/ 51
2.833

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 2 (Số 14-12-02)

Hôm qua giảng đến Ðề Kinh, giới thiệu xong ‘Ðịa Tạng Bồ Tát’, hôm nay chúng ta giới thiệu ‘Bổn Nguyện’ tiếp. Ðề Mục đối với sự tu học của chúng ta quan hệ rất lớn, nhất định phải lý giải rõ ràng. Rất nhiều đồng học chẳng thể nói họ chẳng dụng công, chẳng thể nói họ không tinh tấn, tại sao không thể thành tựu? Thật sự là vì đối với kho báu tâm địa chẳng chân chánh nhận thức rõ ràng. Người thế gian thời xưa bất luận là làm nghề gì, đặc biệt là người đọc sách (có học thức), Phật pháp cũng chẳng ngoại lệ; trong thế pháp chú trọng sự Lập Chí, nếu một người chẳng có chí hướng, cả đời phấn đấu nỗ lực nhưng chẳng có mục tiêu, đương nhiên sẽ chẳng có kết quả. Phật pháp nói về phát nguyện, ý nghĩa của phát nguyện giống như sự lập chí của người thế gian, nhất định phải phát thệ nguyện rộng lớn. Tại sao chúng ta phát nguyện chẳng nổi? Ðạo lý này chẳng khó hiểu. Trong kinh Phật thường ra tỷ dụ, thí dụ như thực vật, tại sao hạt giống chẳng thể nảy mầm, chẳng thể sanh trưởng? Vì hạt giống này chẳng được gieo vào đất. Chúng ta để hạt giống trên bàn, trong tách trà, thì nó vĩnh viễn sẽ chẳng nảy mầm, chẳng lớn lên. Thế nên nguyện nhất định phải có chỗ nương tựa, nương tựa cái gì? Nương tựa đại địa, nương vào tâm địa. Tâm địa chẳng sáng tỏ, nguyện làm sao có thể sanh ra? Nhất định có đạo lý. Cây cối nhất định phải nương vào đại địa mới có thể mọc rễ, mập mạp, ra hoa kết trái.

Ðại nguyện của chư Phật, Bồ Tát đều xây dựng từ tâm địa, thế nên hai chữ Ðịa Tạng rất quan trọng. Tại sao nói tu học Ðại Thừa phải bắt đầu từ ‘Ðịa Tạng’? Tâm nguyện của bạn được kiến lập từ Ðịa Tạng, ‘Hạnh’ của bạn cũng kiến lập từ Ðịa Tạng. Trong tâm địa hàm chứa vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, thì bạn mới phát huy được. Nếu chẳng rõ tâm địa vốn sẵn đủ kho báu đức năng, dù cho bạn khổ tu như thế nào cũng chẳng thành tựu. Nguyện ở đây là hạt giống. Kinh Hoa Nghiêm ví tín tâm như hạt giống, rất có đạo lý. Bạn chẳng tin thì nguyện của bạn sanh từ đâu?

Nguyện xưng là Bổn Nguyện, hôm trước có nói sơ lược với quý vị. ‘Bổn’ có hai nghĩa: Trên Sự thì vô lượng kiếp vừa qua, đời nào cũng đã từng phát nguyện như vậy, phát nguyện rồi tại sao vẫn chẳng thành tựu? Nguyện đã phát rồi, nhưng chẳng phát từ tâm địa, chẳng phát từ chân tâm bản tánh. Phát từ đâu? Phát từ tâm ý thức, phát từ vọng tâm; vọng tâm là tâm sanh diệt nên nguyện ấy của bạn sẽ diệt. Nếu phát từ chân tâm thì nguyện ấy sẽ chẳng diệt, chân tâm chẳng sanh chẳng diệt, nguyện này phát xong sẽ chẳng thoái chuyển; phát từ vọng tâm sẽ thoái chuyển. Duyên tiêu mất thì nguyện sẽ mất luôn, đời này lại sanh đến cõi người, lại gặp được Phật pháp, lôi kéo nguyện lúc trước trở lại, là chuyện như vậy, thế nên mới gọi là Bổn Nguyện, ý này cạn cợt.

