/ 40
659

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 28

Chúng ta bắt đầu vào chương thứ tư nói về “tín”, đã nói đến chữ “tín” trong lời nói của một người. “Phàm nói ra” phải “tín trước tiên”. Tín còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn, đó chính là tín nghĩa, là nghĩa vụ. Bổn phận làm người của một người không cần phải nói ra nhưng họ luôn để ở trong tâm không lúc nào quên.

Phần trước chúng tôi có nói đến mối quan hệ cha con. Rất nhiều người con hiếu cho dù xa mẹ đã năm mươi năm, trong khoảng thời gian xa cách đó họ vẫn luôn hy vọng tìm được mẹ để có thể hết lòng phụng dưỡng. Vì vậy, sau này trời cao đã không phụ lòng người.

Thời nhà Tống, Chu Thọ Xương cũng tìm được mẹ của ông một cách thuận lợi. Không chỉ đón mẹ về phụng dưỡng, mà ngay cả em trai, em gái cùng mẹ khác cha ông cũng đón về nhà chăm sóc. Người đọc sách luôn luôn đem bổn phận đặt ở trong tâm.

Khi ở Úc, mỗi lần nghe cô Dương giảng những câu chuyện về “Giáo Dục Đạo Đức”, tôi đều chảy nước mắt. Ngồi bên cạnh tôi là một người bạn người Hồng Kông, dáng vẻ khôi ngô, cao ráo. Nhìn thấy tôi nghe giảng mà cứ rơi nước mắt, anh liền đưa khăn giấy cho tôi. Anh không dám nhìn tôi, mà từ từ đẩy khăn giấy qua cho tôi. Anh ấy rất hòa nhã. Vì sao nước mắt của tôi cứ chảy mãi vậy? Bởi vì nghe những câu chuyện của Thánh Hiền khiến tôi cảm nhận được điều gì mới là ý nghĩa thật sự của việc làm người. Tôi ngồi nghe mà trong lòng nức nở, làm người phải là như vậy mới vui vẻ, vui sướng.

Ví dụ như câu chuyện về “Tử Lộ Gánh Gạo”. Khi Tử Lộ còn nghèo khổ, ông tận tâm, tận lực phụng dưỡng cha mẹ, phải đi hơn trăm dặm để mang gạo về. Trên đường gánh gạo về, ông không những không cảm thấy nặng mà trong lòng còn cảm thấy rất an ổn, rất vui vẻ bởi vì ông đang làm tròn bổn phận của người làm con. Sau này ông làm quan, giàu có rồi, mỗi bữa ăn đều rất thịnh soạn nhưng ngược lại ông ăn không thấy ngon. Người bên cạnh hỏi ông: Thức ăn ngon như vậy tại sao ngài ăn không thấy ngon?. Tử Lộ trả lời: Cha mẹ tôi đã qua đời, không còn để cùng tôi thụ hưởng nữa. Bữa cơm này không thể sánh bằng cơm lúc tôi giúp cha mẹ gánh gạo hơn trăm dặm. Cơm đó ăn vào mới thơm, mới an vui”.

  Rất nhiều bạn bè cũng thảo luận với tôi làm sao để học tập lời giáo huấn của Thánh Hiền? Điều quan trọng nhất là phải học tập tấm lòng của Thánh Hiền, phải học sự dụng tâm của Thánh Hiền. Tâm của Thánh Hiền luôn luôn không lúc nào dám quên hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ, luôn luôn nhắc nhở mình những điều này khi cư xử với người. Khi họ luôn giữ tâm đức hạnh thì những thói quen xấu của họ tự nhiên sẽ không còn nữa, sẽ từ từ mất đi.

Chúng ta học thuộc “Đệ Tử Quy” chính là luôn luôn lấy tâm hạnh của Thánh Hiền để quán chiếu bản thân, tự mình nhắc nhở mình. Tôi tin rằng sau thời gian chăm chỉ, công phu đủ thì đọc liền thông. Khi một người thật sự dùng tâm ý và hành vi của Thánh Hiền để làm việc, thì chắc chắn người đó mỗi ngày đều được pháp hỷ sung mãn. Cho nên chữ tín có nghĩa là nghĩa vụ, là bổn phận.

Phần trước chúng tôi cũng nói đến đạo nghĩa, ân nghĩa trong mối quan hệ vua tôi. Về phương diện làm bề tôi, chúng tôi cũng đã nói đến không nên làm việc theo cảm tính, mà nên dùng lý trí để bàn bạc, trao đổi với lãnh đạo. Thật sự giữa người với người tại vì sao có xung đột? Đa số là do khoảng cách xa, thiếu sự trao đổi. Thiếu sự trao đổi lâu ngày thì rất dễ sinh ra đối lập, rất dễ mâu thuẫn, sau đó là xung đột. Vì vậy, làm người lãnh đạo cũng nên mở rộng cửa để bàn bạc trao đổi, phải có sự rộng lượng tiếp nhận lời khuyên can của cấp dưới. Cấp dưới cũng nên có trách nhiệm khuyên can cấp trên.

Quý vị bằng hữu có dám khuyên cấp trên của mình không? Tôi cũng có nghe một số bạn bè nói là: Không dám!”. Thậm chí họ nói có đến hai, ba người cấp trên trong một đơn vị thì nên theo ai đây? Theo đúng người thì sau này có thể sẽ được thăng quan tiến chức. Giả như chúng ta dùng cái tâm này để làm việc cho cấp trên, thì những ngày tháng đó không hề dễ chịu, mỗi ngày phải thăm dò ý tứ, phải nịnh hót, a dua, mệt chết đi được! Giả như chúng ta đặt cược cả vào đó mà không được thăng quan, không phải chúng ta sẽ giậm chân đấm ngực tức giận sao? Cho nên có câu là “chủ nào tớ nấy. Khi chúng ta chỉ vì công danh của chính mình mà nịnh bợ cấp trên, như vậy thật sự là rất mệt.

/ 40