/ 51
686

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 50 (Số 14-12-50)

  Xin mở cuốn Khoa Chú quyển Hạ, trang tám mươi chín, xin xem kinh văn hàng thứ hai: Chúc Lụy Nhân Thiên Phẩm Đệ Thập Tam.

 

PHẨM THỨ 13: DẶN DÒ CỨU ĐỘ NHÂN THIÊN

囑累人天品第十三

 

  Đây là phẩm cuối của kinh này, và cũng là lời di chúc cuối cùng của Thế Tôn, lời lẽ vô cùng khẩn thiết, chúng ta đọc tụng phải thấu hiểu kỹ càng. Xin coi kinh văn:

 

  Nhĩ thời Thế Tôn cử kim sắc tý, hựu ma Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh.

爾時世尊舉金色臂。又摩地藏菩薩摩訶薩頂。

Lúc đó, Đức Thế Tôn giơ cánh tay sắc vàng xoa đảnh Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

  ‘Nhĩ thời’ là lúc nói xong việc Thấy Nghe Được Lợi Ích, sau cùng đức Phật giao phó sứ mạng độ hóa chúng sanh cho Địa Tạng Bồ Tát, do đó chỗ này là đoạn ‘giơ cánh tay xoa đảnh’. Thứ nhất là tiêu biểu an ủi, thứ nhì là giao phó sứ mạng trọng yếu cho Ngài. Sau đó đức Phật nói, đây là câu kinh trang chín mươi:

 

  Nhi tác thị ngôn: ‘Địa Tạng! Địa Tạng!

而作是言。地藏地藏。

Mà bảo rằng: ‘Này Địa Tạng! Địa Tạng!

  Thế Tôn gọi tên ngài Địa Tạng liên tục hai lần, tượng trưng lòng yêu mến sâu đậm, phó thác trách nhiệm nặng nề, chỗ này chúng ta có thể thấy lòng từ bi khẩn thiết, lời nói ân cần của Thế Tôn.

 

  Nhữ chi thần lực bất khả tư nghị.

汝之神力不可思議。

Thần lực của ông không thể nghĩ bàn.

Câu này tán thán Địa Tạng Bồ Tát, Ngài có thể hóa hiện vô lượng vô biên thân, độ khắp hết thảy chúng sanh khổ nạn trong hư không pháp giới, đây là thần lực biến hiện, chẳng thể nghĩ bàn, lại nói tiếp:

 

Nhữ chi từ bi bất khả tư nghị.

汝之慈悲不可思議。

Đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn.

  Đây là lời tán thán nghị lực của Ngài, lòng từ bi của Ngài vĩnh viễn không thoái chuyển, vô cùng khó được. Chúng ta coi phàm phu trong lục đạo tuy có lòng từ bi, nhưng khi gặp nghịch cảnh, hoặc thuận cảnh cũng bị thoái chuyển, chẳng sánh bằng tâm nguyện ban vui, dứt khổ của Địa Tạng Bồ Tát vĩnh viễn chẳng thoái chuyển, vả lại đối với hết thảy chúng sanh đều bình đẳng gia trì, thật là chẳng thể nghĩ bàn.

  Nhữ chi trí huệ bất khả tư nghị.

汝之智慧不可思議。

Trí huệ của ông không thể nghĩ bàn.

Trí huệ rộng sâu, biện tài vô ngại, Bồ Tát hiện thân cũng chẳng khác gì Quán Thế Âm Bồ Tát, [các Ngài đều] tùy loại hiện thân, tùy cơ thuyết pháp. Chúng ta biết Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng có thân tướng nhất định, trong những bức họa của người xưa chúng ta thấy có ‘Quán Thế Âm Bồ Tát Biến Tướng Đồ’ (Những hình tướng khác biệt của Quán Thế Âm Bồ Tát) gồm có hơn năm trăm loại thân tướng khác nhau, nói rõ ba mươi hai ứng là ba mươi hai loại, trong mỗi loại hiện vô lượng vô biên thân tướng, Địa Tạng Bồ Tát cũng vậy, cũng vì chúng ta thị hiện nhiều thân tướng, phàm phu chúng ta có gặp cũng không nhận ra. Đây là trí huệ sâu rộng, vô ngại chẳng thể nghĩ bàn. Kế đó là biện tài:

 

Nhữ chi biện tài bất khả tư nghị.

