/ 51
863

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 18 (Số 14-12-18)

 

PHẨM THỨ 6: NHƯ LAI TÁN THÁN

如來讚歎品第六

 

Xin mở cuốn Khoa Chú, quyển trung, trang hai mươi lăm, xin xem kinh văn:

 

Nhĩ thời Thế Tôn cử thân phóng đại quang minh, biến chiếu bách thiên vạn ức Hằng hà sa đẳng chư Phật thế giới, xuất đại âm thanh phổ cáo chư Phật thế giới nhất thiết chư Bồ Tát Ma Ha Tát, cập thiên long quỷ thần nhân phi nhân đẳng. Thính ngô kim nhật xưng dương tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, ư thập phương thế giới hiện đại bất khả tư nghị oai thần từ bi chi lực, cứu hộ nhất thiết tội khổ chi sự.

爾時世尊舉身放大光明。遍照百千萬億恒河沙等諸佛世界。出大音聲普告諸佛世界一切諸菩薩摩訶薩。及天龍鬼神人非人等。聽吾今日稱揚讚歎地藏菩薩摩訶薩。於十方世界現大不可思議威神慈悲之力。救護一切罪苦之事。

Lúc đó toàn thân Thế Tôn phóng đại quang minh, chiếu khắp trăm ngàn vạn ức số cát sông Hằng thế giới chư Phật, phát ra âm thanh lớn bảo hết thảy chư Bồ Tát Ma Ha Tát và thiên long quỷ thần, nhân, phi nhân, v. v. ở khắp các thế giới chư Phật. Hãy lắng nghe hôm nay Ta xưng dương tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát ở mười phương thế giới hiện sức từ bi oai thần to lớn không thể nghĩ bàn, cứu giúp hết thảy những sự tội khổ.

Ðến đây là một đoạn. Ðoạn kinh phía trước giới thiệu Ðịa Tạng Bồ Tát cho chúng ta, Ðịa Tạng Bồ Tát là vị giáo chủ có thể giáo hóa, ngày nay chúng ta gọi là Ðạo Sư, Ngài là vị Ðạo Sư có khả năng, có trí huệ hướng dẫn chúng ta thoát ly khổ nạn. Cũng thuyết minh đối tượng Bồ Tát giáo hóa độ thoát, vô cùng khó được là Ngài có thể độ chúng sanh trong địa ngục, điểm này chúng ta phải thấu hiểu kỹ càng. Trong hết thảy chúng sanh, căn tánh thấp nhất, tạo tội nghiệp sâu nặng nhất chính là chúng sanh trong địa ngục.  Ngài có năng lực độ thoát chúng sanh trong địa ngục, thì những chúng sanh khác khỏi phải nói, đều dễ độ hơn vì khó độ nhất Ngài cũng có thể độ. Do đó có thể biết, vị Bồ Tát này đích thật chẳng thể nghĩ bàn. Từ đoạn kinh văn phía trước chúng ta có thể hiểu, Ngài đích thật có năng lực phổ độ hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới, cùng trí huệ đức năng của quả địa Như Lai không hai không khác. Cho nên giới thiệu xong Thế Tôn đặc biệt tán thán Ngài. Dụng ý của sự tán thán này rất sâu, rất rộng, mục đích là muốn chư đại Bồ Tát trong mười phương thế giới phải ủng hộ Ðịa Tạng Bồ Tát, toàn tâm toàn lực giúp đỡ Ngài độ thoát chúng sanh đang chịu khổ nạn. Ý nghĩa tức là nhất định phải tuyên dương kinh này, tán thán công đức của Bồ Tát, phổ độ hết thảy chúng sanh, mục đích là như vậy.

Kinh văn vừa mở đầu: ‘Toàn thân phóng đại quang minh, chiếu khắp trăm ngàn vạn ức số cát sông Hằng thế giới chư Phật’, câu này nói rõ Thế Tôn phóng hào quang chiếu soi tận hư không, trọn khắp pháp giới, chẳng sót chỗ nào, bất cứ nơi nào cũng chiếu đến. Cảnh giới này cùng cảnh nói trong kinh Hoa Nghiêm hoàn toàn giống nhau. ‘Toàn thân’ đặc biệt chú trọng chữ ‘thân’, thân là sắc tướng, quang từ thân tướng này phóng ra.  Quang này là quang minh của tâm tánh, tự tánh vốn sẵn có quang minh của Bát Nhã. Phía trước đã nói với chư vị, làn sóng ánh sáng này vô cùng đặc biệt, vì cường độ của nó là bình đẳng, trong một sát-na liền tỏa khắp hư không pháp giới, chẳng giống như ánh sáng của mặt trăng, mặt trời mà mắt thịt chúng ta nhìn thấy, tốc độ của ánh sáng này rất chậm. Khoa học gia nói ánh sáng phát ra từ nhiều ngôi sao truyền đến địa cầu phải mất nhiều năm, mấy trăm năm ánh sáng (quang niên), mấy ngàn năm ánh sáng, mấy vạn năm ánh sáng, phải trải qua thời gian dài như vậy mới đến. Hào quang của Phật vừa phóng ra liền đến tận hư không, trọn khắp pháp giới cho nên hoàn toàn khác với những ánh sáng thường.

‘Toàn thân’ là mỗi chỗ trên thân thể đều phóng quang, tiêu biểu cho ‘vầng mây sáng Ðại Viên Mãn’, trong ‘Viên Mãn Quang’ bao gồm vô lượng pháp môn mà Bồ Tát đã tu trong nhân địa, viên mãn công đức mà chư Phật Như Lai chứng được trên quả địa đều tỏ lộ trong tướng hào quang này chẳng sót, cho nên đây là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Tỏ lộ Phật thân bao trùm pháp giới, tỏ lộ ba thân: Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân là một thể, một tức là ba, ba tức là một. Không những hiện ba thân là một, đồng thời cũng hiển thị Y Báo, Chánh Báo chẳng hai. Y báo là hoàn cảnh sinh hoạt, Chánh báo là thân thể này, Y chính là Chánh, Chánh chính là Y, Y và Chánh chẳng hai. Nếu chúng sanh có duyên gặp được Phật quang, cái gì gọi là duyên? Những người nào có duyên? Người nào vô duyên? Có duyên là tự mình không có chướng ngại, thì sẽ nhìn thấy Quang này. Vô duyên là tự mình có chướng ngại, chẳng phải là Phật quang chẳng chiếu soi.  Chư vị đồng tu phải biết Phật quang chiếu khắp, tại sao chúng ta chẳng nhìn thấy? Nguyên nhân nhìn không thấy là vì mình có chướng ngại.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51