/ 51
2.227

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 3 (Số 14-12-03)

Xin mở kinh trang số một:


Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Ðao Lợi thiên, vị mẫu thuyết pháp.

如是我聞。一時佛在忉利天。為母說法。

Tôi nghe như vầy, một thuở nọ đức Phật tại cung trời Ðao Lợi vì mẹ thuyết pháp.

Trong đoạn này chúng ta giảng đến ‘Nhất thời’, ý nghĩa của ‘Nhất thời’ cần phải bổ sung một chút. Trong Phật pháp, thời gian có hai cách nói: Một là ‘Sát Na Tế’, Phật nói đây là ‘thật thời’, tức là chân thật, là chân tướng của thời gian. Ngoài ra còn có một danh từ gọi là ‘Tam Ma Da’, có nghĩa là ‘trường thời’, ngày nay chúng ta gọi là: Tướng tiếp nối. Trong kinh Kim Cang có nói: ‘Như lộ diệc như điện’, lộ là sương, chúng ta biết thời gian rất ngắn, buổi sáng có sương, khi mặt trời mọc thì sương tan. Dùng việc này để ví cho ‘trường thời’, ví cho tướng tương tục; điện (ánh chớp) ví cho thời gian chân thật. Thời gian chân thật trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Ðịnh gọi là ‘sát-na-tế’[1] (trong khoảng một sát na), đó mới là thật.

Chúng ta rất khó cảm nhận được quan niệm ‘sát-na-tế’. Hiện nay khoa học tiến bộ, dùng máy móc khoa học để quan sát chúng ta mới cảm nhận được chút ít. Nhưng thật ra ‘sát-na-tế’ chính là như trong kinh thường nói: ‘Sanh diệt đồng thời’, vì thời gian sanh diệt của nó quá ngắn ngủi, lục căn chúng ta chẳng thể cảm nhận được. Những gì lục căn của chúng ta có thể cảm nhận, nói cách khác, phải là thời gian tương đối dài. Vừa mới kích thích liền phản ứng tức thời, tuy là nói ‘lập tức’ nhưng cũng phải trải qua thời gian rất dài. Nếu nói là ‘sát-na-tế sanh diệt’ thì chúng ta hoàn toàn cảm nhận không được. Không những phàm phu lục đạo chúng ta, người cõi trời thông minh hơn con người, cảm ứng linh mẫn hơn nhiều nhưng cũng chẳng cảm nhận tới, thậm chí Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát [cũng không được]. Trong kinh Phật nói với chúng ta Bát Ðịa Bồ Tát mới có thể nhìn thấy A Lại Da, A Lại Da thuộc về ‘sát-na-tế’, phải có công phu định lực sâu như Bát Ðịa Bồ Tát mới cảm nhận đến ‘sát-na-tế’. Sát-na sanh diệt, trong kinh Phật thường dùng ‘chẳng sanh chẳng diệt’ để hình dung. Nếu không có sanh diệt thì nói ‘chẳng sanh chẳng diệt’ là thừa, chẳng có ý nghĩa gì hết; thật ra chẳng sanh chẳng diệt nghĩa là đích thật có sanh, có diệt, nhưng vừa sanh đã diệt mất rồi, hầu như sanh diệt đồng thời, cho nên mới gọi là ‘chẳng sanh chẳng diệt’; lời nói này mới có ý nghĩa, sanh diệt đồng thời, thời gian ngắn ngủi đến cùng cực. Nói thật ra khoa học kỹ thuật hiện nay tuyệt chẳng thể đo lường thời gian ngắn ngủi này được, thời gian máy móc có thể đo lường được đã rất dài rồi.

Ðây là chữ ‘nhất thời’ nói trong kinh, chữ này hoàn toàn là chân thật, chúng ta phải lắng lòng thể hội. Nếu hiểu được ‘nhất thời’ thì bạn sẽ hiểu được ‘hết thảy pháp chẳng sanh chẳng diệt’, được vậy thì chẳng lo sợ sanh tử nữa, bạn hiểu được ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’. Tướng hư vọng chẳng sanh chẳng diệt, đó mới là chân tướng, nhưng chúng ta chẳng thấy được, Bát Ðịa Bồ Tát trở lên mới nhìn thấy. ‘Nhất thời’ ở đây nếu muốn nói trên sự tướng thì chính là lúc cơ duyên đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thành thục, đó gọi là ‘nhất thời’. Cách nói này cũng viên mãn phi thường, hết thảy kinh đều dùng chữ này, nhân duyên Phật giảng bộ kinh này đã thành thục rồi.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51