ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang ba mươi, xin xem kinh văn hàng thứ nhất:
Phổ Quảng bạch ngôn: ‘Dụy nhiên Thế Tôn, nguyện nhạo dục văn’.
普廣白言。唯然世尊。願樂欲聞。
Ngài Phổ Quảng bạch rằng: ‘Vâng, bạch đức Thế Tôn, [chúng con] vui mừng muốn được nghe’.
Đoạn này có thể khỏi nói, mọi người coi tới liền hiểu. Xem tiếp đoạn sau.
Phật cáo Phổ Quảng Bồ Tát: ‘Vị lai thế trung nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, văn thị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát danh giả, hoặc hiệp chưởng giả, tán thán giả, tác lễ giả, luyến mộ giả, thị nhân siêu việt tam thập kiếp tội’.
佛告普廣菩薩。未來世中若有善男子善女人。聞是地藏菩薩摩訶薩名者。或合掌者。讚歎者。作禮者。戀慕者。是人超越三十劫罪。
Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Quảng: ‘Trong đời vị lai nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào nghe được danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát hoặc là chắp tay, hoặc là tán thán, hoặc là đảnh lễ, hoặc là luyến mộ, người đó sẽ vượt qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp’.
Đoạn kinh văn này, phần đông người ta xem xong đều rất khó tin, thật chẳng dễ tiếp nhận, tại sao? Làm gì có chuyện dễ dàng như vậy, chuyện tiện lợi như vậy. Một người nghe đến danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát hoặc chắp tay, tán thán, đảnh lễ, ưa thích ngưỡng mộ, những sự việc bình thường như vậy bèn có thể siêu việt ba mươi kiếp tội báo, nói vậy hình như hơi quá đáng, làm gì có chuyện lợi ích to lớn như thế! Thật ra trong đoạn kinh văn này, chữ quan trọng mấu chốt là chữ Thiện, đây chẳng phải đã nói rất rõ rồi sao? ‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân’, chẳng phải là một người nam, người nữ bình thường; bạn nghe danh, chắp tay bèn có công đức lớn như vậy, chúng ta đọc kinh thường chẳng để ý nên bỏ sót hết. Tiêu chuẩn của chữ Thiện này là tiêu chuẩn của kinh Đại Thừa, chúng ta y theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật để nói, dùng tiêu chuẩn này để nói ‘Tịnh Nghiệp Tam Phước’ làm được hoàn toàn mới gọi là Thiện. Bạn chỉ làm được ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết hại, tu thập thiện nghiệp’ thì đây là Thiện ở cõi trời, cõi người. Kinh này là kinh Đại Thừa, bạn còn chưa đạt đến tiêu chuẩn này. Nếu thêm ‘Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’ thì đây là Thiện của Nhị Thừa. Thanh Văn, Duyên Giác, so với Thiện này còn thua một bậc. Cái Thiện này nhất định phải ‘Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả’. Nói cách khác, cả mười một câu đều làm được hết, người này nghe đến danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát, chắp tay, tán thán, thì mới siêu việt ba mươi kiếp tội nghiệp, thế thì còn lời gì để nói nữa? Tự mình có gốc rễ này, thêm vào oai thần gia trì của Phật, Bồ Tát thì chúng ta mới tin tưởng được. Thế nên chữ Thiện ở đây chẳng phải là tiểu Thiện của phàm phu, đây là chữ mấu chốt. Rất nhiều người đọc kinh, nghe kinh xong bèn khởi nghi hoặc, chẳng tin là vì chẳng chú trọng đến chữ này, đây là một chữ quan trọng nhất trong đoạn này.
Tiêu chuẩn này chẳng phải là Đại Tâm Phàm Phu nói trong kinh Hoa Nghiêm hay sao? Chúng ta là phàm phu, sao lại nói là Đại Tâm phàm phu? Phàm phu nghĩa là phiền não của bạn chưa đoạn dứt, chẳng phải Bồ Tát. Nếu là Bồ Tát thì đã đoạn dứt Kiến Tư phiền não và phá một phần vô minh, đó là thật chẳng giả. Họ thật sự đã làm được Tam Phước trong Quán Kinh, đó là Pháp Thân Đại Sĩ, chẳng phải người thường. Chúng ta chưa đoạn phiền não và cũng tu pháp của Bồ Tát, chúng ta cũng tu. Tuy tu nhưng chưa đoạn phiền não nên gọi là Đại Tâm Phàm Phu. Đại Tâm nghĩa là pháp môn tu của bạn giống với Pháp Thân Đại Sĩ, nhưng Pháp Thân Đại Sĩ đã đoạn phiền não, chúng ta chưa đoạn phiền não, định nghĩa của thuật ngữ ‘Đại Tâm Phàm Phu’ là như vậy. Chúng ta muốn đạt đến tiêu chuẩn của Bồ Tát chẳng dễ dàng, đừng nói Bồ Tát, ngay cả Nhị Thừa cho đến Tiểu Thừa sơ quả Tu Đà Hoàn, chúng ta trong đời này muốn nhập vào cảnh giới của họ cũng chẳng dễ, đều chẳng thể làm nổi. Cho nên chúng ta dùng thân phận phàm phu, tu pháp môn Tiểu Thừa, tu pháp môn Bồ Tát, cho đến tu Nhất Thừa đại pháp, đây chẳng phải là không thể. Đặc biệt là như cách nói trong kinh Hoa Nghiêm ‘một là tất cả, tất cả là một’, sơ phát tâm bèn có thể tu pháp môn của Đẳng Giác Bồ Tát. Giống như câu nói trong kinh ‘Hành bố thí nhưng không trở ngại viên dung, viên dung nhưng không trở ngại bố thí [1]’, hành bố là thứ đệ (cấp bậc, thứ lớp), viên dung là siêu việt thứ đệ, hiển rõ ra pháp giới vô chướng ngại.