1.240

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 17 (Số 14-12-17)

Chư vị đồng tu, xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung, trang mười một.  Xin xem kinh văn:

 

Địa Tạng bạch ngôn: ‘Nhân Giả, Thiết Vi chi nội hữu như thị đẳng địa ngục kỳ số vô hạn.

地藏白言。仁者。鐵圍之內有如是等地獄其數無限。

Ngài Địa Tạng nói rằng: ‘Thưa Nhân Giả, trong núi Thiết Vi có những địa ngục như thế, số nhiều vô hạn.

Chữ “như thị” trong “như thị đẳng” chỉ địa ngục Vô Gián, A Tỳ nói ở phía trên, và hai mươi hai loại địa ngục. Danh xưng của địa ngục quá nhiều, nói chẳng hết, chẳng qua ở đây Địa Tạng Bồ Tát chỉ nói sơ lược mà thôi. Số lượng của mỗi loại địa ngục cũng nhiều vô cùng, vì nguyên nhân gì vậy?  Chúng ta có thể tưởng tượng, chính là vì chúng sanh tạo tác tội nghiệp địa ngục ở thế gian này quá nhiều. Thế nên ở đây chúng ta đặc biệt phải hiểu rõ nghiệp nhân quả báo của địa ngục, chúng ta phải hiểu rõ nghiệp nhân của những quả báo nói trong kinh điển, nói nghiệp nhân thì chúng ta phải biết quả báo tương lai là gì. Những việc này đều là chân tướng sự thật, tuyệt đối chẳng phải do Phật, Bồ Tát giả thiết những chuyện này để giáo hóa chúng sanh, khuyên chúng sanh đoạn ác, tu thiện, nếu chúng ta nghĩ như vậy thì là hoàn toàn sai lầm, sẽ trái ngược với chân tướng sự thật. Thế nên chúng ta phải ghi nhớ, Phật dạy nguyên lý của vũ trụ nhân sanh cho chúng ta, đây là đạo lý căn bản. Đạo lý căn bản, kinh Hoa Nghiêm nói ‘Duy tâm hiện, duy thức biến’, đây là đạo lý căn bản. Lại nói với chúng ta ‘Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, do đó trong tâm bạn tưởng cái gì thì nó sẽ biến hiện thành cảnh giới đó, hết thảy tướng trong cảnh giới đều chẳng chân thật. Tại sao nói chẳng chân thật? Nó chuyển biến trong từng sát-na, từng sát-na, vậy thì làm sao chân thật được? Tuy chẳng chân thật, nếu bạn mê trong cảnh giới ấy thì bạn sẽ có cảm thọ khổ, vui, lo, mừng, cứ tưởng đó là thật, cứ tưởng chẳng phải giả.

Sau khi giác ngộ thì những cảm thọ này chẳng còn nữa, họ thật sự hiểu rõ trở lại. Nghiệp nhân quả báo có hay không? Có chứ, nghiệp nhân quả báo vẫn có, cảm thọ khổ, vui, lo, mừng chẳng còn nữa, nhà Phật nói đoạn phiền não là có ý như vậy. Chẳng phải là tướng của phiền não chẳng có, chẳng phải là nghiệp của phiền não chẳng có, mà là cảm thọ của phiền não chẳng có, bạn đã ‘quán không’ rồi. Tâm kinh nói ‘Quán Tự Tại Bồ Tát’, đó là trí huệ cao độ, ‘hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời’, tức là dùng trí huệ cao độ, ‘chiếu kiến ngũ uẩn giai không’. Ngũ uẩn có hay không? Ngũ uẩn là thế giới hiện thực của chúng ta, có hay không? Có. Tuy có, Hữu tức là Không, thế nên trong kinh nói ‘sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc’, sắc tức là Hữu, Không và Hữu tồn tại đồng thời, Không và Hữu là một việc, chẳng phải hai việc, thế nên nói ‘Tướng thì có mà Thể thì không’. Có thọ dụng, tình chấp chẳng sanh, như vậy thì sẽ được đại tự tại. Chẳng phải là không có thọ dụng, vẫn có thọ dụng, tức là nói trong ấy nhất định chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chẳng có những thứ này thì thọ dụng của bạn sẽ tự tại. Nếu bạn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, trong lúc bạn thọ dụng ắt sẽ có những cảm thọ khổ, vui, lo, mừng, đã tạo nghiệp thì lẽ nào không thọ quả báo cho được! Chúng ta hiểu rõ những chân tướng sự thật này thì từ đây về sau sẽ chẳng tạo nghiệp nữa.

Thế nên bước vào Niệm Phật Đường, thân tâm thế giới thảy đều buông xuống, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, chỉ cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới. Cổ đức nói: ‘Chỉ cần thấy Di Đà, còn lo gì chẳng khai ngộ?’. Thế gian, xuất thế gian chỉ có việc này là chân thật, những thứ khác đều là hư vọng, chẳng đáng so đo, chẳng đáng ấp ủ trong lòng. Nếu đem những thứ khác chất chứa trong lòng, vẫn so đo như cũ, nghiệp bạn tạo là nghiệp luân hồi, vì tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, những thứ khổ báo trong lục đạo luân hồi bạn vẫn phải hứng chịu. Việc này nói ra thì sẽ chẳng bao giờ dứt, con người hà tất phải làm những chuyện ngu ngốc này, đây là việc chúng ta nhất định phải biết. Tiếp theo, Địa Tạng Bồ Tát lại nói về hai mươi hai thứ địa ngục. Xin xem kinh văn:

 

Cánh hữu Khiếu Hoán địa ngục.

更有叫喚地獄。

Lại có địa ngục Khiếu Hoán.

Khiếu Hoán (Kêu Gào) là thọ khổ đến cùng cực, kêu réo chẳng ngừng.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net