ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Xin mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang ba mươi hai, xin xem kinh văn:
Thị Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, ư chư Bồ Tát thệ nguyện thâm trọng. Thế Tôn! Thị Ðịa Tạng Bồ Tát ư Diêm Phù Ðề hữu đại nhân duyên, như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc, diệc hóa bách thiên thân hình độ ư lục đạo, kỳ nguyện thượng hữu tất cánh.
是地藏菩薩摩訶薩。於諸菩薩誓願深重。世尊。是地藏菩薩於閻浮提有大因緣。如文殊。普賢。觀音。彌勒。亦化百千身形度於六道。其願尚有畢竟。
Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đây so với chư Bồ Tát, thì thệ nguyện thâm trọng. Bạch Ðức Thế Tôn! Bồ Tát Ðịa Tạng đây có đại nhân duyên với cõi Diêm Phù Ðề. Như các Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc, cũng hóa hiện trăm ngàn thân hình để độ Lục Ðạo, nhưng nguyện của các Ngài còn có lúc hoàn mãn.
Ðoạn kinh này so sánh cho chúng ta coi, chỉ rõ Ðịa Tạng Bồ Tát có duyên phận đặc biệt với thế gian này; Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc cũng có duyên phận rất sâu với thế gian chúng ta, chẳng thua gì Ðịa Tạng Bồ Tát. Ở chỗ này so sánh thệ nguyện, nói nguyện của các Bồ Tát khác độ hóa chúng sanh trong lục đạo còn có khi chấm dứt, chỉ có nguyện của Ðịa Tạng Bồ Tát chẳng có khi chấm dứt, ‘địa ngục chẳng không, thề chẳng thành Phật’. Nguyện này đích thật sâu nặng hơn nguyện của các Bồ Tát khác. Chúng ta biết Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc đều là cổ Phật tái lai, thị hiện thân Bồ Tát trong lục đạo để độ hóa chúng sanh. Trong kinh đức Phật có nói, Văn Thù Bồ Tát trước kia đã từng làm Long Chủng Thượng Vương Phật, điều này chỉ rõ trong kiếp lâu xa trước kia các Ngài đã thành Phật rồi, hiện nay giúp đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy dỗ chúng sanh trong thế gian này, đúng như câu ‘Một đức Phật ra đời, ngàn Phật ủng hộ’, là ý nghĩa như vậy, chúng ta phải hiểu. Xin xem tiếp kinh văn:
Thị Ðịa Tạng Bồ Tát, giáo hóa lục đạo nhất thiết chúng sanh, sở phát thệ nguyện kiếp số như thiên bách ức Hằng hà sa’.
是地藏菩薩。教化六道一切眾生。所發誓願劫數如千百億恒河沙。
Còn Bồ Tát Ðịa Tạng đây phát thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh trong Lục Ðạo, trải đến kiếp số như số cát của trăm ngàn ức sông Hằng’.
Câu này nói rõ Ðịa Tạng Bồ Tát dùng thân phận Bồ Tát để giúp đỡ hết thảy chúng sanh, thời gian dài chẳng có cách chi tính kể, Bồ Tát đời đời kiếp kiếp đều đã phát lời trọng nguyện. Trong hội này chúng ta thấy, trong phẩm Tựa đại chúng tham dự pháp hội là mười phương chư Phật Như Lai. Phía trước đã báo cáo với chư vị, các chư Phật Như Lai này đều là học trò của Ðịa Tạng Bồ Tát, con số học trò thành Phật đã chẳng thể nghĩ bàn, còn thầy giáo vẫn dùng thân phận Bồ Tát để giúp đỡ hết thảy chúng sanh, đây là điều chúng ta phải nên học tập. Tích lũy công đức, giáo hóa chúng sanh, chẳng màng đến địa vị của mình, chẳng màng lợi ích cá nhân, Ðịa Tạng Bồ Tát hầu như lấy việc này để tỏ rõ cho chúng ta, dạy chúng ta phải học tập như thế nào. Có lẽ có bạn đồng tu sẽ hỏi trong Phẩm Phổ Môn có nói ‘Nên dùng thân Phật để độ được, Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật để nói pháp’. Ðịa Tạng Bồ Tát có thể hiện thân Phật để thuyết pháp hay không? Ðương nhiên là có thể, nếu Ðịa Tạng Bồ Tát gặp hạng chúng sanh này, nên dùng thân Phật để độ được, đương nhiên Ngài sẽ hiện thân Phật để thuyết pháp, chúng ta phải hiểu rõ cả Lý lẫn Sự, không thể nghiêng về một bên. Do đó có thể biết chư Phật Bồ Tát giáo hóa chúng sanh đều rất linh động, tùy cơ ứng biến, tuyệt chẳng phải cứng chắc như khúc gỗ, vô cùng hoạt bát, cho nên mới làm cho hết thảy chúng sanh khai ngộ, làm cho chúng sanh được lợi ích chân thật. Xin xem đoạn kinh kế tiếp:
Thế Tôn! Ngã quán vị lai cập hiện tại chúng sanh, ư sở trú xứ ư Nam phương thanh khiết chi địa, dĩ thổ thạch trúc mộc, tác kỳ khám thất, thị trung năng tố họa nãi chí kim ngân đồng thiết. Tác Ðịa Tạng hình tượng, thiêu hương cúng dường, chiêm lễ tán thán.
世尊。我觀未來及現在眾生。於所住處於南方清潔之地。以土石竹木。作其龕室。是中能塑畫乃至金銀銅鐵。作地藏形像。燒香供養。瞻禮讚歎。
Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh đời hiện tại và vị lai, nơi chỗ sạch sẽ ở phương Nam trong cuộc đất mình trú ngụ, mà dùng đất, đá, tre, gỗ dựng cất cái khám hoặc cái thất; ở trong đó có thể tô vẽ cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt làm hình tượng Ðịa Tạng Bồ Tát, đốt hương cúng dường, chiêm lễ, ngợi khen.
Ðoạn này nói người có thể cúng dường tu phước, đặc biệt chữ ‘vị lai’ là chỉ thời đại ngày nay của chúng ta. Câu ‘hiện tại chúng sanh’ có hai cách giải thích, một là nói lúc Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp ở cung trời Ðao Lợi, đại chúng tham gia lúc đó chính là ‘hiện tại chúng sanh’. Còn một ý nghĩa nữa là vị lai hiện tại, thời gian vị lai quá dài, quá dài, hãy dùng sự tích Ðịa Tạng Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, thời gian kể từ sau lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ cho đến trước lúc Di Lặc Bồ Tát hạ sanh đều thuộc về đời vị lai. Vị lai, hiện tại chúng sanh, đó chính là các thời đại, các vùng, chỉ cần chúng ta gặp bộ ‘Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện’, chỉ cần nghe đến pháp môn này, thì chúng ta thuộc về [những chúng sanh] nói trong câu trên. Nói một cách khác, câu này chính là nói về chúng ta.