/ 40
434

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 7

Anh lập tức đến trước mặt tôi, nói: “Cả đời này tôi chỉ lạy cha mẹ, chỉ lạy thầy”. Tôi thấy có gì đó bất ổn, lập tức đứng bật dậy. Xác xác thực thực là do giáo huấn của Thánh Hiền đã khiến anh rất cảm động, chúng tôi không có công lao gì, vì vậy không thể nhận được. Người đàn ông bốn mươi tuổi nắm một cái đã giữ chặt đôi tay mảnh khảnh của tôi. Tôi không biết làm sao. Tôi thấy anh thành tâm vậy, nên trong lòng cũng thấy yên tâm, đành thành toàn cái tâm cung kính này của anh. Chúng tôi cũng cảm nhận được trách nhiệm trên vai chúng tôi rất nặng. Hi vọng thông qua những khóa trình này của chúng tôi có thể thật sự khiến cho càng nhiều người hiểu được, chân thật cổ Thánh tiên Hiền của chúng ta thật là vĩ đại. Cổ Thánh tiên Hiền nhất định có thể khiến chúng ta thông qua những giáo huấn của họ làm cho gia đình thế kỷ 21 sau này hòa thuận vui vẻ, xã hội an định.

Các vị bằng hữu, cho dù các vị hiện tại đã bốn - năm mươi tuổi, cho dù con cái các vị đã hơn hai mươi tuổi rồi cũng không nên lo, lòng thành sẽ cảm động đến đất trời. Chỉ tự hỏi đạo đức học vấn của mình đủ hay không, tuyệt đối không nên lo lắng người khác không thể thay đổi.

Tại sao con trẻ lại lười biếng, căn nguyên ở đâu? Các vị bằng hữu, tôi thấy các vị bây giờ cũng rất giỏi phân tích. Trẻ em lười biếng không thể nào do lớn lên rồi mới hình thành thói quen lười biếng, mà gọi là “thói quen hình thành từ bé, quen rồi thành tự nhiên”. Tại sao cần phải dạy con càng sớm càng tốt? Là vì một khi thói quen đã được hình thành rồi thì rất khó mà sửa được.

Tôi còn nhớ, khi còn nhỏ, đứa cháu trai của tôi nhìn thấy mẹ của mình đang lau bàn được một nửa thì có việc khác phải làm trước, nó liền chạy đến cầm khăn lên bắt chước lau theo. Một lúc sau thì chị tôi quay trở lại.

Các vị bằng hữu, nếu là các vị thì sẽ xử lý thế nào? Chị của tôi liền nói với con của mình rằng: “Vỹ Vỹ à! Con còn rất nhỏ mà đã biết hiếu thảo với cha mẹ rồi, còn biết giúp đỡ mẹ lau bàn. Con ngoan quá!”. Cháu vốn chỉ lau qua như vậy, nhưng sau đó càng lau càng hăng say. Vì vậy, trẻ em rất cần sự khích lệ của chúng ta. Có được sự công nhận và cổ vũ thì sẽ kích thích tiềm năng của chúng phát triển. Sau khi cháu lau xong, mẹ của cháu lại nói: “Tiểu Vỹ à, nếu như bốn cái cạnh và góc bàn cũng được lau sạch một cách tỉ mỉ, thì cái bàn này con đã lau sạch hoàn hảo rồi”. Một là khẳng định tâm hiếu của cháu, hai là dạy cháu phương pháp làm việc. Vì thế mà đứa cháu này của tôi rất thích sạch sẽ, mới ba, bốn tuổi đã tự mình xếp chăn mền. Xem ra thì cũng sạch sẽ, gọn gàng lắm! Cho nên, dạy cho chúng thái độ đúng đắn ngay từ nhỏ là rất quan trọng.

Lúc đó, giả sử người mẹ này chạy đến rồi nổi giận đùng đùng: “Trời ơi! Con làm gì vậy? Tránh ra mau! Đừng có phá phách như vậy nữa!”. Tay của các vị đẩy chúng ra hai, ba lần như vậy, sau này chúng còn làm nữa hay không vậy? Sẽ không làm nữa. Vì vậy, cha mẹ phải nắm bắt lấy thời cơ để dạy dỗ chúng, nếu không thì sẽ lỡ mất rất nhiều cơ hội tốt. Đến khi chúng không biết giúp đỡ việc nhà, các vị nổi giận thì cũng không ích gì.

Rất nhiều phụ huynh đã nói: “Con chỉ cần học hành cho tốt là được rồi, những việc khác đều không cần phải làm”, như vậy có được hay không? Các vị xem, chúng chỉ biết học hành, những việc khác đều không làm, như vậy chúng có tin tưởng vào khả năng làm việc của mình hay không? Không tin tưởng. Chúng càng không tin tưởng thì chúng sẽ càng không dám gánh vác công việc. Càng không gánh vác thì có tinh thần trách nhiệm hay không? Sẽ không có. Đây đều có mối quan hệ chặt chẽ. Chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo.

Con trẻ lao động nhiều thì sẽ rất có ích đối với gân cốt của chúng. Trong những lúc lao động, trẻ con cũng sẽ cảm nhận được: “Thì ra mẹ chăm lo cho gia đình thật không dễ dàng”; “Mình mới lau cái phòng khách thì đã mệt rồi, mẹ vừa phải đi làm, trở về lại nấu cơm và làm bao nhiêu là việc”. Trẻ vừa lau, vừa cảm ân trong lòng. Vì vậy tục ngữ nói: “Tích lao”. Chúng chân thật ra sức, chân thật lao động mới biết cảm ân, mới cảm nhận được sự vất vả. Thế nên không thể để trẻ em không lao động, tuyệt đối không thể để chúng tập thành thói quen lười biếng.

/ 40