/ 40
326

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 5

Phần trước chúng ta nói đến trong gia đình có hai vấn đề chủ chốt rất quan trọng: Một vấn đề là kinh tế, chính là đời sống vật chất; vấn đề còn lại là đời sống tinh thần, về phương diện dạy con. Tình hình gia đình hiện nay đều là vợ chồng cùng nhau kiếm tiền. Phần lớn trẻ nhỏ đều được gửi vào nhà trẻ, hoặc giao cho người giúp việc, hoặc giao cho ông bà nội giữ cháu. Trí tuệ của nhân sinh từ chỗ nào mà nhìn thấy? Từ trong lấy - bỏ mà thấy ra được. Có xả mới có đắc. Bớt kiếm tiền lại, giáo dục con cái nhiều hơn hay là quý vị muốn kiếm được nhiều tiền rồi lơ là giáo dục trẻ nhỏ? Kết quả có được nhất định sẽ không như nhau.

Chúng ta so sánh người đời trước, người năm mươi - sáu mươi tuổi so với người chúng ta hiện tại hai mươi - ba mươi tuổi thì sẽ thấy sự khác nhau. Người thời trước rất có lòng trách nhiệm, rất hiếu thuận cha mẹ. Còn đời này của chúng ta thì sao?

Quý vị thân mến! Xin mọi người đừng khách sáo! Xin hãy nói thẳng ra! Người thời nay có thái độ đời sống giống người thời trước hay không? Là tiến bộ hay là suy thoái? Suy thoái. Đời trước có tiền hay là người đời này chúng ta có tiền? Người đời này chúng ta có tiền. Vì sao có tiền mà thái độ nhân sinh lại suy thoái? Như vậy thì có tiền không nhất định sẽ giải quyết được vấn đề.

Thời đại của cha tôi, trên cơ bản đều rất nghèo. Bởi vì rất nghèo, cho nên mọi người đặc biệt tiết kiệm. Nhớ lại lúc nhỏ, mỗi khi ăn cơm, đồ ăn còn thừa đều là cha và mẹ gắp ăn. Bởi vì họ đều đã rất quen tiết kiệm rồi, không thể lãng phí thức ăn. Cuộc sống tương đối tiết kiệm thì thứ nhất tạo thành thói quen tiết kiệm, thứ hai là đời sống càng khó khăn thì con người càng biết cảm ân cha mẹ, thương yêu anh em, chị em. Vì vậy, thời đại của cha tôi, khi đi học đều không phải là do cha mẹ thúc đẩy, mà đều là chính bản thân tích cực chủ động. Bởi vì họ hi vọng thông qua học tập có được thành tựu về học vấn, có thể làm cho cha mẹ trải qua những ngày tháng tốt đẹp về sau. Quý vị thấy, đời sống nghèo khổ, đời sống thiếu thốn làm cho người càng có chí khí, càng có hiếu tâm. Cho nên chúng ta phải cảm ơn nghèo khổ.

Còn thế hệ ngày nay, bởi vì từ nhỏ đời sống đã rất dư giả, muốn thứ gì có thứ đó, cho nên quen thói phung phí, quen thói tiêu tiền, lại không biết hiếu đạo, không có sự tôi luyện và gánh vác trong cuộc sống. Do đó, thế hệ này của chúng ta không chỉ tiêu xài hết số tiền mình kiếm được, mà còn tiêu tiền của cha mẹ. Làm sao các vị biết vậy? Rất nhiều thanh niên đã có thói quen phung phí, hưởng thụ đến mức độ tiền lương của một tháng vừa cầm trên tay thì họ lập tức:Chúng ta phải đi shopping thôi”, có thể đem tiền lương của cả một tháng tiêu hết trong 15 ngày đầu rồi. Những ngày tháng sau đó thì họ ăn mì ăn liền. Thế nhưng sau đó vẫn không thể tiếp tục duy trì cuộc sống, họ trở về tìm người cha già và nói: “Cha ơi! Con hết tiền rồi”. Cha của họ rất tức giận: “Đã nói với con không nên xài phung phí, thế mà con không nghe. Đến đây! Muốn bao nhiêu?”.Vẫn là đưa tiền cho con. Đời sống dư giả không chắc là có thể mang đến cho trẻ nhỏ thái độ nhân sinh chuẩn xác!

Thời xưa có rất nhiều người đi học thấy rõ được điểm này. Khi triều Hán mở nước, Lưu Bang thống nhất thiên hạ, đã phân phong rất nhiều đất đai cho hơn 100 công thần. Trải qua 100 năm, sử học gia của triều Hán đột nhiên suy nghĩ là đi tìm hiểu xem đời sau của 100 vị công thần này trải qua 100 năm sẽ như thế nào? Kết quả nhà sử học này rất là kinh ngạc: Con cháu đời sau của 100 vị công thần này trên cơ bản đều đã đọa lạc, rất nhiều người lưu lạc trên đường đang đi xin ăn. Chỉ có mấy người đời sau này vẫn còn rất tốt, trong đó có người đời sau của một người tên là Tiêu Hà.

Lúc đầu khi phân phong đất đai, Tiêu Hà muốn nhận một miếng đất rất xấu, bởi vì miếng đất xấu thì chỉ cần không canh tác thì không có cơm ăn. Ông đã nghĩ kế lâu dài, hi vọng con cái của ông về sau biết cần lao, tiết kiệm. Những người khác được phân đất tốt thì thích ăn mà lười làm. Hơn nữa, chúng ta ưa thích đất tốt thì người khác cũng ưa thích, nên cũng có rất nhiều người thèm khát, có rất nhiều người nghĩ cách hãm hại. Tiêu Hà thấy ra được điều đó. Không nên để tiền lại cho con cháu, mà quan trọng hơn là phải lưu lại trí tuệ cho con cháu, lưu lại tấm gương tốt cho con cháu.

Tiên sinh Tư Mã Quang đã từng nói: “Để tiền lại cho con cháu chưa chắc con cháu có thể giữ được; để sách lại cho con cháu, con cháu chưa chắc có thể đọc; không bằng trong âm thầm để lại âm đức cho con cháu, là cách tính dài lâu cho con cháu”. Trong “Kinh Dịch” có một câu giáo huấn rất quan trọng: “Nhà tích điều thiện ắt thừa niềm vui”. Âm đức nhất định có thể che chở cho con cháu đời sau. Âm đức không chỉ có thể che chở cho con cháu đời sau, mà ngay khi chúng ta làm việc thiện, ngay trong quá trình chúng ta lập thân hành đạo đã làm ra “thân giáo” tốt nhất cho con cháu đời sau. Đây là cha mẹ có trí tuệ nên biết chọn lựa như vậy.

/ 40