/ 51
1.178

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 38 (Số 14-12-38)

Xin mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang mười bảy, lần trước đã nói qua đoạn kinh này, chúng ta đọc lại một lần:


Phục thứ Ðịa Tạng! Nhược vị lai thế trung, hữu chư quốc vương cập Bà La Môn đẳng, năng tác như thị bố thí, hoạch phước vô lượng, cánh năng hồi hướng bất vấn đa thiểu, tất cánh thành Phật. Hà huống Thích Phạm Chuyển Luân chi báo.

復次地藏。若未來世中。有諸國王及婆羅門等。能作 如是布施。獲福無量。更能迴向不問多少。畢竟成佛。何況釋梵轉輪之報。

Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v..., có thể làm những việc bố thí như thế, sẽ được vô lượng phước lành. Nếu có thể đem hồi hướng, thì không kể là nhiều hay ít, rốt ráo đều sẽ thành Phật; huống gì là những quả báo Thích, Phạm, Chuyển Luân.

Phía trước đã báo cáo tường tận rồi, trong đoạn này quan trọng nhất là tâm lượng, ngạn ngữ Trung Quốc có nói ‘[tâm] lượng lớn thì phước lớn’. Tại sao lại trồng phước nhỏ, bố thí ít có thể được phước báo lớn như vậy? Ðây là điều người mới học Phật như chúng ta nghe lời dạy trong kinh sẽ không khỏi hoài nghi. Sự hoài nghi này đều [là vì chúng ta] dùng nhân tình thế gian để đo lường, chứ không biết việc này nhân tình chẳng thể tưởng tượng nổi. Lý luận trong đó là vì xứng tánh, chỉ cần xứng tánh thì dù bố thí rất ít, thật sự như một sợi lông, một hạt bụi nhỏ xíu, công đức đó cũng bằng tận hư không, trọn khắp pháp giới. Phật pháp thù thắng ở chỗ này, chỗ khó [hiểu trong] Phật pháp cũng ở tại chỗ này, khó ở chỗ phàm phu vĩnh viễn không thể mở rộng tâm lượng, tâm lượng vẫn còn nhỏ, tâm lượng nhỏ thì dù có bố thí cho nhiều đi nữa, phước báo cũng có hạn; nếu có tâm lượng lớn, bố thí nhỏ nhoi thì phước báo cũng không thể nghĩ bàn, [chúng ta] phải lắng lòng thể hội đạo lý này. Trong chú giải có vài câu, trang mười bảy, hàng thứ ba đếm ngược lại, coi từ chính giữa, tôi đọc cho mọi người nghe ‘Nhược bất vị tự cầu nhân thiên phước báo’ (nếu không tự cầu phước báo nhân thiên), nhược là giả thiết, giả sử chúng ta nhất định chẳng vì cầu phước báo nhân thiên cho mình, mục đích của sự bố thí là gì? ‘Ðều hồi hướng cho pháp giới chúng sanh’, chỉ hy vọng hết thảy chúng sanh được phước, được lợi ích, tuyệt đối chẳng nghĩ đến mình, vậy thì phước báo của sự bố thí này sẽ rất lớn. Do đó ‘Tắc bất vấn thí chi đa thiểu, tất cánh thành Phật’ (nên không hỏi bố thí bao nhiêu, rốt cuộc sẽ thành Phật). Dùng bốn chữ ‘tất cánh thành Phật’ để hình dung phước báo đó bao lớn, vì phước báo thế gian và xuất thế gian chẳng có gì lớn hơn việc thành Phật, nói đến thành Phật thì phước báo đó đạt tới mức rốt ráo viên mãn. Chúng ta phải hiểu đạo lý này thì chúng ta sẽ không hoài nghi nữa. Sau cùng đức Phật tóm tắt lại:


Thị cố Ðịa Tạng phổ khuyến chúng sanh đương tri thị học.

是故地藏普勸眾生當如是學。

Vì thế, này Ðịa Tạng, ông nên khuyến hóa chúng sanh đều phải học theo như thế.

Câu này tổng kết đoạn trước, vì đoạn trên nói về duyên cố, trồng thiện nhân được thiện quả, quả báo thù thắng như vậy thì ai mà không mong cầu? Tại sao chúng sanh cầu không được? Phương pháp tu học của chúng sanh không đúng như lý, không đúng như pháp, cho nên được phước có hạn, tu học đúng như lý, như pháp thì sẽ được phước vô lượng vô biên. Nhưng [muốn biết] lý luận và phương pháp thì nhất định phải đi sâu vào Kinh Tạng, nếu không đọc kinh, không nghiên cứu giáo lý thì làm sao bạn hiểu được lý luận này? Làm sao biết được phương pháp này? Cho nên chư Phật, Bồ Tát, chư tổ sư đại đức xưa nay thường khuyến khích chúng ta ‘không thể không đọc kinh điển’, đạo lý là ở chỗ này. Xem tiếp đoạn sau, thứ hai là ‘Nam nữ thí phước’, xin xem kinh văn:


Phục thứ Ðịa Tạng!

復次地藏。

Lại nữa, này Ðịa Tạng!

Lại gọi Ðịa Tạng Bồ Tát thêm một lần nữa.


Vị lai thế trung nhược thiện nam tử thiện nữ nhân, ư Phật pháp trung chủng thiểu thiện căn, mao phát sa trần đẳng hứa, sở thọ phước lợi bất khả vi dụ.

未來世中若善男子善女人。於佛法中種少善根。毛髮沙塵等許。所受福利不可為喻。

Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào ở trong Phật Pháp mà gieo trồng chút ít thiện căn chừng bằng mảy lông, sợi tóc, hạt cát, hạt bụi, thì phước lợi được thọ hưởng sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.

Ðoạn kinh này cũng thường làm cho đại chúng khởi nghi hoặc, có nhiều người tự cho rằng mình ở trong nhà Phật trồng phước tu thiện rất nhiều rồi, nhưng tại sao không được phước? Trong lịch sử Trung Quốc nổi tiếng nhất là Lương Võ Ðế, Lương Võ Ðế cả đời tu bố thí có ai sánh bằng? Lúc đó ông dùng quyền lực, oai thế của một ông vua để hộ trì Phật pháp, xây dựng chùa chiền, trong lịch sử ghi đến bốn trăm tám chục ngôi chùa. Thường thì nhà Phật chúng ta thường nói xây một ngôi tháp, đúc một tượng Phật thì được phước báo chẳng thể nghĩ bàn rồi, huống chi ông vua đã xây bốn trăm tám mươi ngôi chùa! Bạn có thể tính số tượng Phật ông đã đúc là bao nhiêu chăng? Không thể nói mỗi chùa chỉ cúng một tượng Phật thôi đâu, vậy thì ông tạo bao nhiêu tượng Phật, tượng Bồ Tát. Bố thí cúng dường người xuất gia, ông rất thích [giúp cho] người ta xuất gia, khi có người xuất gia thì ông nhất định sẽ bố thí cúng dường, trong sách ghi [ông cúng dường] mấy trăm ngàn người, phước báo đó bao lớn! Phước báo thì nhất định là có, nghiệp lực của ông chẳng thể chuyển đổi trở lại, vì lý do gì? Tâm lượng không lớn, chẳng có trí huệ, đây là việc mà nhà Phật thường nói ‘chỉ tu phước, chứ không tu huệ’, ông chỉ tu tài thí, hình như cũng có pháp thí, nhưng vẫn thiếu trí huệ, [vì] tâm lượng chẳng lớn.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51