ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Xin mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang năm mươi mốt và xem kinh văn:
Ư đảnh môn thượng phóng như thị đẳng hào tướng quang dĩ, xuất vi diệu âm cáo chư đại chúng, thiên long bát bộ, nhân phi nhân đẳng: ‘Thính ngã kim nhật ư Ðao Lợi thiên cung, xưng dương tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát ư nhân thiên trung lợi ích đẳng sự, bất tư nghị sự. Siêu thánh nhân sự, chứng thập địa sự, tất cánh bất thoái A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề sự’.
於頂門上放如是等毫相光已。出微妙音告諸大眾。天龍八部。人非人等。聽吾今日於忉利天宮。稱揚讚歎地藏菩薩於人天中利益等事。不思議事。超聖因事。證十地事。畢竟不退阿耨多羅三藐三菩提事。
Từ trên đảnh môn phóng ra những tướng tia sáng như thế xong, lại nói ra tiếng vi diệu mà bảo đại chúng, Thiên Long Bát Bộ, nhân cùng phi nhân v.v... rằng: ‘Hãy lắng nghe hôm nay Ta tại cung trời Đao Lợi, tuyên bày ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng về những sự lợi ích trong hàng trời, người, những sự không thể nghĩ bàn, những sự siêu vượt nhân Thánh, những sự chứng quả Thập Địa, những sự rốt ráo không thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề’.[1]
Phía trước chúng ta thấy Thế Tôn phóng quang, thụy tướng phóng quang trước khi nói câu tổng kết. Kế tiếp đức Phật nói với mọi người, Ngài dùng âm vi diệu, hàm ý trong ‘âm vi diệu’ rộng sâu vô hạn, một âm hàm chứa hết thảy âm, mỗi một âm hàm chứa hết thảy sự, do đó gọi là vi diệu âm. Nói với đại chúng ở trong hội bao gồm thiên long bát bộ, nhân và phi nhân, đây đều là những đại chúng được Ðịa Tạng Bồ Tát giáo hóa. ‘Thính ngã kim nhật, ư Ðao Lợi thiên cung, xưng dương tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát’ (Nghe tôi hôm nay xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ Tát ở cõi trời Đao Lợi), câu này là lời tổng kết từ lúc pháp hội khai mạc đến lúc bấy giờ, toàn bộ kinh văn đều xưng dương tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát. Mấy câu sau này là tổng kết ‘ư nhân thiên trung lợi ích đẳng sự’ (những sự lợi ích trong cõi người và cõi Trời), sau đó nói rất cụ thể, tóm tắt toàn bộ kinh. Câu này là nhằm kết danh (tổng kết những giáo nghĩa của danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát) mà cũng là nói tới Giáo, [tức là nếu] chúng ta dùng bốn thứ ‘Giáo, Lý, Hành, Quả’ để nói, thì câu này nói về Giáo. Lần này chúng tôi đi Úc Châu hai mươi ngày, quán sát sự khuếch trương văn hóa đa nguyên, dần dần cũng đã có thành quả. Chúng ta quay lại nhìn nền giáo học của nhà Phật, đích thật là tài liệu dạy học cho những người theo đuổi công việc đa nguyên văn hóa, đây chính là kinh điển Ðại Thừa.
‘Ư nhân thiên trung lợi ích đẳng sự’, nhân thiên là chỉ cõi trời, cõi người, và cũng là những cõi trong lục đạo. Những cõi trong lục đạo đương nhiên là thể sinh hoạt đa nguyên văn hóa. Ðịa Tạng Bồ Tát, Thích Ca Thế Tôn, làm sao có thể đối với hết thảy chúng sanh, chủng loại khác nhau, tộc quần khác nhau, phương thức sinh hoạt khác nhau, thậm chí đối với tư tưởng kiến giải khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, có thể giúp họ tiêu trừ những thứ khác nhau này, giúp họ dung hợp thành một thể cộng đồng. Thể cộng đồng tức là Nhất Chân Pháp Giới, thể đa nguyên bất đồng là Thập Pháp Giới, đây là lợi ích chân thật, đây là trí huệ cao độ của Thế Tôn, sự dạy dỗ thiện xảo phương tiện. Do đó giáo học trong Phật pháp, đức Phật dạy chúng ta những gì? Ðây là điều chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Thứ nhất là đức Phật dạy con người chúng ta phải cư xử như thế nào, đức Phật dạy phải tuân theo ‘Lục Hòa Kính’. Nếu chúng ta không thể sống chung, hòa đồng với người khác thì nói chi đến thành tựu? Quan hệ giữa người với người vô cùng phức tạp, nói thật ra mỗi người, mỗi chúng sanh, đều là một hình thể đa nguyên văn hóa. Vì mỗi người, mỗi chúng sanh trong đời trước, đời đời kiếp kiếp luân hồi trong lục đạo, A Lại Da thức đã chứa đựng nhiều hạt giống, nhiều tập khí khác nhau, đó không phải là một kết cấu đa nguyên văn hóa hay sao? Huống chi lúc mọi người chung đụng với nhau thì phải đối xử như thế nào, đây là cả một sự học vấn. Có thể dẹp hết sự kỳ thị, hiểu lầm, ngăn cách. Có thể tôn kính, hợp tác, quan tâm lẫn nhau, đây là điều đức Phật hy vọng nơi chúng ta. Ðặc biệt là tu học Ðại Thừa, trong kinh thường dạy chúng ta ‘tâm bao thái hư, lượng châu sa giới’, trong hết thảy cảnh giới của chúng sanh vẫn còn vạch ranh giới, như vậy là sai rồi, trái nghịch với lời dạy của đức Phật, trái nghịch lời dạy của Bồ Tát. Cho nên học Phật điều thứ nhất là phải mở rộng tâm lượng, phải bao dung hết thảy thì bạn mới có thể vào cửa Phật, mới hiểu được lời Phật dạy, mới được lợi ích chân thật. Lợi ích chính mình, lợi ích xã hội, lợi ích hết thảy chúng sanh, những gì trong kinh giảng đều là những việc này.