/ 40
185

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 25

Rất nhiều vị bằng hữu hỏi tôi là: Thầy Thái! Thầy có mệt không?. Trong mấy tháng nay có rất nhiều giáo viên cùng với chúng tôi đi diễn giảng khắp nơi, họ đều nhìn thấy sức khỏe của tôi, tôi càng giảng càng có tinh thần. Vì vậy, mọi sự lo lắng là không cần thiết. Tôi cũng nói với những vị bằng hữu này rằng, con người không sợ mệt thân mà chỉ sợ mệt tâm. Thân mệt chỉ cần nằm nghỉ bảy tiếng đồng hồ thì sẽ khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng trở lại. Nhưng mà tâm mệt thì cho dù có nhiều việc biết là rất quan trọng cần phải làm, nhưng lại không có năng lực để làm. Lúc đó thì tâm rất vất vả, khổ sở. Cho nên khi chúng ta có thể tận tâm, tận lực làm những việc quan trọng, thì trong lòng thật sự sẽ cảm thấy dễ chịu.

Tôi còn nhớ lúc học trung học phổ thông đã đọc một bài của Mạnh Tử, trong đó có câu: “Trời giao trách nhiệm lớn lao cho người nào thì trước tiên khiến người đó khổ tâm trí, mệt nhọc gân cốt, đói rét thể xác, cùng quẫn thân thể. Họ muốn làm việc gì thì hoàn cảnh khiến họ gặp điều nghịch lý, trở ngại. Vì sao vậy? Để tăng thêm tính kiên nhẫn cho họ, để họ đủ nghị lực tiến hành những việc chưa làm được”. Khi tôi học trung học phổ thông, đọc bài văn này tôi tâm đắc được điều gì? Tuyệt đối không nên làm Thánh nhân, bởi vì rất là mệt, phải giữ tâm chí cho kiên định, còn phải bị đói rét thân thể nữa. Lúc đó giáo viên cũng không giảng giải khí phách này cho chúng tôi. Vì vậy chúng tôi cứ dựa vào lời văn mà giải nghĩa, nên mới nghĩ tuyệt đối không nên đi theo chí hướng của Thánh Hiền quân tử. Sau khi thật sự đi hoằng dương văn hóa truyền thống, tôi đột nhiên có cảm nhận khác đối với câu nói này. Vì vậy tôi đã viết một câu rằng: “Nếm mùi gian khổ vẫn thấy ngọt ngào”. Khi chúng ta biết công việc này rất quan trọng nhưng trong tâm lại sợ chính mình không đủ năng lực, thì khi gặp thử thách, chúng ta vui vẻ tiếp nhận mới có thể nhanh chóng nâng cao năng lực. Cho nên chúng tôi có thái độ này, đồng thời đối với những thầy cô giáo mà chúng tôi đã tiếp xúc, chúng tôi đều thiết lập nhận thức chung với nhau như vậy.

Vì vậy, khi tôi từ Hải Khẩu đến Thẩm Quyến giảng dạy, phần bài giảng của tôi phải giao cho những giáo viên khác giảng thay. Khi những giáo viên khác nhận được thông báo của tôi: Bắt đầu từ tiết học sau sẽ đến lượt quý vị, họ sẽ nghĩ như thế nào? Họ sẽ không nói: Không được! Không được đâu!”, mà họ sẽ nói rằng: Gánh vác trách nhiệm là bắt đầu của sự trưởng thành. Tuy là tôi đi khỏi Hải Khẩu, nhưng bài giảng vẫn không bị gián đoạn, ngay cả bài giảng vào ngày đầu năm mới và kỳ nghỉ tết cũng đều không bị gián đoạn. Họ nói với tôi: Học tập trí tuệ là việc vô cùng cấp bách. Giả như trì hoãn thì chúng ta sẽ mất đi một ngày học tập, đối với các em học sinh sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, họ rất kiên trì. Khóa học này cũng được tổ chức hơn một năm rồi.

Rất nhiều giáo viên ở Hải Khẩu, ở Thẩm Quyến, ngoài những lúc công tác ở trường thì thời gian rảnh rỗi vào tối thứ bảy và chủ nhật, họ đều đến trung tâm phụ giảng với chúng tôi, đảm đương nghĩa vụ này. Sau hơn bốn tháng học tập, họ bắt đầu theo tôi đi giảng ở nhiều nơi. Vì vậy bắt đầu từ việc tu thân, sau đó dạy các lớp thật tốt là tề gia, sau đó chăm sóc tốt Hải Khẩu là trị quốc. Tiếp theo là đến Bắc Kinh, Thẩm Quyến, đến các tỉnh khác để giảng dạy thì gọi là bình thiên hạ. Bốn việc này thật ra chỉ là một việc. Chỉ cần chúng ta thật sự phát tâm không ngừng rèn luyện bản thân, không ngừng vươn lên, thì tự nhiên sức ảnh hưởng của chúng ta, sự cống hiến của chúng ta sẽ có sức lan tỏa và thành tựu. Vì vậy, “không sợ khó”.

Nếu công việc con cái cần phải đảm đương cha mẹ đều làm hết cho chúng, như vậy chính là tước đoạt cơ hội học tập, rèn luyện của con cái.

/ 40