ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Xin mở cuốn Khoa Chú, quyển Hạ trang chín mươi sáu, và xem kinh văn hàng thứ nhất:
Lâm đọa thú trung hoặc chí môn thủ, thị chư chúng sanh nhược năng niệm đắc nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh, nhất cú nhất kệ Ðại Thừa kinh điển, thị chư chúng sanh nhữ dĩ thần lực phương tiện cứu bạt, ư thị nhân sở hiện vô biên thân vi toái địa ngục, khiển lịnh sanh thiên thọ thắng diệu lạc.
臨墮趣中或至門首。是諸眾生若能念得一佛名。一菩薩名。一句一偈大乘經典。是諸眾生汝以神力方便救拔。於是人所現無邊身為碎地獄。遣令生天受勝妙樂。
Lúc sắp bị đọa ác đạo hoặc vừa đến ngưỡng cửa, nếu những chúng sanh đó có thể niệm được danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát, cùng một câu kinh một bài kệ của kinh điển Đại Thừa, thì ông hãy dùng thần lực, phương tiện để cứu vớt các chúng sanh đó; ở chỗ của các người đó hiện thân vô biên, vì họ mà phá tan địa ngục, làm cho họ được sanh thiên, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
Ðoạn này nói người cõi trời, người thời Mạt pháp tạo tội nghiệp sẽ đọa vào ác đạo. Thời điểm và nhân duyên tốt nhất để Bồ Tát cứu vớt chúng sanh là lúc họ chưa đọa lạc, cũng là nói lúc họ lâm chung chưa tắt thở, đầu óc còn tỉnh táo, lúc này cứu vớt là thích hợp nhất. Trong kinh Vãng Sanh chúng ta thấy người tạo tội cực nặng khi lâm chung có thể hối lỗi đều có thể vãng sanh. Nhiều người nghe tới việc này rất bực bội, vì có người cả đời chẳng phạm lỗi lầm, cả đời niệm Phật còn không thể vãng sanh, người tạo tội nghiệp mang tội đầy mình, lúc lâm chung chỉ niệm vài câu Phật hiệu liền có thể vãng sanh, như vậy hình như không công bình cho lắm. Ðây là kiến giải của phàm phu, trên thực tế thì họ không hiểu đạo lý này, tại sao lại như vậy? Cảnh giới biến đổi từng sát na, phàm phu nói thật ra quá sơ ý, chúng ta chẳng quan sát được, người có công phu định lực cao sâu nhìn thấy rất rõ ràng, cảnh giới trước mắt bao gồm thân tướng của chính chúng ta đều biến đổi từng sát-na. Vả lại sự chuyển biến này rất lớn, thay đổi tùy theo tâm niệm, trong tâm khởi lên sự thay đổi to lớn, thân tướng và hoàn cảnh sinh hoạt cũng thay đổi rất nhiều.
Chúng ta không cảm thấy, không nhận biết được vì chúng ta khởi tâm động niệm biến đổi quá nhỏ, chẳng chuyển đổi thật lớn cho nên mức độ, cảnh giới biến đổi cũng rất nhỏ, nếu có thể hồi tâm chuyển ý ngay lúc đó, một lòng niệm Phật thì sự biến đổi sẽ rất lớn! Cảnh giới cũng sẽ thay đổi với mức độ thật lớn, đạo lý là như vậy. Người tạo tội nghiệp có thể chuyển, tại sao chúng ta không thể chuyển? Chúng ta cũng có thể chuyển giống họ, họ chịu chuyển nhưng chúng ta không chịu chuyển, như vậy thì không có cách chi hết. Chuyện này tuyệt đối không thể nói công bình hay không công bình, chẳng có ý này, đây đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của phàm phu chứ không phải chân tướng sự thật. Cho nên hiểu được đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này, chuyển phàm thành thánh chỉ là việc trong vòng một niệm, chuyển địa ngục thành Cực Lạc thế giới cũng trong vòng một niệm, vấn đề là một niệm này của bạn có thật sự triệt để quay về hay chưa? Then chốt là ở chỗ này. Cho nên lời đại sư Thiện Ðạo nói chẳng sai ‘hết thảy đều phải làm từ tâm chân thật’, tâm bạn chân thật thì chuyển biến sẽ rất thuận tiện, rất suông sẻ, chuyển biến nhanh chóng. Nếu bạn không dùng chân tâm thì sẽ rất khó, Phật, Bồ Tát cũng không giúp được gì.
Câu ‘lâm đọa thú trung’ ở đây, ‘thú’ là ác thú, ‘hoặc chí môn thủ’, đến cửa của ác đạo nhưng chưa bước vào, bước vào thì sẽ rất phiền phức, sẽ chẳng chuyển dễ dàng, lúc chưa bước vào là cơ hội tốt nhất. ‘Thị chư chúng sanh, nhược năng niệm đắc nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh’ (nếu những chúng sanh đó có thể niệm được danh hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ Tát), hoặc là ‘nhất cú nhất kệ Ðại Thừa kinh điển’(cùng một câu kinh một bài kệ của kinh điển Đại Thừa), lúc này chữ ‘niệm’ phải nhớ lời nói trong đoạn trước là phải ‘chí tâm xưng niệm’ thì mới có hiệu quả, mới chuyển cảnh giới được. Nếu không phải là chí tâm xưng niệm thì sẽ không dễ đâu. Tâm người ta đến lúc lâm chung đích thật thường thành khẩn thiết tha hơn lúc bình thường, đây là lúc quan trọng cấp bách đến tánh mạng, tâm lúc đó chuyển đổi, tâm ấy chân thành nên sẽ chuyển biến dễ dàng, nhanh chóng. Câu này nói thiện căn phước đức của chúng sanh này, họ có thể niệm, người đó có thiện căn, có phước đức, như đã nói ở đoạn trước là phải chí tâm xưng niệm, hoặc là nhất tâm xưng niệm, ‘nhất tâm’ là thiện căn, ‘xưng niệm’ là phước đức.