/ 40
365

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 12

Vừa rồi chúng tôi nói đến Thái Thuận đi hái quả dâu tằm. Bởi vì biết mẹ mình thích ăn ngọt, nên ông dùng một cái giỏ chuyên đựng trái chín ngọt, bản thân ông thì ăn trái chua. Tâm hiếu như vậy đã cảm động bọn cướp, chúng liền thả ông về. Không chỉ thả ông về, chúng còn lấy thức ăn trong sơn trại tặng cho ông.

Thưa quý vị bằng hữu, giả như quý vị là Thái Thuận thì quý vị có lấy không? Không à? Người ta thành tâm thành ý thì phải làm sao? Họ nói: Xin ông nhận về biếu cho mẹ của ông thì có nên nhận không? Nên nhận. Tốt, Thái Thuận nghe ý kiến của quý vị nhận quà tặng mang về nhà, vừa ngồi xuống đột nhiên người của quan phủ đến hỏi: “Gạo của Trương Tam sao ở trong nhà của ông? Rau của nhà Lý Tứ sao ở trong nhà ông? Hãy bắt ông ta lại”, vậy thì phải làm sao? Lúc này quý vị có một trăm cái miệng cũng không giải thích được. Vì vậy, Khổng Tử nói: “Quân tử có chín điều cần suy nghĩ”. Chín điều cần suy nghĩ chính là các vị gặp phải rất nhiều tình huống thì phải phản tỉnh như thế nào, quán chiếu như thế nào? Trong đó có một điều cần suy nghĩ là: “Kiến đắc tư nghĩa” (phàm những thứ đạt được phải xét xem có hợp đạo nghĩa hay không). Khi các vị muốn nhận vật gì của ai, trước hết phải nghĩ nguồn gốc từ đâu có, có trong sạch bình thường không? Những thứ trong sơn trại này từ đâu có? Do trộm cướp có, cho nên tuyệt đối không nhận.

Nghe câu chuyện của Thái Thuận, quý vị có ấn tượng sâu sắc không? Vì vậy, trong khi kể chuyện, điều quan trọng là phải đem đạo lý trong đó nói cho con trẻ nghe, như vậy mới có thể phối hợp lý sự viên dung. Nếu như chỉ kể nội dung câu chuyện, con của các vị sẽ nói: “Con nghe chuyện này rồi”. Giả như không kể câu chuyện mà chỉ dạy đạo lý cho chúng, chúng nghe chưa được năm phút liền nói: “Mẹ ơi, con buồn ngủ quá. Vì vậy, phải phối hợp tốt giữa lý và sự thì người nghe mới cảm thấy thật sự hấp dẫn. Cho dù các vị là giáo viên hay là phụ huynh, đều có thể thông qua kể chuyện mà dạy đạo lý, nhắc nhở và gợi ý việc đối nhân xử thế trong đời sống.

Chúng tôi kể cho các em nghe những câu chuyện này và nói: “Các em xem, người con ngày xưa hiếu thảo, ý nghĩ đầu tiên đều là nghĩ đến cha mẹ. Các em biết mẹ mình thích ăn gì không?. Có nhiều em suy nghĩ hết nửa ngày mà chưa có kết quả, có vài em có sự quan tâm đến cha mẹ, nghĩ ra ngay, nhưng đa số đều nghĩ không ra. Tôi thấy tình hình khó xử của chúng liền hỏi: Vậy mẹ có biết các em thích ăn gì không?. Các em liền cười rạng rỡ: “Đương nhiên là biết chứ”, sau đó kể ra rất nhiều món. Tôi tiếp tục nói với chúng: Các em xem, mẹ thì biết các em thích ăn gì, các em thì lại không biết mẹ thích ăn gì, như vậy có công bằng hay không? Các em xem, mẹ yêu thương các em như vậy, các em lại có thể không yêu thương mẹ sao? Vì vậy, hôm nay về nhà sẽ làm bài tập “phải biết rõ mẹ thích ăn gì, như vậy các em mới có thể làm được “cha mẹ thích, dốc lòng làm. Sau này, đi mua đồ không phải mua món mình thích ăn trước, mà phải làm theo bậc Thánh Hiền. “Chớ tự chê, đừng tự bỏ, Thánh và Hiền, dần làm được”. Chúng ta lấy đó làm gương, trước tiên là mua những món mà cha mẹ thích ăn. Thật sự cha mẹ luôn quan tâm đến tình hình sức khỏe của chúng ta. Một người muốn khỏe mạnh thì thân tâm nhất định phải điều hòa. Người xưa nói: “Họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”, vì vậy ăn thức ăn phải hết sức chú ý, nếu không thì xuất hiện một số bệnh hiện đại như hiện nay.

Quý vị bằng hữu có chắc là mình không mắc bệnh phổ biến hiện nay không? Sao không có ai giơ tay lên vậy? Tri thức chính là sức mạnh. Tri thức đúng đắn mới có thể cho chúng ta niềm tin. Các vị không cần phải lo lắng làm sao để bản thân ăn uống có sức khỏe, kiến thức này đã được rất nhiều người dành ra mười mấy năm cuộc đời họ nghiên cứu rồi. Các vị có cần học từ đầu không? Không cần. Vì vậy tôi thường nói: Đứng trên đôi vai của người khổng lồ có thể nhìn được rất xa. Các vị bằng hữu, ai là người khổng lồ? Chúng ta muốn dạy trí tuệ cho con cái, thì Khổng Lão Phu Tử, Mạnh Phu Tử chính là người khổng lồ. Chúng ta có thể trực tiếp học trí huệ, kinh nghiệm của các Ngài.

/ 40