/ 40
211

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 16

Có nhiều vị rất quen mặt, tối nào cũng đến nghe giảng, chứng tỏ là sau khi hết giờ làm việc, ăn cơm xong, thậm chí chưa ăn cơm đã vội đến nghe giảng. Khổng Lão Phu Tử có nói, một người cầu học vấn có ba pháp bảo là “Trí, nhân, dũng”: “Hiếu học cận hồ trí, lực hành cận hồ nhân, tri sỉ cận hồ dũng” (Thích học là đã gần với trí, nỗ lực hành thiện là đã gần với nhân, người biết thẹn là đã gần với dũng). Chỉ cần ham học thì sẽ dần có trí huệ. Khi chúng ta nỗ lực thực hiện lời giáo huấn của Thánh Hiền thì dần dần sẽ cảm nhận được chủ tâm của Thánh Hiền và cũng có thể cảm nhận được nhu cầu của mọi người, từ đó tâm đồng cảm, tâm nhân từ của chúng ta cũng sẽ xuất hiện.

“Tri sỉ cận hồ dũng”. Thật sự có thể nhận ra được lỗi lầm của mình, bước tiếp theo là điều chỉnh lỗi lầm của mình, thì có thể hàng phục phiền não, thói quen xấu của mình, đây mới là người dũng đích thực. Rất nhiều vị đã làm được “hiếu học cận hồ trí”, và sự ham học của quý vị sẽ đem lại cho gia đình mình sự ảnh hưởng rất tốt.

Tôi nhớ lúc tiếp quản phòng chứng khoán của ngân hàng thì cha tôi đã hơn năm mươi tuổi. Bởi vì tiếp quản phòng chứng khoán thì trong đơn vị phải có một người có chứng chỉ hành nghề, nên đã cử rất nhiều đồng nghiệp cùng đi thi để lấy chứng chỉ. Cha tôi là người cao tuổi nhất, đã hơn năm mươi tuổi rồi vẫn đi thi. Tôi thấy tối đến cha tôi ngồi đó xem sách. Kết quả thi chỉ có cha tôi đỗ, những người trẻ tuổi khác đều thi trượt. Quý vị xem, cha tôi không nói gì, nhưng chính hành động của ông đã khiến chúng tôi khâm phục ông rồi. Những người làm con cái như chúng tôi đây có thể không ham học được không? Có thể thua cha của mình sao? Cho nên trên làm dưới noi theo. Khi tâm ham học này của chúng ta có thể duy trì không ngừng, tin rằng đây nhất định là sự khởi đầu rất tốt cho gia đình của chúng ta.

*******************

CHƯƠNG HAI

XUẤT TẮC ĐỄ (BIỂU HIỆN NGƯỜI EM)

“Xuất tắc đễ”, chữ “xuất” này là chỉ khi ra ngoài thì phải học tập “đễ”. “Đễ” là thái độ lễ độ, bao gồm anh nhường em kính, tôn kính người lớn. Bởi vì anh em trong gia đình có thể tương thân tương ái với nhau, có thể đối với nhau có lễ độ thì đương nhiên khi họ ra ngoài giao tiếp với mọi người cũng sẽ mang theo thái độ này để đối nhân xử thế. Nếu như trong nhà anh em thường hay cãi nhau, không giữ lễ nghĩa, thì khi ra ngoài họ không thể có nề nếp. Vì vậy, muốn nhận biết một người thì trực tiếp vào nhà của họ là có thể nhìn thấy rõ ràng nhất. “Không vào hang cọp sao có thể bắt được cọp”. Rất nhiều hành vi đối nhân xử thế của chúng ta quả thật hình thành từ trong gia đình. Đó là lý do tại vì sao giáo dục gia đình quan trọng như vậy! Có câu: “Môn đăng hộ đối”. “Môn đăng” là gì? “Hộ đối” là gì? Điều quan trọng nhất là gia giáo và đức hạnh. Hiện nay, “môn đăng hộ đối” là gì vậy? “Là tiền tài”. Sao quý vị đều biết hết vậy? Tôi thì ít kinh nghiệm hơn quý vị. “Đối” sai rồi! Bản chất sai rồi thì kết quả sẽ phiền phức. Cho nên đức hạnh mới là gốc của gia đình, mới là gốc của quốc gia, tuyệt đối không phải tiền tài.

Trong “Hiếu Kinh” có một đoạn giáo huấn rất quan trọng: “Giáo dân thân ái, mạc thiện ư hiếu. Giáo dân lý thuận, mạc thiện ư đễ”. Muốn dạy dỗ nhân dân yêu thương người khác, quan tâm người khác, thì không có gì hiệu quả bằng việc dạy hiếu, “mạc thiện ư hiếu”. Muốn dạy nhân dân có chừng mực, biết tôn kính người khác, “giáo dân lý thuận”, thì không có phương pháp nào tốt hơn là dạy đễ, “mạc thiện ư đễ”. Vì vậy, “đễ” còn bao gồm giáo huấn về lễ độ. Khổng Phu Tử cũng nói: “Bất học lễ, vô dĩ lập”. Không có lễ độ thì rất có thể không có chỗ đứng trong xã hội.

Trong bài giảng mấy ngày trước, tôi cũng đã báo cáo qua với quý vị, lúc tôi còn nhỏ đã hình thành một thói quen, đó là chỉ cần có người lớn đến nhà, khi tôi nghe thấy tiếng của họ, thì bất kể đang làm việc gì tôi cũng nhất định sẽ đi đến trước mặt họ và nói: “Con chào chú ạ! Con chào dì ạ!”. Nụ cười của quý vị rất giống chú của tôi. Trẻ nhỏ có lễ phép thì người lớn chắc chắn sẽ rất vui. Khi tôi ngẩng đầu lên, tôi thấy họ rất vui và tôi cũng rất sung sướng. Bởi vì khi một người đang làm việc có đức hạnh, thực ra niềm vui của họ đã xuất phát từ trong nội tâm. Tôi bỗng nhiên cảm nhận được, hóa ra một người có được gặp quý nhân hay không thì từ nhỏ đã quyết định rồi. Quý vị có tin không?

/ 40