362

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 6

PHẦN HAI: CHÁNH VĂN GIẢNG GIẢI

PHẦN TỔNG TỰA

Kinh văn:

“Đệ tử quy, Thánh nhân huấn: Thủ hiếu đ, thứ cẩn tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hữu dư lực, tắc học văn”.

“Phép người con, Thánh nhân dạy: Hiếu đễ trước, kế cẩn tín, yêu bình đẳng, gần người nhân, có dư sức thì học văn”.

Tiết học trước chúng ta đã bước vào phần Kinh văn của “Đệ Tử Quy”. Trong phần Tổng Tựa của “Đệ Tử Quy”, chúng ta đã nói đến “Đệ Tử” không chỉ nói về trẻ nhỏ, mà mỗi một người học sinh muốn học tập giáo huấn của Thánh Hiền đều được xưng là “Đệ Tử”. Chữ “Quy” là quy phạm, chúng ta tuân thủ quy phạm này thì có thể khiến cho đức hạnh của chúng ta ngày một nâng cao

  1. “Đệ Tử Quy, phép người con, Thánh nhân dạy

Đây là giáo huấn của Thánh Hiền. Giáo huấn này được trích lục ra từ trong giáo huấn của Khổng Phu Tử. Chúng ta xem thấy câu này ở trong “Luận Ngữ”, phần “Học Nhi Đệ Nhất”.

  1. “Hiếu đễ trước

“Thủ hiếu đễ” (Hiếu đễ trước), chữ “thủ” này chính là nói đến căn bản làm người là ở hiếu đạo và đễ, thương yêu anh em, chị em, tôn kính trưởng bối, “Hiếu”“Đễ”. Ở trong “Đễ” còn bao gồm một thái độ rất quan trọng, chính là tâm cung kính, cung kính đối với trưởng bối. Đạo đức, học vấn của một người đều là từ trong “hiếu” “kính” mà không ngừng nâng cao, không ngừng lưu lộ ra. Kỳ thật, một người chỉ cần làm được “hiếu”“đễ” thì tin tưởng họ có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Các vị cảm thấy nói như vậy có quá khoa trương hay không? Kỳ thật “đại đạo chí giản”, những đạo lý thâm sâu kỳ thật đều là rất căn bản, rất đơn giản.

Chúng ta hồi tưởng lại lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc, triều đại nào có lịch sử lâu nhất, quốc vận hưng thịnh nhất? Đó là triều nhà Chu. Bao nhiêu năm vậy? 800 năm. Vậy xin hỏi: Vì sao triều nhà Chu có thể kéo dài đến được 800 năm? Dựa vào cái gì vậy? “Hiếu”“Đễ”. Chúng ta chỉ đọc qua “Triều nhà Chu 800 năm” nhưng không biết được tại vì sao. Chúng ta cũng thường xem thấy con cháu của người khác và tán thán tại vì sao ưu tú đến như vậy! Chỉ nhìn thấy kết quả thì không có lợi ích lớn cho chính mình, nhất định phải tìm ra được nguyên nhân thì chúng ta mới có thể có được khải thị rất tốt từ trong đó.

Triều nhà Chu, khai quốc là Chu Văn Vương, Chu Võ Vương. Ông nội của Chu Văn Vương là Thái Vương. Thái Vương sinh ra ba người con trai, anh cả là Thái Bá, anh thứ hai là Trọng Ung, người thứ ba là Vương Quý. Vương Quý sinh ra Chu Văn Vương. Chu Văn Vương lại sinh ra Chu Võ Vương và Chu Công. Khi Chu Văn Vương mới được sinh ra, Thái Vương vừa nhìn thấy đã cảm thấy Chu Văn Vương có tướng Đế Vương, có tướng Thánh Chủ. Thế nhưng phụ thân của Chu Văn Vương xếp ở hàng thứ ba. Kết quả là người bác lớn của ông là Thái Bá nhìn thấy nét mặt vui tươi của cha mình khi trông thấy cháu nội thì hiểu rõ phụ thân của ông muốn đem ngôi vua truyền cho đứa cháu nội này. Thái Bá rất hiểu tâm cảnh của phụ thân, nên ông không nói không rằng, lấy lý do giúp phụ thân đi hái thuốc rồi hẹn với em kế của ông là Trọng Ung cùng nhau đi lên núi. Sau khi đi rồi thì họ không trở lại nữa. Bởi vì họ hy vọng phụ thân có thể thực hiện được ý nguyện của mình, không cần phải bận lòng bởi vì ông là con lớn, để cha mình có thể trực tiếp truyền ngôi cho con trai thứ ba là Vương Quý, sau đó Vương Quý truyền ngôi cho Chu Văn Vương.