/ 51
893

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 39 (Số 14-12-39)

  Xin mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang hai mươi ba, chúng ta hãy đọc kinh văn một lần:

 

  Phục thứ Địa Tạng! Nhược vị lai thế trung, hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, ngộ Phật tháp tự Đại Thừa kinh điển. Tân giả bố thí cúng dường, chiêm lễ tán thán, cung kính hiệp chưởng. Nhược ngộ cố giả, hoặc huỷ hoại giả, tu bổ doanh lý, hoặc độc phát tâm, hoặc khuyến đa nhân đồng cộng phát tâm.

復次地藏。若未來世中。有善男子善女人。遇佛塔寺大乘經典。新者布施供養。瞻禮讚歎。恭敬合掌。若遇故者。或毀壞者。修補營理。或獨發心。或勸多人同共發心

Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp thờ Phật và kinh điển Ðại Thừa, nếu còn mới thì bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ lạy, khen ngợi, chắp tay cung kính; nếu đã cũ kỹ hoặc hư hoại thì sửa sang tu bổ, hoặc riêng mình phát tâm, hoặc khuyên nhiều người khác cùng phát tâm.

  Nửa phần trước trong đoạn kinh này đã giới thiệu qua, nửa phần sau này dạy [cách chúng ta xử lý] những đồ cũ. Quy mô của tháp tự cũ rất lớn, chẳng phải đơn độc một hai người thường có thể làm, có thể tu sửa, do đó ở đây đức Phật dạy nếu bạn có khả năng thì một người phát tâm, rất tốt! Công đức vô cùng thù thắng, nếu một mình không có khả năng thì khuyên mọi người cùng phát tâm, cả hai đều là vô lượng công đức. Còn sau khi tu bổ kinh điển, nhất định phải có nơi chốn đàng hoàng để cất giữ; thời xưa có một số gia đình chứa của báu trong nhà, đời đời tương truyền, đại gia đình có nề nếp có thể truyền được lâu dài. Hiện nay là quy chế gia đình nhỏ, vả lại phải thường dời chỗ ở. Chẳng giống như hồi trước ở Trung Quốc chọn một nơi xây nhà, một khi cư trú chỗ nào là mấy trăm năm ở mãi trong một ngôi nhà. Con người hiện nay thường dọn nhà, ở ngoại quốc chỉ cần cắm một cái bảng thì tùy tiện có thể bán nhà, do đó bảo tồn những điển tịch cổ này rất khó khăn. Khi gặp trường hợp như vậy chúng ta phải có trí huệ, tốt nhất là đem để ở trường, hoặc thư viện chính phủ. Ở Trung Quốc chùa lớn, đại tòng lâm, chúng ta biết những chỗ đó có thể giữ được lâu dài, có thể bảo quản, như Tứ Đại Danh sơn ở Trung Quốc, những đạo tràng này bất luận có thay đổi như thế nào, thì những đạo tràng này vẫn được duy trì. Ở nơi đó có lầu tàng kinh, có thể giữ ở những chỗ đó. Đây là giữ những cuốn kinh cũ, sau khi tu bổ, sửa sang xong đem cất giữ ở những chỗ nói trên. Còn những cuốn cũ quan trọng, chúng ta có thể in lại. In lại có thể lưu thông rộng rãi, còn bản gốc thì giữ gìn cẩn thận, bản in lại thì lưu truyền rộng rãi. Thậm chí có thể đem vào máy điện toán, giữ trong máy điện toán có hai cách, một là dùng cách chụp hình để giữ trong máy, có thể nhìn thấy hình dáng của bản in gốc trên máy điện toán, hình dáng của chữ in trong bản in gốc, làm vậy rất có giá trị nghệ thuật. Còn một cách nữa là làm bản in mới để lưu thông trên mạng, cách này cũng tốt.

  Nói chung, Phật pháp coi trọng ở chỗ lưu thông phổ biến, chứ không coi trọng ở chỗ cất giữ, vì bạn cất giữ thì có ích lợi cho ai? Do đó nhất định phải lưu thông, công đức của sự lưu thông thù thắng vô cùng.  Ngày nay chúng ta thấy nhiều chỗ in kinh, trong thị trường người đời in kinh phía sau có ghi câu ‘Sở hữu bản quyền, in lại nhất định truy cứu’, như vậy còn được. Nếu là tứ chúng đệ tử trong cửa Phật, hoặc là đạo tràng, nếu trang bản quyền lại in câu này thì phiền phức lớn lắm, cả đời bạn tu hành có tốt tới đâu, công đức có làm lớn tới đâu đi nữa, bạn sẽ không tránh khỏi đọa lạc. Nguyên nhân là gì?  Bạn gây chướng ngại cho sự lưu thông Phật pháp, tội này nặng hơn bất cứ tội gì khác, bạn có làm bao nhiêu chuyện tốt gì cũng chẳng chống chọi nổi tội này; bạn đã làm cho pháp thân huệ mạng của bao nhiêu người đoạn dứt vì câu [bản quyền] này, do đó chúng ta phải rõ ràng rành rẽ về sự lợi hại được mất của chuyện bản quyền. Phàm có thể đem lại lợi ích cho xã hội, lợi ích đại chúng, lưu thông là bố thí. Phía trước đã nói qua, thí tài thì được giàu sang, thí pháp thì được trí huệ, nếu bạn không chịu bố thí, gây trở ngại cho sự bố thí, không những bạn chịu quả báo nghèo hèn mà còn phải bị quả báo ngu si. Ngu si rất đáng sợ, người tạo tội cực nặng, nguyên nhân căn bản đều là ngu si. Thời gian thọ báo trong tam ác đạo, như kinh đã nói đều là ‘vô số kiếp’, người ta phải chịu nạn to lớn này đều vì họ chẳng hiểu đạo lý. Một niệm chuyển đổi trở lại, phát tâm bố thí, phát tâm cúng dường, thì được phước vô lượng.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51