784

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 42 (Số 14-12-42)

  Xin mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang bốn mươi bốn, xin xem kinh văn:

 

  Phi đản nhữ độc hộ thị nhân cố, diệc hữu Thích Phạm quyến thuộc, chư thiên quyến thuộc ủng hộ thị nhân.

非但汝獨護是人故。亦有釋梵眷屬。諸天眷屬擁護是人

  Chẳng phải chỉ riêng mình ông hộ trì người đó, mà cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Ðế Thích, và quyến thuộc của chư thiên ủng hộ người đó nữa!

  Đoạn kinh này tiếp theo đoạn trước, Kiên Lao địa thần hộ trì, cúng dường cho người chuyển đọc, tu hành y theo lý luận phương pháp của kinh này, Thế Tôn lại nói với chúng ta, không phải chỉ có địa thần hộ pháp hộ trì, ‘Thích Phạm’, Thích là thiên vương Đế Thích, chúng ta thường gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, các tôn giáo ngoại quốc gọi là Thượng Đế, Thiên Chủ, ‘Phạm’ là Đại Phạm Thiên Vương. Những thiên vương và thiên thần này, chữ quyến thuộc đều là thiên thần, chẳng có ai không ủng hộ người tu hành này. Người tu hành này là người như thế nào? Trang bốn mươi hai phía trước, hôm nay có vài vị đồng tu mới đến chưa nghe qua nên chúng ta hãy đọc một lượt hàng cuối trang bốn mươi hai: ‘Nhược vị lai thế trung, hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, cúng dường Bồ Tát, cập chuyển độc thị kinh. Đản y Địa Tạng Bổn Nguyện kinh, nhất sự tu hành giả’ (Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào cúng dường Bồ Tát cùng chuyển đọc kinh điển này, dù chỉ y theo một việc trong Kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện mà tu hành) họ chính là hạng người này. Chữ ‘vị lai thế’ tức là chỉ chúng ta ngày nay, năm xưa khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thường dùng chữ vị lai thế hay chữ mạt pháp để nói tới thời đại chúng ta ngày nay. Quan trọng là chữ thiện, ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’, chữ thiện ở đây là dùng tiêu chuẩn gì, người như thế nào mới gọi là thiện? Tiêu chuẩn đơn giản nhất là Tam Phước dạy trong Quán Kinh, trong phần tổng kết, đức Phật nói [Tam Phước] là tịnh nghiệp chánh nhân của chư Phật ba đời. Phước thứ nhất gồm có bốn câu: ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp’.  Làm được hết bốn điều này mới được gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân; đây là tiêu chuẩn thấp nhất của chữ thiện.  Nếu bốn điều này cũng không làm nổi thì không thể gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân, đây là điều chúng ta nhất định phải ghi nhớ, phải hiểu rõ. Tại sao chúng ta đọc kinh, y theo phương pháp dạy trong kinh để tu hành, kết quả không giống như kết quả nói trong kinh? Nguyên nhân là ở chỗ nào? Đều ở tại chữ thiện này, trong kinh đã nói rất rõ ràng, phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Nếu không phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân thì tu hành theo phương pháp này, quả báo sẽ thua rất xa, chẳng thù thắng như vậy, đây là việc mà chúng ta phải hiểu.

  Tối hôm qua, trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta đọc tới ‘thiên vương ở cõi Tam thập tam’ đại biểu cho Sơ Địa Bồ Tát ‘Hoan Hỷ Địa’.  Tam thập tam thiên vương chính là thiên chủ cõi trời Đao Lợi, Ngài tượng trưng cho ý nghĩa gì? Ngũ giới thập thiện. Nói cách khác, đó vẫn là phước thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, ‘hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng’, dùng tâm đại từ bi để tu mười nghiệp thiện, đó chính là Hoan Hỷ Địa. Nếu chúng ta không thể y giáo phụng hành, ngay cả tiêu chuẩn thấp nhất của thiện nam tử, thiện nữ nhân cũng không đạt được, thì chúng ta học Phật cả đời có thể nói là chỉ kết thiện duyên với Phật mà thôi, có thể thành tựu hay không? Không thể thành tựu. Thành quả cao nhất cũng chẳng qua là đời sau được phước báo nhân thiên, không thể nào liễu sanh tử, thoát luân hồi, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Trong hết thảy kinh luận đều nói tới chữ thiện này, chúng ta nhất định phải sốt sắng học theo. Phải đạt được tiêu chuẩn thiện trong kinh, quả báo nói trong kinh quá thù thắng. Tiêu chuẩn này có thể đạt được quả báo thù thắng đó hay không? Không thể. Tại sao? Thiện này của bạn vừa đạt tới tiêu chuẩn, là thiện sơ cấp, chỉ là ‘tiểu thiện’. Kinh Địa Tạng Bồ Tát là kinh Đại Thừa, không phải là Tiểu Thừa, do đó tiêu chuẩn của chữ thiện này phải nâng cao lên, phước thứ hai trong Tam Phước: ‘Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’.  Đây là thiện của Nhị Thừa, của A La Hán, Bích Chi Phật, cao hơn chữ thiện nói ở phần trước. Họ tu hành có thể đạt được quả báo này không? Vẫn chưa được, còn thiếu một chút. Nâng cao lên nữa là thiện Đại Thừa, đó là ‘Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả’, đây là tiêu chuẩn của chữ thiện nói trong kinh này.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net