ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Xin mở kinh. Hôm qua giảng đến đoạn Thế Tôn phóng quang hiện tướng lành, trong mười thứ quang minh vân này chúng ta giảng đến ‘Ðại Tam Muội Quang Minh Vân’ thứ năm. Bây giờ chúng ta bắt đầu từ quang minh vân thứ sáu:
Ðại Cát Tường Quang Minh Vân.
大吉祥光明雲。
Vầng mây sáng Ðại Cát Tường.
‘Cát Tường’ ở thời cổ Trung Quốc là một chữ thông dụng trong việc hỏi thăm, chúc tụng. Cát tường là gì? Cổ đức nói đây là một từ ‘nghĩa lợi’, tức là chúng ta đáng được, đều có thể đạt được một cách viên mãn. Còn những gì không đáng được, nếu bạn muốn đạt được thì đó là ‘tai họa’, đó gọi là ‘bất nghĩa’. Chúng ta dùng tài vật để thí dụ, những đồ vật ‘bất nghĩa’ trong Phật pháp là đồ trộm cắp, bạn chẳng nên có, bất luận là dùng thủ đoạn gì, nếu bạn đạt được thì tội lỗi rất nặng. Thế nên ‘Cát tường’ là đáng được, bạn có thể đạt được viên mãn, đây là ‘nghĩa lợi’, ‘nghĩa’ tức là đáng được.
Câu này nói rõ đây là ‘đức’ đáng được. Trong Phật pháp, Ðại Bồ Ðề, Ðại Niết Bàn là những gì chúng ta muốn đạt được, trí huệ đức năng vốn sẵn có trong tự tánh là những gì chúng ta muốn đạt được, cùng với trí huệ và công đức của quả địa chư Phật chẳng hai, chẳng khác, chúng ta hiểu được ý nghĩa này. Dù là chính mình, chúng ta lấy phàm phu để nói, tánh đức của chúng ta chẳng khai mở, trong thế gian này chẳng phải chỉ một đời này thôi, mà đời đời kiếp kiếp phước báo của chúng ta có thể nói đều là tu được (nhờ tu mới được), chẳng xứng tánh. Khi kiến tánh thì trong tự tánh của bạn có trí huệ, phước báo mới có thể hiện tiền, phước báo đó mới là chân thật, giống như nước suối tuôn trào, lấy hoài chẳng hết, dùng hoài chẳng cạn, đó là phước báo xứng tánh. Trước lúc kiến tánh thì phước đức này là do tu mà được, tu được thì sẽ dùng hết, ở đây chúng ta nêu một thí dụ cho mọi người dễ hiểu. Tánh đức ví như tài sản của bạn, có gia nghiệp, trong nhà có mỏ vàng, trong mỏ vàng trữ vô cùng phong phú, đời đời kiếp kiếp đều dùng chẳng hết. Nhưng hiện nay cái mỏ vàng này bị đá bít kín, chẳng thể sử dụng, một đồng cũng chẳng có, muốn có cơm ăn phải đi làm công, bạn kiếm chút ít tiền để sống qua ngày, trong nhà tuy có tài sản ức vạn nhưng bạn chẳng sử dụng được.
Bát Nhã, trí huệ, công đức, của cải trong tự tánh chúng ta cũng giống như mỏ vàng này vậy, chưa được khai thác, cho nên hiện nay phải cực khổ đi làm chuyện vặt để kiếm chút tiền, phước báo này hưởng chẳng hết. Vả nữa, phải đi làm một cách đúng lý đúng pháp, nếu đầu cơ cầu may, làm chuyện phi pháp thì bạn sẽ phạm tội. Khi phạm tội thì những gì bạn đáng có nhưng không có được, lại còn bị pháp luật trừng phạt, đạo lý này cũng giống vậy. Thế nên chúng ta ở thế gian này phải hiểu rõ, những gì chúng ta chẳng đáng được thì nhất định không thể lấy. Chữ ‘đạo tặc’ trong nhà Phật, ý của chữ ‘đạo’ là không cho mà lấy, bất luận là dùng thủ đoạn gì, bạn chiếm được những tài vật chẳng hợp pháp là họa chứ chẳng phải là phước, nhất định phải hiểu điểm này. Cho dù những của cải trong số mạng có sẵn chúng ta cũng phải giác ngộ, sự thọ dụng trong sinh hoạt đời này nói thật ra rất ít. Chúng ta đừng nghĩ đến cả đời, nghĩ đến cả đời thì dễ phạm nhiều lỗi lầm. Người chân chánh giác ngộ sẽ nghĩ như thế nào? Một ngày, sự thọ dụng của tôi ngày hôm nay, tuyệt đối không nghĩ về ngày mai, nghĩ về ngày mai thì bạn sẽ có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì bạn sẽ sai lầm, chỉ tưởng ngày hôm nay, chẳng có ngày mai. Những gì cần dùng hôm nay còn dư lại đều bố thí cho người khác, có phước cùng hưởng với hết thảy chúng sanh. Nếu bạn hỏi ngày mai phải tính sao? Ngày mai sẽ có nhiều hơn. Tại sao lại càng nhiều hơn? Người này đang trồng phước, khi trồng phước thì phước báo sẽ vĩnh viễn tăng trưởng thêm, nó sẽ chẳng tiêu mất. Chúng ta thấy người thế gian, ở khắp nơi trên thế giới có thể thấy những người có tiền cắm cúi tích trữ, liều mạng để gia tăng của cải của mình, đối với sự nghiệp phước lợi của xã hội, nhìn thấy người nghèo khổ một cắc cũng không chịu cho. Nhưng trải qua vài năm thì họ xảy ra sai sót, nhà tan cửa nát, tài sản của họ đều tiêu hao mất hết. Hiện tượng này cổ kim trung ngoại đều có, chỉ cần lưu ý một chút thì thế gian hiện nay ngày càng rõ ràng. Tại sao không đem số còn dư đi tu phước? Ðây chính là mê hoặc điên đảo. Chúng ta nói đến ‘Cát tường’ nhất định phải hiểu ý nghĩa này. Tánh đức thì chúng ta tạm thời không bàn, trên tu đức biết mình tu như thế nào, làm sao tu mới được phước lợi to lớn, kinh này dạy cho chúng ta biết. Phía dưới thứ bảy là: