/ 40
285

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 8

Buổi sáng hôm nay mọi người có đọc qua một lần “Đệ Tử Quy” hay không ạ? “Có!”. “Hiếu học cận hồ trí” (thích học là đã gần với trí tuệ). Chỉ cần mọi người duy trì cái tâm ham học này, thì đạo đức học vấn nhất định có thể thành tựu. Socrates là một triết gia rất nổi tiếng của Phương Tây. Lần đầu tiên ông đến lớp dạy học trò, ông đã nói với học trò rằng, hôm nay ông chỉ dạy một động tác rất đơn giản, đó là đưa tay ra phía trước mặt, sau đó hất tay ra phía sau. Vẫy tay như vậy ba trăm lần. Sau khi dạy xong, ông nói với học trò: “Các em mỗi ngày phải làm một lần”. Học trò cảm thấy thế nào? Quá đơn giản! Một tháng sau, ông hỏi lại: “Hiện nay ai vẫn còn tập vẫy tay thì giơ tay”. Khoảng chừng trên dưới 90% học trò giơ tay. Hai tháng sau ông lại hỏi nữa, còn khoảng 30%. Một năm sau ông hỏi nữa, kết quả chỉ còn lại một người duy nhất vẫn làm. Người đó là ai vậy? Đó là Plato, vị truyền nhân của Socrates, nhà triết học quan trọng thứ hai của phương Tây.

Trong sự khải thị này của ông Socrates, chúng ta đã biết được, thực ra việc quan trọng nhất trong cầu học vấn chính là phải kiên trì. Nếu mỗi ngày chúng ta chia Kinh điển Thánh Hiền ra từng phần nhỏ để thâm nhập, thì như sức của giọt nước nhỏ lâu ngày mài mòn đá, tất có thể có được thành tựu. Chúng ta cần phải giữ thái độ học tập như vậy. Ví dụ mỗi ngày học thuộc ba đến năm câu trong “Luận Ngữ”, như vậy sau một năm quý vị có thể thuộc lòng cả quyển “Luận Ngữ” rồi. Vì thế, chúng ta nhất định phải duy trì thái độ học tập như vậy. 

Sau mỗi lần diễn giảng, tôi thường giao lưu với rất nhiều thầy cô giáo. Tôi đã hỏi họ rằng: “Trong cuộc đời của các vị, có lúc nào các vị chăm chỉ, chịu khó học tập hơn so với năm ngày vừa qua không?”. Họ đều nói: “Không!”. Họ đều cảm thấy từ trước tới giờ, năm ngày này là khoảng thời gian học tập chuyên chú nhất. Tôi nói: “Đây mới chỉ là bắt đầu chứ không phải là kết thúc. Hãy nên duy trì thái độ học tập như vậy”. 

Có một vị chủ nhiệm phòng giáo vụ, sau khi đến dự năm ngày xong thì mời tôi đến trường của ông để diễn giảng. Ông nói, những điều ông ghi chép trong năm ngày này còn vượt hơn cả những gì mà ông ghi chép trong bốn năm học đại học. Vì vậy, tiềm lực học tập thật sự của một con người là không có giới hạn. Nhưng tại sao trong năm ngày này khả năng học tập của ông có thể tốt đến vậy? Nguyên nhân là bởi vì ông cảm thấy học vấn của Thánh Hiền thực sự có thể lợi ích cho học sinh, cho nên nó đã khơi dậy cảm giác phải có sứ mạng ở nơi ông. Vì vậy, nhân sinh có chí hướng tất có thể khởi phát tiềm lực. 

Ngoài việc kiên trì, ta phải nỗ lực thực hành.

Hôm qua chúng ta đã học đến “Cha mẹ gọi, trả lời ngay; Cha mẹ bảo, chớ làm biếng; Cha mẹ dạy, phải kính nghe; Cha mẹ trách, phải thừa nhận”. Điều quan trọng nhất trong đoạn Kinh văn này là tâm cung kính đối với cha mẹ, bất kể là một lời nói hay một hành động. Đồng thời, tâm cung kính không chỉ với cha mẹ, mà còn đối với mọi người xung quanh, với bất cứ ai đều không thể thiếu cung kính. 

“Cha mẹ gọi” là một sự yêu cầu, một mệnh lệnh, chúng ta phải lập tức có mặt. Đồng thời, trong khi nói chuyện với cha mẹ, chúng ta cũng phải “mặt ta vui, lời ta dịu”. Có những lúc ngoài mặt đang nói chuyện với cha mẹ, tuy không to tiếng lắm, nhưng trong lòng có cảm giác mất bình tĩnh. Những lúc này chúng ta phải luôn luôn quán chiếu tâm của mình. Nếu có lúc mất bình tĩnh thì phải nhanh chóng sửa đổi lại. Vì thế, chỗ để hạ thủ căn bản nhất trong đạo đức học vấn là thời thời có thể quán chiếu được cái tâm của chính mình, khi có ý niệm không đúng phải lập tức sửa đổi, thì hành vi và lời nói của chúng ta sẽ không thể nào sai lạc quá lớn. 

Có một lần tôi đến thăm người bạn, đúng lúc anh gặp phải vấn đề về một lựa chọn trong cuộc đời, đó là anh muốn chuyển từ trường đại học tư thục sang trường đại học công lập. Anh đang báo cáo sự lựa chọn của mình với cha, hy vọng người cha có thể ủng hộ quyết định của mình. Khi tôi đến thì anh ấy mới nói được nửa câu chuyện với cha. Anh liền nói: “Mời bạn ngồi, tôi phải nói xong chuyện này với cha tôi trước nhé”. Tôi ngồi ngay bên cạnh. Nhìn thấy người con đang cung cung kính kính báo cáo với người cha tình trạng công việc hiện giờ của mình một cách say sưa liên tục và với thái độ lễ kính như vậy, đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Tôi tin rằng con cái của anh được hun đúc trong một gia đình như vậy cũng sẽ trở thành một người quân tử. Chúng ta nghĩ lại một chút, những thanh niên ngày nay khi đưa ra quyết định nào đó trong cuộc đời họ có đi hỏi ý kiến của cha mẹ hay không? Có đem tình trạng của chính mình nói rõ ràng với cha mẹ để cha mẹ giảm bớt sự lo lắng hay không? Nếu như cha mẹ thường xuyên không biết con cái họ đang làm những gì, thì không biết họ đã tổn hao bao nhiêu tâm sức vì lo lắng. Cho nên, khi một người chân thật hết sức khiêm cung đối với cha mẹ, thì thực sự sẽ cảm động đến những người ở xung quanh. 

/ 40