/ 51
2.426

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 49 (Số 14-12-49)

Xin mở Khoa Chú, quyển Hạ trang tám mươi hai, hàng thứ hai đếm ngược lại:


Dục tu Vô Thượng Bồ Ðề giả,

Nãi chí xuất ly tam giới khổ,

Thị nhân ký phát đại bi tâm,

Tiên đương chiêm lễ Đại Sĩ tượng,

Nhất thiết chư nguyện tốc thành tựu,

Vĩnh vô nghiệp chướng năng già chỉ.

欲修無上菩提者

乃至出離三界苦

是人既發大悲心

先當瞻禮大士像

一切諸願速成就

永無業障能遮止

Bồ Đề Vô Thượng muốn tu hành,

Thậm chí lìa xa khổ Tam Giới,

Người này đã phát đại bi tâm,

Trước nên chiêm lễ tượng Đại Sĩ,

Hết thảy nguyện ước chóng thành tựu,

Nghiệp chướng vĩnh viễn chẳng ngăn đặng.

Ðoạn này [theo sách Khoa Chú] có tựa đề là ‘Tụng thành độ sanh’. ‘Dục tu vô thượng Bồ Ðề giả’ (Người muốn tu Vô Thượng Bồ Ðề), đây là Bồ Tát phát tâm, vô thượng Bồ Ðề chính là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, ‘xuất ly tam giới khổ’ (thoát ra khỏi nỗi khổ trong tam giới), người Tiểu Thừa cũng làm được, trong Phật pháp gọi là người chân chánh giác ngộ. Nỗi khổ trong tam giới, nói thật ra là nỗi khổ chẳng ai chịu nổi, người chân chánh giác ngộ nhất định sẽ muốn vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Tam giới tức là lục đạo, tam giới là Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Xem kinh Phật giải thích về cõi Tứ Thiền thì chúng ta có thể hiểu được, trên đỉnh của một đơn vị thế giới là cõi Sơ Thiền, trên đỉnh của một tiểu thiên thế giới là cõi Nhị Thiền, trên đỉnh của một trung thiên thế giới là cõi Tam Thiền, trên đỉnh của một đại thiên thế giới là cõi Tứ Thiền, cho nên bạn sẽ hiểu ý nghĩa của Tam Giới giống như Lục đạo. Khu vực giáo hóa của một vị Phật gọi là một Ðại Thiên thế giới, chư vị phải biết chỉ có một cõi Tứ Thiền thiên, có một ngàn cõi Tam Thiền thiên, những gì nói trong kinh chúng ta phải biết đại khái. ‘Dục tu Vô Thượng Bồ Ðề’, không những là siêu việt Lục đạo, siêu việt Thập pháp giới, mong cầu quả vị Phật cứu cánh viên mãn, đây là người có chí nguyện, nhãn quang to lớn. Mong vượt thoát tam giới thì nhãn quang đó còn nhỏ, nhưng cũng là vô cùng hiếm có. Người ấy đã phát tâm đại bi thì làm thế nào có thể mãn nguyện? Tiên đương chiêm lễ Ðại Sĩ tượng’, tức là trước hết phải tự thành tựu cho chính mình, ý nghĩa của chữ ‘chiêm lễ’ phía trước đã nói rất nhiều rồi, ở đây không lập lại nữa, quan trọng là phải y giáo phụng hành.