汝之辯才不可思議。

Biện tài của ông không thể nghĩ bàn.

Biện tài là nói về khẩu nghiệp, thân, ngữ, ý và trí huệ đều chẳng thể nghĩ bàn. Đây là lời đức Thế Tôn đích thân khen ngợi Địa Tạng Bồ Tát trong đại hội này. Không những là vậy, sau đó còn nói:

 

Chánh sử thập phương chư Phật tán thán tuyên thuyết nhữ chi bất tư nghị sự, thiên vạn kiếp trung bất năng đắc tận.

正使十方諸佛讚歎宣說汝之不思議事。千萬劫中不能得盡。

Dầu cho chư Phật ở mười phương khen ngợi tuyên nói những sự không nghĩ bàn của ông, trong ngàn vạn kiếp cũng chẳng nói hết được. 

Lời tán thán này đã đạt đến cùng cực, không những đức Phật Thích Ca Mâu Ni tán thán là chẳng thể nghĩ bàn, mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đồng thanh tán thán Ngài có trí huệ đức năng, thân ngữ ý từ bi giáo hóa. ‘Trong ngàn vạn kiếp’ là nói thời gian dài, ‘mười phương chư Phật’ là nói số lượng nhiều; thời gian dài như vậy tán thán cũng không hết. Chúng ta không thể lơ là bỏ sót đoạn kinh này, trên thực tế nó tiêu biểu cho tánh đức của tự tánh, một phần hiếu kính trong tánh đức, đức hạnh ấy chẳng thể nghĩ bàn, chư Phật Như Lai tán thán cũng không thể tán thán hết. Tánh đức của Bồ Tát khai hiển (khai triển, hiển hiện), mỗi người chúng ta cũng có đức năng giống hệt như Bồ Tát, đáng tiếc là đức năng này chưa được khai hiển, làm sao mới có thể khai hiển?  Noi theo phương pháp dạy trong kinh này mà tu học thì có thể mở mang tánh đức. Do đó danh hiệu của Bồ Tát, tên của kinh này đều có hai chữ Địa Tạng. Địa tượng trưng cho tâm địa, Tạng tỷ dụ kho báu, tâm địa của chúng ta, lý địa chân tâm, trí huệ, thần lực, từ bi, biện tài đều chẳng thể nghĩ bàn, trong vô lượng đức năng ở đây chỉ nêu ra bốn thứ, trên thật tế thì mỗi loại đều chẳng thể nghĩ bàn. Giống như các nhà tôn giáo ngày nay tán thán Thượng Đế, khen ngợi Thần, trong lời tán tụng gọi là toàn tri toàn năng, chẳng có gì không biết, chẳng có gì không thể, nói thật ra đó là tánh đức trong tự tánh của chúng ta. Ngày nay chúng ta hiểu được, biết chính mình có đức năng này thì phải giác ngộ, phải phấn chấn, khôi phục trí huệ đức năng của mình, không những độ mình mà còn có thể độ hết thảy chúng sanh. Do đó có thể biết, Thế Tôn giao phó cho Địa Tạng Bồ Tát, chúng ta hãy nghĩ coi có liên quan gì với chúng ta hay không?  Nếu bạn hiểu rõ được ý nghĩa này thì sẽ biết nó có liên quan mật thiết với chúng ta. Chúng ta nương nhờ Địa Tạng Bồ Tát để làm duyên, vậy thì Địa Tạng Bồ Tát ở đâu? Những gì nói trong kinh này chính là Ngài; chúng ta có thể tin, có thể hiểu, có thể làm theo thì chúng ta chính là phân thân của Địa Tạng Bồ Tát, chúng ta sốt sắng không ngừng nâng cao cảnh giới thì chúng ta là một phân thân trong vô số phân thân của Địa Tạng Bồ Tát, đó mới gọi là thật sự tu học pháp môn này. Xin xem đoạn kinh kế tiếp:

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51