/ 51
1.138

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 43 (Số 14-12-43)

Xin mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang bốn mươi tám, đoạn này giới thiệu đơn giản tác dụng của việc Thế Tôn phóng hào quang, trước hết chúng ta giới thiệu sơ những danh tướng này rồi mới tổng hợp lại.


Sở vị bạch hào tướng quang, đại bạch hào tướng quang, thụy hào tướng quang, đại thụy hào tướng quang, ngọc hào tướng quang, đại ngọc hào tướng quang, tử hào tướng quang, đại tử hào tướng quang, thanh hào tướng quang, đại thanh hào tướng quang, bích hào tướng quang, đại bích hào tướng quang, hồng hào tướng quang, đại hồng hào tướng quang, lục hào tướng quang, đại lục hào tướng quang, kim hào tướng quang, đại kim hào tướng quang, khánh vân hào tướng quang, đại khánh vân hào tướng quang, thiên luân hào quang, đại thiên luân hào quang, bảo luân hào quang, đại bảo luân hào quang, nhật luân hào quang, đại nhật luân hào quang, nguyệt luân hào quang, đại nguyệt luân hào quang, cung điện hào quang, đại cung điện hào quang, hải vân hào quang, đại hải vân hào quang.

所謂白毫相光。大白毫相光。瑞毫相光。大瑞毫相光。玉毫相光。大玉毫相光。紫毫相光。大紫毫相光。青毫相光。大青毫相光。碧毫相光。大碧毫相光。紅毫相光。大紅毫相光。綠毫相光。大綠毫相光。金毫相光。大金毫相光。慶雲毫相光。大慶雲毫相光。千輪毫光。大千輪毫光。寶輪毫光。大寶輪毫光。日輪毫光。大日輪毫光。月輪毫光。大月輪毫光。宮殿毫光。大宮殿毫光。海雲毫光。大海雲毫光。

Như là: Tướng hào quang màu trắng, tướng hào quang màu trắng lớn; tướng hào quang tốt lành, tướng hào quang tốt lành lớn; tướng hào quang ngọc, tướng hào quang ngọc lớn; tướng hào quang màu tía, tướng hào quang màu tía lớn; tướng hào quang màu xanh, tướng hào quang màu xanh lớn; tướng hào quang màu xanh biếc, tướng hào quang màu xanh biếc lớn; tướng hào quang màu đỏ, tướng hào quang màu đỏ lớn; tướng hào quang màu lục, tướng hào quang màu lục lớn; tướng hào quang màu vàng y, tướng hào quang màu vàng y lớn; tướng hào quang mây lành, tướng hào quang mây lành lớn; tia sáng ngàn vòng tròn, tia sáng ngàn vòng tròn lớn; tia sáng vòng tròn báu, tia sáng vòng tròn báu lớn; tia sáng vầng mặt trời, tia sáng vầng mặt trời lớn; tia sáng vầng mặt trăng, tia sáng vầng mặt trăng lớn; tia sáng cung điện, tia sáng cung điện lớn; tia sáng mây biển, tia sáng mây biển lớn.

Thứ nhất là:


Bạch hào tướng quang.

白毫相光。

Tướng hào quang màu trắng.

Bạch hào là một trong ba mươi hai tướng tốt [của đức Phật], trong chú giải có nói đến nghiệp nhân của hảo tướng này, tuy chỉ có một hai câu nhưng vô cùng quan trọng. ‘Trong lúc bố thí, có thể làm vừa lòng người nhận’, hai câu này quan trọng. Chúng ta biết đức Phật dạy hết thảy chúng sanh, dạy những gì? Dạy bố thí, bố thí chính là xả, chính là buông xuống. Có thể xả hết thảy thì người đó sẽ thành Phật. Có xả nhưng không rốt ráo, thì người đó là Bồ Tát, còn phàm phu thì hoàn toàn không biết xả. Phạm vi của chữ ‘Xả’ này rộng vô cùng, có thể nói hết thảy pháp mà Thế Tôn giảng trong suốt bốn mươi chín năm đều nói về một việc bố thí, chư vị hãy lắng lòng suy nghĩ về ý nghĩa này. Bên trong thì phải xả hết thảy phiền não; tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến là những thứ bên trong, khi nào bạn có thể xả hết thì bạn siêu việt luân hồi. Do đó có thể biết, luân hồi hình thành như thế nào? Luân hồi là do tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến tạo thành, chẳng do người khác tạo ra, mà do chính mình tạo ra. Bên ngoài là ngũ dục lục trần, tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tất cả đều phải xả hết.

Đức Phật dạy chúng ta xả dựa trên đạo lý gì? Ðức Phật đã giảng đạo lý này rất rõ ràng, rành rẽ, trong suốt bốn mươi chín năm giảng dạy chẳng khi nào, chẳng nơi nào Ngài không nói, đặc biệt là trong kinh Bát Nhã, đức Phật dạy chúng ta ‘vạn pháp vô sở hữu, tam tâm bất khả đắc’ (vạn pháp chẳng có cái sở hữu, tam tâm chẳng thể được), câu này đã nói toạc chân tướng sự thật ra rồi. Hết thảy hiện tượng bên ngoài ngũ dục lục trần đều vô sở hữu, trong kinh dạy ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’, ‘Hết thảy pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng’, bạn làm sao có thể có được? Bạn mong muốn có được thì sai rồi! Một niệm này vừa khởi lên thì lục đạo liền hiện ra, bạn bèn rơi vào lục đạo luân hồi, chẳng biết hết thảy pháp huyễn có, chẳng phải thật có, đó là giả. Tam tâm chẳng thể được, ‘tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được’. Cái tâm có thể được thì không tồn tại, những pháp có thể được đều chẳng tồn tại, đức Phât dạy bạn cách sống một cuộc sống bình thường, đó chính là vạn duyên buông xuống, thân tâm thế giới đều chẳng thể được, đây là cảnh giới Phật. Ðây chính là đời sống của một người bình thường, cảnh giới của người bình thường. Bên trong bạn có một tâm niệm ‘có được’, bên ngoài [bạn nghĩ rằng] có hết thảy những thứ có được, vậy thì bạn đã hoàn toàn mê mất rồi. ‘Lúc hành bố thí, có thể làm vừa lòng người nhận’, ý này rất sâu, bạn làm thế nào mới làm vừa lòng người khác? Làm việc bố thí, làm cho người ta giác ngộ, đó mới là làm vừa lòng người khác. Chẳng phải họ muốn tiền tài, họ được tiền tài thì sẽ thỏa mãn, đó là thỏa mãn lòng tham, sân, si, hoàn toàn trái ngược với chân tướng sự thật.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51