Kinh Hoa Nghiêm nói về hộ pháp, hộ trì chánh pháp, y theo tiêu chuẩn của kinh Hoa Nghiêm mà nói thì hiện nay người hộ pháp hiếm hoi. Pháp là gì? Pháp là ‘Giáo, Lý, Hạnh, Quả’, bốn thứ pháp này đều phải hộ trì cho viên mãn thì mới gọi là thật sự hộ pháp, đó mới là tiêu chuẩn của Phật đã nói. Khi chúng ta nói “hộ trì đạo tràng, hộ trì vị pháp sư nào”, vậy thì không được, so sánh với tiêu chuẩn của Phật thì đó không phải là hộ pháp. Cho nên những gì Phật nói trong kinh chúng ta nhất định phải hiểu kha khá thì sẽ biết làm thế nào mới đúng như pháp. Phật dạy chúng ta về ‘Giáo’, Giáo có bốn thứ Giáo, Lý, Hạnh, Quả, chúng ta làm sao tu? Tín, Giải, Hành, Chứng, chúng ta phải tin Giáo, tin lời Phật dạy, phải hiểu rõ Lý, phải tu Hạnh, phải chứng Quả, tự chúng ta phải làm được Tín, Giải, Hành, Chứng. Hai câu cuối cùng ‘nhất thiết chư nguyện tốc thành tựu, vĩnh vô nghiệp chướng năng già chỉ’ (hết thảy các điều nguyện đều nhanh chóng thành tựu, vĩnh viễn chẳng có nghiệp chướng ngăn chận), hai câu này nói sau khi mình thành tựu, giáo hóa hết thảy chúng sanh. Chư Phật Như Lai thị hiện trong thế giới chúng sanh, thường cũng thị hiện có nghiệp chướng. Chư vị phải biết nghiệp chướng đó là thị hiện, đều là phương pháp giáo hóa của các Ngài, là nghi thức giáo học chứ chẳng phải thật. [Các Ngài thị hiện như vậy nhằm] giúp phàm phu chúng ta cảnh giác đến việc nhân quả rất đáng sợ. Thánh nhân thế gian, Khổng Lão Phu Tử, trong Truyện Ký chúng ta đọc thấy ‘Khổng Tử tuyệt lương ở đất Trần’ Ngài cũng phải chịu đói. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng bị quả báo phải dùng lúa cho ngựa ăn hết ba tháng, đã từng đi khất thực nhưng không có người cúng dường. Việc này chứng tỏ cái gì? Chứng tỏ nhân quả, dù đã thành Phật, thành thánh cũng không thể thay đổi nhân quả.

Hồi xưa đại sư Bách Trượng đã nói rất hay ‘người đại tu hành không lầm nhân quả’, [nói không lầm] chứ chẳng nói không có nhân quả. Không lầm nhân quả là như thế nào? Họ hiểu rõ ràng nhân quả nên lúc chịu quả báo thì họ vui lòng thọ nhận, họ biết là họ đã tạo nhân gì trong quá khứ nên ngày nay phải thọ nhận quả báo này, họ biết thật rõ ràng, thật rành rẽ. Khác với người thế gian khi thọ quả báo khổ họ không biết, không biết là do nguyên nhân gì, cứ cho rằng do người khác tạo ra, oán trời trách người, lúc thọ báo lại tạo thêm tội nghiệp, cứ như vậy nhân quả xoay vần, càng ngày càng tệ, càng ngày càng đi xuống; người hiểu rõ [nhân quả] thì khi thọ nhận quả báo sẽ không đọa lạc, họ có thể nâng cao [cảnh giới của họ]. Họ thật sự hiểu câu ‘một miếng ăn một thức uống đều do tiền định’. Dù gặp người ta phá hoại, gây tổn hại cho chúng ta, tất cả đều là vì đời trước mình đã gây tổn thương cho họ, ngày nay họ tới hại chúng ta, đó là báo ứng. Mình hiểu rõ, mình nhận chịu, vui vẻ tiếp nhận, chẳng oán trách, chẳng oán hận thì gút mắt ấy sẽ được cởi mở, khi gặp gỡ lần sau sẽ vui vẻ, chẳng còn oán hận. Như vậy có thể giải quyết vấn đề. Tuyệt đối không thể dùng tâm trả thù để giải quyết vấn đề, chư vị phải biết trả thù không thể nào giải quyết được. Nếu trả thù, bạn giết người đó, diệt hết dòng họ của người đó, đời sau họ sẽ giết hết dòng họ của bạn, nhân quả sẽ xoay vần, càng ngày càng tàn khốc. Nói cách khác càng đọa càng sâu, làm vậy không phải là cách giải quyết vấn đề!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51