/ 40
243

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 13

Phần trên chúng tôi đã nói đến: “Cha mẹ thích, dốc lòng làm. Cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ”, cũng nhắc đến việc con người từ nhỏ phải tránh rất nhiều những thói quen, tập tính xấu như đánh bạc, háo sắc. Trong sách xưa có nói bốn tập tính không nên trưởng dưỡng là: “Kiêu, sa, dâm, dật”.

Trong chữ “dật”, quan trọng nhất là ngay từ nhỏ là phải hình thành cho con trẻ thái độ siêng năng, thói quen làm việc nhà. Chúng ta cũng nói đến những lợi ích khi trẻ làm việc nhà như:

  • Thứ nhất là quý lao động, biết cảm ơn.
  • Thứ hai là nuôi dưỡng thái độ siêng năng và dần dần sẽ tích lũy được khả năng làm việc. Vì vậy khả năng làm việc tuyệt đối không phải đến lớn mới học, mà từ lúc còn nhỏ ở nhà chúng ta đã có thể huấn luyện.
  • Thứ ba là rèn luyện ý chí cho trẻ.
  • Cuối cùng là mối quan hệ của trẻ với mọi người sẽ rất tốt.

Trong quá trình dạy học, tôi đã từng dạy các môn tự nhiên. Mỗi lần giảng bài xong thì cần phải thu dọn rất nhiều giáo cụ. Có nhiều em học sinh rất tự nhiên ở lại giúp tôi dọn dẹp dù tôi không bảo các em. Chúng ta thấy những học sinh như vậy thì trong lòng sẽ rất vui. Đối với những học sinh như vậy chúng ta nhất định sẽ quan tâm nhiều hơn, bởi vì trẻ em siêng năng thì rất dễ được người lớn dìu dắt, quan tâm và yêu thương. Khi tiếp xúc với bạn cùng trang lứa, nếu như các em siêng năng thì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhân duyên của các em. Ví dụ như chúng đi học đại học và ở cùng phòng với những người bạn học. Chúng vừa bước vào, nhìn thấy bạn khác quét dọn phòng khách, chúng liền bắt tay cùng dọn dẹp thì sẽ để lại cho bạn học ấn tượng là luôn biết giúp đỡ, luôn thông cảm với sự vất vả của người khác. Tuy chưa từng tiếp xúc với nhau, nhưng hành động như vậy đã để lại ấn tượng vô cùng tốt cho bạn học, rất dễ dàng hòa nhập vào đoàn thể.

Nếu như ở nhà các em không biết giúp đỡ người khác, thì khi đến chỗ tập thể, ví dụ như khi người khác đang quét dọn, các em vẫn ngồi xem tivi, thì ấn tượng của bạn học đối với các em sẽ không được tốt. Không phụ giúp vẫn chưa nghiêm trọng lắm, bởi vì ở nhà không biết phụ giúp nên không biết được sự vất vả của người làm việc, có khi cầm đồ đạc vứt lung tung, quên trước quên sau, đến lúc bạn học cần dùng đồ dùng chung thì tìm không thấy. Như vậy thì sự tin tưởng và ấn tượng của chúng ở trong tập thể càng ngày càng giảm, lời oán trách của người khác dần dần tích lũy, cuối cùng sẽ bùng phát.

Trong phần cần mẫn này chúng tôi có nhắc đến: “Nón quần áo, để cố định. Chớ để bừa, tránh dơ bẩn”. Những thói quen sinh hoạt tốt như vậy đều ảnh hưởng đến cuộc sống tập thể của các em sau này. Nếu không, chúng không chỉ không giúp đỡ người khác mà còn gây thêm phiền phức. Vì vậy, thói quen siêng năng, thói quen lao động có liên quan trực tiếp với mối quan hệ của các em với người khác.

Rất nhiều sinh viên đại học bị đuổi học, nguyên nhân do đâu? Chính là khả năng sống tự lập quá kém. Thầy cô và bạn học không muốn ở cùng với họ, sinh hoạt chung với họ.

Ở Thẩm Quyến có một sinh viên bị nhà trường buộc thôi học. Báo chí đưa tin về anh ta đã vẽ một bức tranh châm biếm. Bức tranh này vẽ người đội mũ cử nhân đang được mẹ đút cơm cho ăn và có chú thích là: “Sinh viên giỏi chuyên ngành, đứa trẻ thiểu năng trong cuộc sống”. Quý vị bằng hữu, không nên cho điều này là nói quá, khi anh ta học đại học, thật sự người mẹ vẫn đút cơm cho anh ta ăn, bởi vì anh ta và mẹ luôn đối đầu quyết liệt, nếu như người mẹ không đút cơm thì anh ta không ăn. Lớn như vậy mà vẫn làm cho cha mẹ lo lắng!

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, con cái vì sao có thái độ như vậy? “Sớm biết hôm nay như vậy thì ngày đó đừng làm”. Ngày đó khi hai - ba tuổi, một lần đút cơm thì phải mất một - hai tiếng đồng hồ, làm cho cả nhà bận rộn chạy lăng xăng. Đút cơm xong thì lưng cũng mỏi nhừ. Vì vậy, không có quy tắc thì không tạo ra lề lối. Dạy bảo con cái thì nhất định phải nuôi dưỡng thói quen sinh hoạt tốt, tuyệt đối không nên buông thả. Đến lúc chúng hình thành thói quen, muốn xoay chuyển cũng xoay chuyển không nổi.

Người thanh niên này ở trong trường học, ví dụ như đến nhà thầy cô giáo cũng không để ý giờ giấc, có khi giữa trưa thầy cô đang nghỉ cũng đến nhấn chuông, khi vào nhà thì tự ý dùng máy tính của thầy cô, ăn uống vứt đầy nhà không dọn dẹp. Vì vậy thầy cô giáo rất sợ anh ta, bạn học cũng rất sợ anh ta.

/ 40