/ 40
179

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 27

3.14 Kinh văn:

“Tá nhân vật, cập thời hoàn. Hậu hữu cấp, tá bất nan”.

 “Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”.

Khi mượn đồ của người khác, chúng ta phải luôn luôn nghĩ khi nào nên trả lại. Điều này cần phải cẩn thận. Bởi vì người ta cho chúng ta mượn đồ là đã giúp đỡ chúng ta, chúng ta phải biết ơn. Nếu như chúng ta trả không đúng hẹn thì không có đạo nghĩa. Khi chúng ta đã xác định thời gian trả nhưng sợ mình quên thì chúng ta có thể viết trực tiếp lên lịch treo tường (mỗi ngày chúng ta đều xem lịch nên sẽ không quên), hoặc ghi vào quyển sổ tay của quý vị, hoặc viết vào lịch làm việc. Mỗi lần mượn đồ của người khác, quý vị đều cẩn thận như vậy thì sau này người ta sẽ rất vui vẻ cho quý vị mượn đồ.

Vào thời nhà Minh, có một lần Trịnh Liêm đến nhà một gia đình giàu có mượn sách. Họ nói với ông: “Mười ngày sau ông phải trả quyển sách này. Mười ngày trôi qua rất nhanh. Người ta đồng ý cho mượn, ông vô cùng hoan hỷ. Ngày thứ mười thì tuyết rơi rất nhiều, chủ nhân của quyển sách nghĩ có lẽ ông không đến, nhưng Trịnh Liêm vẫn đội gió tuyết lớn đi trả. Vị chủ nhân đó rất cảm động và rất khâm phục ông. Vị chủ nhân đó nói: Sau này chúng tôi rất sẵn lòng cho ông mượn sách”.

Khi chúng ta mượn đồ của người khác mà nét mặt người ta không vui thì không nên trách người ta, mà cần phải xét lại bản thân mình. Sự tín nhiệm của xã hội đối với chúng ta là do chính bản thân mình xây dựng nên từng chút từng chút một. Chúng ta không nên chỉ ngưỡng mộ: “Người đó sao mà được người khác tin tưởng như vậy!”. Tất phải có nguyên nhân. Chúng ta phải tự cố gắng hướng theo đó mà nỗ lực.

Ngày nay, người mượn tiền là đại ca, người cho mượn tiền là tiểu đệ. Người mượn tiền đều ngồi trên cao, người cho mượn tiền thì phải đi cầu xin họ trả lại. Quý vị xem, xã hội này có điên đảo không? Đã mượn tiền rồi nhưng khi có tiền vẫn không trả. Điều này thật xấu xa. Họ không nghĩ lại lúc đầu người ta đã tốt bụng cho mình mượn tiền. Người thời xưa thường thật thà, chỉ cần có tiền thì họ lập tức đi trả nợ. Chữ tín thời xưa có giống ngày nay không? Không giống. Chữ tín thời xưa là nhân cách, có cần viết giấy nợ không? Sự thành tín của người xưa thể hiện nhân cách của một người, họ không cần phải ghi giấy nợ.

Thật sự khoảng năm - sáu mươi năm trước, người trong xã hội đều có đức tính như vậy. Ví dụ như ông ngoại của tôi trước đây là chủ tiệm gạo, rất nhiều người chưa có tiền nhưng ông vẫn bán gạo cho họ. Đến tết, đến ngày lễ, đại đa số những người này đều mang tiền đến trả. Nhưng cũng có một số ít người chưa đến trả vì họ không có tiền, ông ngoại tôi vẫn không đi đòi. Bởi vì giữa người với người đều rất tin tưởng nhau, đều biết rằng khi đối phương có tiền nhất định sẽ mang đến trả. Hiện giờ chắc là họ đang gặp khó khăn, nếu chúng ta vẫn đi đòi thì không có đạo nghĩa. Quý vị xem, con người trước kia đều tín nhiệm lẫn nhau.

Chữ tín của Phương Tây là gì? Là giấy trắng, mực đen. Suy nghĩ của người Phương Tây chính là trước tiên họ phải hoài nghi quý vị có phải là người tốt hay không, có phải là người giữ chữ tín không? Quý vị phải chứng minh cho họ xem quý vị có giữ chữ tín hay không. Đây là thái độ khác nhau đối với chữ tín giữa Phương Đông và Phương Tây. Chúng ta hiện nay đang xử lý vấn đề chữ tín này theo Phương Đông hay Phương Tây? Hiện nay đa số đang chạy theo Phương Tây. Bởi vì muốn làm giống theo Phương Đông thì không mấy người dám làm, trong lòng sẽ lo lắng, sợ người thời nay nói mà không giữ chữ tín. Rốt cuộc là chúng ta tiến bộ hay tụt hậu vậy? Chúng ta cần phải bình tâm suy nghĩ. Đáng lẽ phải trả cho người ta mà quý vị không trả, xem ra quý vị đã chiếm được một chút lợi, nhưng thật sự quý vị đã làm cho chữ “tín” của toàn xã hội dần dần mất đi.

Ở Thẩm Quyến có một thương nhân đàm phán chuyện mua bán đất với người nông dân. Đàm phán xong, người nông dân đồng ý việc bán mảnh đất đó cho ông. Sau khi mua, ông chỉ trả một nửa số tiền, một nửa còn lại thì không trả. Người nông dân đó rất tức giận, vì đó là mảnh đất duy nhất của họ. Người thương nhân vẫn còn nợ sáu ngàn Nhân Dân Tệ không trả. Con người cảm thấy chiếm được lợi của người khác hình như là bản thân mình có lợi. Rốt cuộc mấy ngày hôm sau, người nông dân đó mang bom đến nhà người mua đất cùng sống chết với ông. Báo chí viết: “Một mạng người giá bao nhiêu tiền? Sáu ngàn Nhân Dân  Tệ. Vì vậy, chữ tín vô cùng quan trọng.

/ 40