ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 18
Phần trước chúng ta đã học mục thứ hai là “xuất tắc đễ” và đã học đến: “Anh thương em, em kính anh, anh em thuận, hiếu trong đó”. Tục ngữ có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”. Anh em đồng lòng thì đất đá cũng biến thành vàng. Quả thật không khí trong gia đình mà hòa thuận, vui vẻ thì nếp sống gia đình nhất định sẽ rất thịnh và sự nghiệp cũng hưng vượng. Rất nhiều em nghe xong những câu chuyện về cổ Thánh tiên Hiền thì muốn noi theo những tấm gương đó. Nghe xong “Khổng Dung nhường lê”, các em trở về cũng đều làm theo như vậy.
Có một cô bé rất khẳng khái, nhường trái lê cho em trai ăn trong khi em chỉ có một trái lê. Người em này cứ cắn từng miếng to để ăn. Khi em ăn đến hơn một nửa thì người chị này không nhẫn nại được nữa, liền giật trái lê lại. Người mẹ nhìn thấy cảnh tượng này liền gọi điện thoại báo cho thầy giáo. Đây là sự hợp tác rất tốt giữa phụ huynh và thầy giáo. Bởi vì mỗi một câu Kinh văn mà bọn trẻ không hiểu và không làm được thì cần phải kiên trì hướng dẫn. Hôm sau, người thầy liền kể cho các em nghe một câu chuyện.
Chuyện kể rằng vào triều Hán có hai anh em, một người tên là Triệu Hiếu, một người tên là Triệu Lễ. Triệu Hiếu là anh. Thật không may là Triệu Lễ bị giặc cướp bắt đi. Khi người anh biết được lập tức đã tìm đến sơn trại và đi thẳng vào trong đại bản doanh của bọn cướp. Người anh nhìn thấy bọn cướp đang rất đói bụng, định giết em mình để ăn thịt. Người anh thấy vậy vô cùng lo lắng, liền chạy đến trước mặt bọn cướp và nói với bọn chúng rằng: “Em của tôi bị bệnh, người lại gầy gò. Các vị đừng có ăn nó mà hãy ăn tôi đi. Tôi to béo, người lại khỏe mạnh”. Người em thấy anh mình nói vậy cũng rất lo lắng, liền đẩy người anh ra và nói: “Tôi bị các vị bắt là số mạng của tôi, nên tôi bị các vị ăn là đúng rồi, tuyệt đối không được liên lụy đến anh của tôi”. Hai anh em ở đó giành phần muốn được chết thay cho nhau. Bọn cướp nhìn thấy vậy rất cảm động, liền thả người em về.
Các em thân mến! Triệu Hiếu và Triệu Lễ ngay cả mạng sống cũng sẵn lòng hy sinh, thế chúng ta có nên chỉ vì một trái táo, một trái lê mà tranh cãi với anh em của mình không? Chúng ta cần phải noi theo tinh thần của những vị Thánh Hiền ngày xưa này. Hơn nữa, tinh thần không tiếc hy sinh mạng sống vì anh em của Triệu Hiếu và Triệu Lễ đã truyền đến tai của Hoàng Đế. Hoàng Đế liền cho hai anh em họ làm quan để quản lý nhân dân. Cho nên họ có phước về sau. Tại sao Hoàng Đế muốn dùng hai anh em họ làm quan vậy? Các em thấy, anh em mà biết yêu thương nhau thì nhất định sẽ hiếu thảo với cha mẹ. Người có đức hạnh tốt như vậy làm quan thì chắc chắn sẽ yêu thương nhân dân. Bởi vì “giáo dĩ hiếu” (người được dạy đạo hiếu), họ sẽ “kính thiên hạ chi vi nhân phụ giả dã”, họ sẽ kính trọng tất cả những người làm cha mẹ trong thiên hạ. “Giáo dĩ đễ” (người được dạy hiếu đễ), họ sẽ “kính thiên hạ chi vi nhân huynh giả dã”, sẽ kính trọng tất cả anh chị em của mọi người.
Chúng ta cũng nhân cơ hội này để hướng dẫn, giáo dục các em. Đương nhiên khi các em có biểu hiện rất tốt thì chúng ta cũng cần khen ngợi.
Ngoài ra còn có một em, dép của bạn học em bị đứt quai. Em có một đôi dép bị hỏng một chút nên em đã đổi một đôi dép mới. Nhưng đôi dép bị hỏng một chút kia em lại không nỡ vứt bỏ đi mà đem để dưới gầm giường. Có thể em đã học được câu: “Chớ ghét cũ, không thích mới”, có cảm tình với đôi dép cũ nên không vứt bỏ nó mà để dưới gầm giường. Cuối cùng, bởi vì chiếc dép của bạn học em đã bị hỏng, không thể đi được nữa, thầy giáo liền nói với em: “Em hãy về đem đôi dép cũ đến cho bạn đi”. Đây là giúp đỡ bạn học phải không? Đúng vậy! Nếu không thì bạn học không có dép đi, mà mùa đông thì rất lạnh. Sau đó, chúng tôi bỗng nhiên phát hiện ra em học trò này đi đôi dép cũ, còn người bạn học đi đôi dép mới của em. Những người lớn chúng tôi cũng học được một bài học. Quý vị thấy, em thật sự đã làm được câu: “Tiền của nhẹ, oán nào sinh”. Bạn học của em nhất định có thể cảm nhận được em rất quan tâm đến mình.
Chúng tôi ngay đó liền khen ngợi em học trò này: “Em đích thực là học trò tốt của Khổng Lão Phu Tử”. Tiếp theo đó, chúng tôi cũng tiến thêm một bước mong em từ nay hãy làm người anh lớn của những bạn học này, cho nên từ nay về sau nhất định phải làm tấm gương tốt.