làm được “cha mẹ thích, dốc lòng làm” rồi. Bọn cướp nghe xong cảm thấy rất cảm động liền thả ông đi.

Các em à, bọn cướp đều giết người không chớp mắt tại sao lại thả ông đi? Vì sao vậy? Bởi vì hiếu tâm của Thái Thuận đã thức tỉnh hiếu tâm của bọn cướp. Cho nên chúng ta phải tin rằng “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Chỉ cần chúng ta có đức hạnh tốt, người dù ác đến đâu cũng sẽ được cảm hóa. Cho nên khi chúng ta đối diện với người xấu có cần chỉ trích họ không? Có cần mắng họ không? Không cần, quan trọng nhất là bản thân phải làm tốt để ảnh hưởng họ, để ảnh hưởng xã hội này.

Bọn cướp vì rất cảm động nên đã đem gạo và một số thứ tặng cho ông. Các vị đồng học, có được lấy không? Bọn cướp nói “mang những thứ này về phụng dưỡng mẹ ngươi đi”, có được lấy hay không? Việc này cũng phải dạy cho trẻ sức phán đoán. Nếu như Thái Thuận nói “vâng, tôi xin nhận”. Ông mang về nhà vừa đặt xuống, vừa ngồi xuống thì đột nhiên quan viên trong quan phủ đến, vừa vào cửa liền thấy gạo nhà Trương Tam tại sao ở nhà ông? Rau nhà Lý Tứ vì sao ở nhà ông? Lúc này thì nhân chứng vật chứng như thế nào đều đầy đủ, dù có một trăm cái miệng cũng không biện bạch được. Cho nên muốn lấy đồ của bất kỳ người nào nhất định phải nghĩ xem nguồn gốc của những vật này có rõ ràng không? Nên Khổng Phu Tử đã nói “Quân tử có chín điều phải suy nghĩ”. Có chín phương diện mà người quân tử lúc nào cũng phải quán chiếu, phải suy xét. Trong chín điều này có nhắc đến “được lợi phải xem có đáng nhận không”. Bạn nhận được bất cứ đồ vật gì trước tiên phải nghĩ xem nguồn gốc của nó có phù hợp đạo nghĩa không? Nếu không phù hợp với đạo nghĩa thì tuyệt đối không được lấy, gọi là “quân tử thích tiền tài nhưng đều dùng những cách chính đáng để đạt được”.

Cho nên khi chúng ta kể chuyện cho trẻ nghe bên trong lồng ghép bao nhiêu đạo lý? Thứ nhất “cha mẹ thích, dốc lòng làm”. Đạo lý thứ hai là “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, chúng ta nên dùng đức hạnh để cảm hóa họ. Đạo lý thứ ba là “được lợi phải xem có đáng nhận không”, quân tử thích tiền tài nhưng đều dùng những cách chính đáng để đạt được. Khi chúng ta kể chuyện cho học trò nếu không làm rõ những đạo lý này thì học trò chỉ lưu lại ấn tượng là cảm thấy mình đã từng nghe câu chuyện này rồi. Nhưng nếu chỉ nói đạo lý không kể những câu chuyện thì người thông thường nghe đạo lý lâu rồi rất có thể sẽ bị hôn trầm, không thể tiếp thu được. Cho nên chúng ta phải dung hợp lý và sự lại với nhau. Nếu kể chuyện mà lý sự viên dung thì người nghe, học sinh sẽ tiếp thu được rất tốt, cho nên “cha mẹ thích, dốc lòng làm”.