Ý tứ sâu thêm một tầng, Bổn chính là chân như bản tánh, từ chân như bản tánh phát đại nguyện thì gọi là Bổn Nguyện. Chư vị nên biết nếu thật sự là phát đại nguyện từ chân như bản tánh, bạn sẽ chẳng là phàm phu, mà là Pháp Thân đại sĩ như nói trong kinh Hoa Nghiêm. Vì bạn biết dùng chân tâm, dùng vọng tâm là phàm phu, dùng chân tâm là Bồ Tát. Các bạn đều đã học ‘Bách Pháp Minh Môn’, một khóa học trong Pháp Tướng Duy Thức nhập môn. Trong Bách Pháp Minh Môn nói đến: ‘Ðồng Sanh Tánh, Dị Sanh Tánh’, hai thứ này đều là là ý nghĩa của chữ Bổn này. Dị Sanh Tánh tức là dùng vọng tâm, Dị tức là chẳng giống nhau, chẳng giống Phật, Bồ Tát, dùng tâm chẳng giống; Phật, Bồ Tát dùng chân tâm, bạn dùng vọng tâm, bạn khác với Phật, Bồ Tát nên gọi là Dị Sanh Tánh. Ai là Dị Sanh Tánh? Thập pháp giới đều là Dị Sanh Tánh. Ðừng nói lục đạo phàm phu, [ngay cả] Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật trong thập pháp giới, Tạng Giáo Phật và Thông Giáo Phật nói trong tông Thiên Thai đều là Dị Sanh Tánh.

Ai là Ðồng Sanh Tánh? ‘Ðồng Sanh Tánh’ dùng tâm giống chư Phật Như Lai. Nếu dùng lời của Tướng Tông để nói thì: ‘Chuyển Tám Thức thành Bốn Trí’, đây tức là dùng chân tâm, đó chính là Ðồng Sanh Tánh. Ðồng là tương đồng với chư Phật, Như Lai, dùng tâm giống với tâm Phật, dùng chân tâm. Tâm Phật ví như trăng ngày rằm, nếu bạn biết dùng Ðồng Sanh Tánh thì bạn cũng ví như trăng khuyết ngày mồng hai, mồng ba. Ánh sáng trăng khuyết tuy chẳng giống như ánh trăng tròn, nhưng đều là chân thật, đều là ánh trăng thật sự, chẳng phải giả. Dị Sanh Tánh, người xưa ví như ánh trăng trong mặt nước, có bóng dáng của mặt trăng, đó gọi là Dị Sanh Tánh, nó chẳng giống, chẳng phải thật. Tuy là trăng khuyết, như Sơ Trụ Bồ Tát, Thập Trụ Bồ Tát đúng là giống như trăng khuyết, đến Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Ðịa, dần dần tăng thêm ánh sáng, đến quả địa Như Lai thì là trăng tròn, tất cả đều dùng chân tâm. Xây dựng lòng tin từ chân tâm, từ chân tâm phát ra đại nguyện, đó chính là Bổn Nguyện. Người xưa nói nguyện lực như vậy vượt qua được khảo nghiệm, mưa to gió lớn gì họ cũng chẳng bị lay động; bất luận cảnh thuận, cảnh nghịch gì họ nhất định đều chẳng bị cảnh giới lay động. Tại sao vậy? Nguyện của họ từ chân tâm phát ra, họ nương dựa vào chân tâm. Nếu chẳng dựa vào chân tâm, mà là nguyện phát từ vọng tâm, nguyện lực ấy chẳng mạnh, rất yếu, rất dễ bị cảnh giới lay chuyển, rất dễ mê mất phương hướng, việc này chúng ta nhất định phải biết.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51