/ 51
1.034

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 45 (Số 14-12-45)

Xin mở cuốn Khoa Chú, quyển hạ, trang sáu mươi mốt, xin xem kinh văn:


Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai hiện tại chư thế giới trung lục đạo chúng sanh, lâm mạng chung thời, đắc văn Ðịa Tạng Bồ Tát danh, nhất thanh lịch nhĩ căn giả, thị chư chúng sanh vĩnh bất lịch tam ác đạo khổ, hà huống lâm mạng chung thời, phụ mẫu quyến thuộc, tương thị mạng chung nhân xá trạch, tài vật, bảo bối, y phục, tố họa Ðịa Tạng hình tượng, hoặc sử bịnh nhân vị chung chi thời, nhãn nhĩ kiến văn tri đạo quyến thuộc tương xá trạch bảo bối đẳng, vị kỳ tự thân tố họa Ðịa Tạng Bồ Tát hình tượng.

復次觀世音。若未來現在諸世界中六道眾生。臨命終時。得聞地藏菩薩名。一聲歷耳根者。是諸眾生永不歷三惡道苦。何況臨命終時。父母眷屬。將是命終人舍宅。財物。寶貝。衣服。塑畫地藏形像。或使病人未終之時。眼耳見聞知道眷屬將舍宅寶貝等。為其自身塑畫地藏菩薩形像。

Lại nữa, này Quán Thế Âm! Trong các thế giới về thuở hiện tại và vị lai, nếu những chúng sanh trong Lục Đạo lúc sắp mạng chung mà được nghe một tiếng danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng thoáng qua lỗ tai, thì các chúng sanh đó vĩnh viễn không còn phải trải qua nỗi khổ nơi Tam Ác Đạo nữa, huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng quyến thuộc đem nhà cửa, tài vật, của báu, y phục v. v... của người sắp chết đó mà đắp, vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc làm cho người bịnh lúc chưa chết, được mắt thấy tai nghe, biết rằng hàng quyến thuộc đem nhà cửa, vật báu v. v... vì mình mà đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng.

Trước hết chúng ta hãy coi đoạn này, đây là việc chuyển ác nghiệp lúc lâm chung. Việc này đã có nhiều người chú ý tới. Ở Úc Châu có bạn đồng tu hỏi tôi, khi người lớn tuổi trong nhà lâm chung, phải giúp họ như thế nào. Đối với Phật pháp chưa chắc những vị đồng tu này đã nhận thức được sâu lắm, nhưng họ đều quan tâm tới đại sự lúc lâm chung. Nhà Phật thường nói ‘việc sanh tử trọng đại’. Vì con người lúc lâm chung, chẳng phải nói một người khi chết đi thì hết thảy đều chấm dứt, vậy thì chẳng phải lo lắng gì hết. Nhưng thế gian này có không ít người thông minh, người có trí huệ, và những tín đồ các tôn giáo, dù họ không hiểu rõ duyên do của việc sanh tử, nhưng sự thật này vẫn tồn tại, họ có thể tin sâu không nghi, đều băn khoăn tới chuyện sau khi chết rồi mình sẽ đi đầu thai ở cõi nào, sanh tới cõi nào? Có thể giác ngộ tới mức này đã là tương đối không dễ rồi. Nếu họ có thể nhận thức rằng việc này là nhân duyên quả báo thì lúc khởi tâm động niệm hằng ngày, họ làm bất cứ việc gì cũng sẽ dè dặt một chút. Ðây cũng là việc mà đại sư Ấn Quang muốn cứu vãn thế đạo nhân tâm, tiêu trừ kiếp nạn trên thế gian, nên đã đặc biệt đề xướng giáo dục nhân duyên quả báo, đạo lý là ở chỗ này. Nếu nói với họ về đại đạo lý của vũ trụ nhân sanh, người thật sự có thể hiểu được cũng chẳng nhiều, nhưng nói về lý luận và sự thật của nhân quả báo ứng thì người thường cũng có thể hiểu được. Ðối với việc thay đổi nhân tâm, khuyên mọi người dứt ác tu thiện, tiêu trừ hết thảy tai nạn trong thế gian có thể thâu được hiệu quả tốt đẹp. Đối với quan niệm lý luận này, có thể nói kinh Ðịa Tạng có phân lượng rất nặng trong nền giáo học này. Ðây cũng là việc mà chúng ta đã nhắc tới trong phần trước, sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ, tại sao đức Phật giao phó trọng trách giáo hóa chúng sanh cho Ðịa Tạng Bồ Tát, đạo lý là như vậy.

Kinh văn vừa mở đầu, đức Phật gọi Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm ở đây đại biểu cho chúng sanh trong lục đạo, nên gọi Quán Thế Âm Bồ Tát cũng như gọi tên của chúng ta vậy. Ðoạn kinh sau khai thị, đối với chúng ta mà nói vô cùng thân thiết, đặc biệt là khi chúng ta thấy câu ‘các thế giới vị lai và hiện tại’, chữ ‘vị lai’ được đặt ở hàng đầu, chữ ‘hiện tại’ là chỉ đại chúng hiện diện trong pháp hội lúc đó được đặt ở hàng nhì, ‘vị lai’ đặt ở hàng nhất. Từ đó có thể thấy kinh này thật ra là nhằm giảng cho chúng ta nghe. ‘Chư thế giới trung’ chẳng phải chỉ là thế giới Sa Bà mà thôi, nó chỉ rõ pháp môn Ðịa Tạng gồm tận hư không, trọn khắp pháp giới, cùng với kinh Tịnh Ðộ, kinh Hoa Nghiêm không hai không khác. Từng chi tiết nhỏ đều tỏ rõ phạm vi của pháp Ðại Thừa gồm tận hư không, trọn khắp pháp giới. Ðối tượng của Ðại Thừa là hết thảy chúng sanh trong pháp giới, chúng ta hiểu được ý nghĩa này thì tâm lượng của chúng ta mới được mở rộng, đây là chân tâm, đây là tâm lượng vốn sẵn có của chúng ta, đúng như câu ‘tâm bao trùm hư không, lượng gồm hết thế giới nhiều như cát’, hết thảy chúng sanh vốn có sẵn [tâm này], cùng chư Phật Như Lai không hai không khác. Bây giờ tại sao tâm lượng nhỏ như vậy? Tâm lượng nhỏ nên mới bị tà môn ngoại đạo gạt gẫm, nên mới có chuyện bị lừa gạt, bị thiệt thòi, tâm lượng mở rộng thì sẽ không như vậy. Chẳng có gì hư không pháp giới chẳng bao gồm, do đó mỗi chữ mỗi câu trong kinh đều có ý nghĩa sâu rộng vô hạn, chúng ta phải thấu hiểu, phải học hỏi từ đó. Cho nên đoạn này ghi ‘chư thế giới trung’, chẳng ghi là Sa Bà thế giới.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51