192

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 14

Phần trước chúng ta đã nhắc đến, muốn khuyên can người khác phải có điều kiện tiên quyết, đó là trước tiên nhất định phải giành được sự tin tưởng của đối phương. Nếu như không đủ tin tưởng, có thể lúc bạn khuyên họ, họ sẽ hiểu lầm là bạn thấy họ chướng mắt hoặc là bạn đang phỉ báng họ. Cho nên, trước tiên phải có được sự tin tưởng.

Làm thế nào có thể có được sự tin tưởng của người thân, bạn bè? Sự tin tưởng này tuyệt đối không phải tự nhiên có, mà cần phải thông qua sự quan tâm và cho đi một cách thật lòng của chúng ta mới có thể xây dựng được niềm tin. Cũng có một số bạn rất nhiệt tình hay thích giúp đỡ người khác, nhưng rất nhiều người nhìn thấy họ liền nhanh chóng bỏ chạy, cảm thấy họ rất phiền phức, rất lắm chuyện, còn nói với họ: “Làm ơn đi! Anh đừng quan tâm đến tôi nữa!”. Có người như vậy không? Có. Cố gắng giúp người ta mà lại khiến người ta ghét bỏ. Có người như vậy. Đây là bởi vì sự quan tâm và cho đi của họ không nhằm vào nhu cầu của người khác. Vì vậy, trước tiên chúng ta phải khéo quan sát nhu cầu của người khác, sau đó mới bỏ công sức thì tự nhiên sẽ có được sự tin tưởng. Khi thời cơ thích hợp, tự nhiên họ sẽ có thể tiếp nhận lời nói của chúng ta.

Ví dụ trong quan hệ cha con, người cha có thể có rất nhiều con, nhưng ông đặc biệt tin tưởng lời của một người con nào đó thì có lẽ do người con này khiến ông yên tâm nhất, hiếu thảo với ông nhất, cho nên đã giành được sự tín nhiệm của ông. Bởi vì khi cha cần, người con này đều hết lòng hết sức làm tròn bổn phận người làm con.

Trong quan hệ vua tôi, cấp trên cần nhất là gì vậy? Cần nhất là chúng ta giúp họ gánh vác một số công việc. Chúng ta có thể âm thầm làm, vả lại mỗi lần làm đều có thể khiến họ yên tâm. Cho nên, nhằm vào nhu cầu của họ mà bỏ công sức thì họ sẽ rất tin tưởng chúng ta.

Trong quan hệ vợ chồng cũng vậy. Ví dụ nói, người vợ ở nhà dọn dẹp nhà cửa tươm tất, hơn nữa lại giáo dục con cái tốt khiến cho người chồng không có gì phải lo nghĩ, thì tự nhiên người chồng sẽ rất tín nhiệm vợ, lời người vợ nói ra tự nhiên sẽ có trọng lượng.

Nàng dâu về nhà chồng, khi nào mới có thể đưa ra lời khuyên can chồng và những người thân trong gia đình chồng? Có được phép ngày đầu tiên về nhà chồng là bắt đầu nói chỗ này không được, chỗ kia cũng không được không? Có được phép như vậy không? Nếu như vừa về nhà chồng liền chỉ trỏ: “Chỗ này phải cải thiện, chỗ kia phải cải thiện”, thì sẽ xảy ra hậu quả gì? Nhất định sẽ khiến người trong nhà chồng ghét bỏ, bởi vì vừa mới về nhà chồng nên chưa xây dựng được niềm tin sâu dày. Vì vậy, chúng ta phải thuận theo tình người, phải khéo nhận biết cảm nhận của người khác.

Chú Lư đã từng nói với tôi, khi đến một hoàn cảnh mới nhất định phải quan sát thật nhiều. Quan sát gì vậy? Quan sát nhu cầu của người khác để ra sức giúp đỡ. Nghe nhiều để biết được nhu cầu của người khác. Có khi cũng có thể nghe được một số điều kiêng kỵ mà người khác không muốn nhắc đến thì chúng ta trước tiên phải tránh xa. Phải nghe thấy nhu cầu, nghe thấy điều kiêng kỵ. Phải xem nhiều, nghe nhiều, bớt nói, bớt đưa ra ý kiến.

Chúng ta đến một công ty mới có phải cũng nên xem nhiều, nghe nhiều, ít nói không? Khi chúng ta làm nhiều hơn, nói ít lại, thì người quản lý, cấp trên sẽ rất tin tưởng chúng ta, đến lúc đó họ sẽ rất xem trọng ý kiến của chúng ta. Cho nên đạo lý đều thông nhau, đều thích hợp.

Chúng ta làm dâu cũng phải quan sát lúc nào cần phải diễn vai nào. Việc lĩnh hội này tôi học được từ chính bản thân của mẹ tôi. Lúc mẹ tôi được gả về nhà chồng, cô và chú của tôi đều vẫn còn đang đi học. Khi mẹ muốn kết hôn với cha tôi thì ông ngoại tôi cực lực phản đối. Ông ngoại cũng rất lợi hại, ông bắt đầu phân tích: “Con thấy chồng con là con trai trưởng, em trai, em gái của chồng con vẫn còn đang đi học. Hơn nữa, bố chồng con lại là ngư dân nên thu nhập không ổn định, nên con về đó nhất định rất vất vả”. Mẹ tôi nói: “Con vẫn muốn kết hôn với anh ấy”. Vì sao vậy? Bởi vì mẹ cảm thấy cha tôi rất hiếu thảo. Người hiếu thảo mới có tình nghĩa, mới có đạo nghĩa. Mẹ tôi nhìn thấy rất nhiều người có tiền của nhưng đều không muốn kết hôn với họ, chỉ muốn kết hôn với một anh chàng nghèo khổ. Cuối cùng là kết hôn với cha tôi, và quả thật mẹ tôi rất vất vả. Sau khi kết hôn, tiền lương dạy học của mẹ đều chi tiêu vào việc nhà, lại còn phải trả chi phí cho cô và chú tôi đi học.