/ 40
360

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 17

Nếu như quý vị là Trịnh Liêm, quý vị sẽ xử lý như thế nào? “Sẽ đem chúng đi nấu có đúng không?”. Chúng ta hãy cho vị bằng hữu này một tràng pháo tay! Chắc quý vị đều biết, trái lê được nấu chín thì rất tốt cho cổ họng. Cách làm của Trịnh Liêm cũng giống như cách làm của vị bằng hữu này. Trịnh Liêm đã lấy hai thùng nước to, mỗi thùng bỏ vào một trái lê rồi dầm nát trái lê này để cho nước từ trái lê hòa vào nước trong thùng. Sau khi làm xong, ông nói: “Nào! Mỗi người hãy uống một bát”. Rất bình đẳng, nên lòng người sẽ yên, mọi người đều cảm thấy thật công bằng. Những người họ hàng xa với Trịnh Liêm cũng cảm thấy vị trưởng bối này đáng được tôn kính.

Sau đó, Minh Thái Tổ hỏi Trịnh Liêm: “Khanh làm cách nào quản lý được 1.000 người này? Khanh đã dùng phương pháp gì?”. Kết quả Trịnh Liêm đã trả lời một câu: “Không nghe lời của phụ nữ”. Quý vị nữ đừng nên nghe câu này xong thì nói: “Tôi không muốn nghe nữa, tôi đi đây!”. Quý vị đừng nên y theo nguyên văn mà giải nghĩa. Bất cứ câu nói nào cũng đều mang ý nghĩa thời đại của nó.

Chúng ta cần phải hiểu rằng phụ nữ thời xưa nói chung không có cơ hội được đọc sách Thánh Hiền, chưa lĩnh hội được tâm lượng của Thánh Hiền, nên khó tránh được họ có chút tâm tự tư. Chỉ cần có tự tư thì sẽ dành cho con cái của chính mình nhiều hơn một chút, như vậy sẽ khiến người khác oán trách. Vì vậy, oán trách sinh ra từ tâm tự tư. Nếu rất nhiều thành viên trong gia tộc bắt đầu tranh chấp nhau, thì toàn bộ 1.000 người sẽ bị chia rẽ. Phụ nữ thời nay đều đọc sách, nên lời nói tương đối không còn tự tư tự lợi, có khi nam giới còn tự tư hơn, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Người nam như vậy thì tính cách tương đối giống phụ nữ.

Câu nói này quý vị phải hiểu theo nghĩa rộng, đó là ở trong gia đình tuyệt đối không thể so đo tính toán, vì như thế nhất định sẽ tạo ra tranh chấp. Trịnh Liêm có thể duy trì gia tộc được cả ngàn người không phải là không có nguyên nhân.

Con người vì sao lại muốn tranh chấp? Họ cảm thấy rằng, hình như cái mà họ tranh được là của họ. Vì vậy, câu tiếp theo cho chúng ta một phương pháp quan trọng về việc làm cách nào để anh em nhường nhịn. Trong gia đình có sự nhường nhịn thì mới có thể chung sống hòa thuận, an vui.

1.3          “Tiền của nhẹ, oán nào sinh”

Thời xưa có một đứa trẻ tên là Khổng Dung. Mới năm tuổi mà khi chia lê, em đã đem trái lê to nhường cho anh của mình ăn. Kỳ thực, thái độ như vậy hoàn toàn chính xác, bởi vì em làm việc nhà có thể ít hơn anh trai. Hiện giờ chúng ta đều nói: “Phải bình đẳng với trẻ nhỏ”. Câu nói này có đúng không? Câu nói này phải xem quý vị giải thích như thế nào. Phải bình đẳng về nhân cách. Quý vị tôn trọng chúng vì chúng là một cá thể, không lệ thuộc vào quý vị. Nhưng vì chúng hãy còn nhỏ nên kinh nghiệm cuộc sống của chúng không bình đẳng với kinh nghiệm sống của quý vị. Trí tuệ nhân sinh của chúng không bình đẳng với quý vị, nên quý vị cần dẫn dắt, cần dạy dỗ chúng. Cho nên cần phải có tôn ti trật tự thì chúng mới có thể sinh tâm cung kính quý vị. Nếu như chúng đều đứng ngồi ngang hàng với quý vị thì sao chúng có thể cung kính với quý vị được. Chúng ta phải nhìn nhận rõ sự bình đẳng này.

Khi con trẻ có tôn ti trật tự thì chúng mới biết được: “Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau”. Tại sao trước đây khi cha đi làm chưa về thì con cái không được ăn cơm trước? Đó là vì cảm niệm sự vất vả khổ nhọc của cha, bởi vì gánh nặng của toàn bộ gia đình đều đặt lên vai của người cha. Đây là lễ nghi khiến cho con trẻ phải luôn luôn nhớ đến sự vất vả của cha mình. Giả như cha đi làm chưa về nhà mà con trẻ ngang nhiên tự tiện, cũng không thèm dùng đũa đã ở đó ăn cơm rồi, thời gian dài thì chúng sẽ học được điều gì? “Tôi thích làm theo ý tôi”. “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên” (nếu chẳng giáo hóa, tính/tánh bèn dời đổi). Cho nên, trẻ nhỏ hiện nay rất khó dạy bảo. Chúng ta tỉ mỉ mà xem xét, vì sao người mấy trăm năm về trước đều tuân theo quy củ? Phương pháp của họ ở đâu? Ở trong “Đệ Tử Quy”. Nhưng phải thực sự làm theo thì quý vị mới đạt được lợi ích.

Khổng Dung đã nhường trái lê to cho anh trai ăn, đây là “tiền của nhẹ”. Người anh trai khi cầm lấy trái lê to của em thì sẽ càng yêu thương em trai hơn. Người anh sẽ cảm thấy em trai lúc nào cũng nghĩ đến mình, mình làm anh lớn sẽ phải ngẩng cao đầu, ưỡn ngực bảo vệ em trai mình. Đây là từ trong tiền tài hiểu được cách bố thí.

/ 40