ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 29
Chúng tôi đã giảng đến “đạo nghĩa”, “tín nghĩa” giữa bạn bè với nhau, cũng nói đến giữa bạn bè nên khuyên can, quan tâm lẫn nhau, khen ngợi, tán thán lẫn nhau. Thật sự khi quý vị khen ngợi người khác thì bản thân mình cũng được thơm lây. Ngoài ra, điểm thứ tư là không nói chuyện xấu trong gia đình người.
Cuối cùng là “thông tài chi nghĩa”, đạo nghĩa về việc chia sẻ tiền tài. Tài được chia làm hai loại là ngoại tài và nội tài. Nội tài là dùng sức lực, dùng kinh nghiệm, trí tuệ của mình để giúp đỡ người khác. Tục ngữ có câu: “Giúp ngặt chứ không giúp nghèo” (giúp lúc cấp thiết chứ không giúp nghèo). Quý vị bằng hữu, nghèo là gì? Không có tiền thì gọi là nghèo phải không? Họ không có tiền thì rồi sau này có thể sẽ có tiền, chỉ cần họ có chí khí, chỉ cần họ chịu học hỏi. Chỉ sợ là ngay cả chí khí, ngay cả tâm học hỏi họ cũng không có, đó mới thật sự là nghèo. Nếu đối phương có thái độ như vậy mà quý vị mang tiền đến giúp đỡ thì họ càng lúc càng ỷ lại, thậm chí cho rằng đó là lẽ đương nhiên. Có thể chúng ta vốn là muốn giúp đỡ họ nhưng rốt cuộc đã hại họ. Vì vậy, giúp người khác cũng phải dùng trí tuệ, nếu không thì sẽ trở thành dùng tâm thiện làm việc ác.
Ví dụ như đối phương không có trách nhiệm đối với gia đình, thường hay đi uống rượu rồi đến mượn tiền của quý vị thì có nên cho họ mượn tiền không? Không được cho mượn. Nhưng quý vị cũng không được đuổi họ đi, vì như vậy sẽ kết oán với nhau. Quý vị nên mời họ vào nhà ngồi, chỉ cần quý vị có nguyên tắc thì họ sẽ không thể đụng đến tiền của quý vị. Ngồi một chút thì nên nói với họ một, hai câu đạo lý làm người, thậm chí kể cho họ một số kinh nghiệm thực tế trong công việc của quý vị, hoặc là kinh nghiệm rèn luyện bản thân. Nói với họ để họ có thể tích lũy được những trí tuệ, năng lực làm việc của mình. Nhất định phải chuẩn bị một quyển “Đệ Tử Quy” để tặng cho họ.
Người lớn đều rất xem trọng sĩ diện, quý vị không nên nói: “Anh cố gắng học quyển sách này đi vì quyển sách này anh chưa từng học”. Không nên nói như vậy! Chúng ta cần phải khéo dùng phương tiện để nói, quý vị cũng nên lựa lời tốt đẹp mà nói: “Con trai của anh vô cùng đáng yêu! Quyển sách này tặng cho con anh học, sau này nhất định con anh sẽ có tiền đồ. Nhưng các bậc Thánh Hiền thời xưa nói giáo dục là trên làm thế nào thì dưới làm theo như vậy. Chúng ta là bậc làm cha mẹ thì phải làm tấm gương tốt cho con cái noi theo”. Quý vị đừng nói họ không phải là tấm gương tốt. Khuyên họ làm như vậy, tin rằng từng chút từng chút sẽ khiến cho họ dần dần thay đổi quan niệm. Điều này cũng là do chúng ta thật sự tin tưởng rằng “nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Tâm chân thành, tâm bình đẳng như vậy thì chúng ta mới nhắc nhở họ được.
Chúng ta có “thông tài chi nghĩa” (đạo nghĩa về việc chia sẻ tiền tài), chữ “tài” này không chỉ là tiền bạc, mà còn chỉ những kinh nghiệm, trí tuệ của chúng ta. Đợi đến khi họ học được những kinh nghiệm, phương pháp, trí tuệ này rồi, tin rằng họ cũng có thể tổ chức tốt gia đình của họ. Vì vậy, sự giúp đỡ này của chúng ta không chỉ giúp họ nhất thời, mà còn giúp cho họ suốt cả cuộc đời. Đây là chúng ta bàn đến “đạo nghĩa”, “tín nghĩa” giữa bạn bè mà không cần phải dùng lời để nói.
Ngoài nghĩa vụ trong mối quan hệ ngũ luân ra, chúng ta cũng phải hồi tưởng lại, vì sao ngày nay chúng ta có được lời giáo huấn của Thánh Hiền tốt đẹp như vậy? Là do mấy ngàn năm nay, những bậc Thánh Hiền đã đổ xuống không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, trải qua sự khắc cốt ghi tâm mới lưu lại được những trí tuệ tinh túy này, tuyệt đối không phải ngẫu nhiên mà có.
Mấy năm trước, tôi nghe lão ân sư Thích Tịnh Không giảng rằng: “Bốn nền văn minh cổ đại trên thế giới hiện giờ chỉ còn lại có một”. Đó là nền văn minh nào vậy? “Trung Quốc”. Câu trả lời chính xác! Có phải là tổ tiên của bốn nền văn minh cổ đại này đi đến trước mặt của Thần linh, sau đó Thần linh nói: “Nào, hãy bốc thăm đi! Ai bốc được thăm thì không bị diệt vong” không? Có phải do tổ tiên người Trung Quốc bốc được cái thăm đó nên không bị diệt vong không? Có quả ắt phải có nhân. Vì sao các nền văn minh cổ kia bị diệt vong? Vì sao Trung Quốc không bị diệt vong? Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.